“Ai cũng có lúc trở nên giận dữ – điều đó rất dễ. Nhưng giận đúng người, đúng mực, đúng thời điểm, đúng mục đích và đúng cách thì không dễ chút nào.”
Chúng ta biết ơn triết gia Hy Lạp Aristotle vì câu nói này và sự thâm thúy của nó trong việc làm chủ cảm xúc và các mối quan hệ của chúng ta. Nếu bạn thuần thục điều này thì có thể xem như hành trình cải thiện EQ của bạn đã thành công. Giận dữ là một cảm xúc tồn tại với ý nghĩa riêng của nó – giận dữ không phải là dạng cảm xúc bạn có thể dồn nén hoặc tránh né. Nếu bạn kiểm soát nó đúng cách và dùng nó vào đúng mục đích, bạn sẽ nhận được những kết quả giúp tăng cường các mối quan hệ của mình. Thật như vậy đấy.
Hãy nghĩ đến một huấn luyện viên bóng đá đang trao đổi thẳng thắn vấn đề với đội trong giờ nghỉ giữa hiệp. Những ý kiến phản hồi nghiêm khắc của ông buộc các học trò phải chú ý và tập trung cải thiện trong hiệp hai. Cả đội quay lại sân với trạng thái tươi tắn hơn, tập trung hơn và sẵn sàng chiến thắng; trong trường hợp này, huấn luyện viên đã kiểm soát tốt những cảm xúc của mình để thúc đẩy các cầu thủ hành động. Bộc lộ sự giận dữ theo cách thích hợp thể hiện những cảm xúc mạnh mẽ bên trong bạn và nhắc nhở người khác về mức độ nghiêm trọng của tình huống. Tuy vậy, thể hiện sự giận dữ quá mức hoặc không đúng lúc sẽ khiến người khác bị tê liệt với những cảm xúc của bạn, khiến họ khó mà hiểu được bạn một cách nghiêm túc.
Việc sử dụng những cảm xúc mạnh mẽ như giận dữ để đạt được những lợi ích trong các mối quan hệ cần nhiều thời gian để thuần thục, bởi tôi hy vọng rằng bạn không có nhiều cơ hội trong ngày để thực hành nó. Cần có sự chuẩn bị chu đáo cho sách lược này, bắt đầu từ việc nhận thức rõ ràng về cơn giận của mình.
Hãy dùng những kỹ năng tự nhận thức để suy nghĩ và đưa ra một định nghĩa về các mức độ khác nhau trong cơn giận của bạn – từ một cảm xúc khiến bạn khó chịu đến một cảm xúc khiến bạn mắc kẹt trong đó. Viết những mức độ này ra và chọn những từ ngữ diễn tả đúng, sau đó viết ra những ví dụ giải thích tại sao bạn có những cảm xúc như vậy. Hãy xác định khi nào bạn nên bộc lộ cơn giận dựa trên tiêu chí một khi đã bộc lộ ra, thì
bằng cách nào đó nó sẽ giúp bạn cải thiện mối quan hệ. Để đưa ra lựa chọn này, hãy dùng kỹ năng nhận thức xã hội để nghĩ về những người có liên quan và phản ứng của họ.
Nên nhớ, làm chủ mối quan hệ thực chất là việc đưa ra những lựa chọn và hành động nhằm tạo ra một mối quan hệ chân thành và sâu sắc với người khác. Để làm được điều này, bạn phải thành thật với người khác và với chính bạn, điều này đôi khi đồng nghĩa với việc sử dụng cơn giận có chủ đích.