Các CEO, tính trung bình, có chỉ số EQ thấp nhất trong lực lượng lao động.
Nếu ví các kỹ năng EQ như một đỉnh núi cao, ắt hẳn bạn sẽ cho rằng những nhà quản trị cấp cao phải là những người sành sỏi về nó. Như chúng tôi đã công bố trong một bài báo trên Tạp chí Kinh doanh Havard, “Heartless Bosses” (Những Ông Chủ Nhẫn Tâm), các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy suy nghĩ đó không hoàn toàn đúng. Chúng tôi đã đánh giá về EQ trên khoảng nửa triệu nhà quản trị cao cấp (gồm khoảng 1.000 CEO), quản lý và nhân viên trong tất cả các ngành, thuộc sáu châu lục. Điểm số tăng cao cùng với các chức danh, từ cấp thấp nhất trong công ty đến các cấp quản lý bậc trung. Những nhà quản lý bậc trung nổi bật hơn cả, họ có chỉ số thông minh cảm xúc cao nhất trong lực lượng lao động. Tuy nhiên trong các vị trí cao hơn nữa, EQ lại có khuynh hướng thấp dần. Với những chức danh từ giám đốc trở lên, điểm số tụt giảm càng thê thảm. Các CEO (Tổng giám đốc), tính trung bình, có chỉ số EQ thấp nhất trong lực lượng lao động.
Chức năng chính của một nhà lãnh đạo là hoàn thành công việc thông qua đội ngũ nhân viên. Như vậy, bạn có thể cho rằng cấp bậc càng cao thì kỹ năng quản lý con người của họ càng giỏi. Nhưng có vẻ điều ngược lại mới đúng. Quá nhiều vị lãnh đạo thăng tiến bởi kiến thức chuyên môn hoặc thâm niên trong nghề, hơn là kỹ năng quản lý người khác.
Một khi đã ngồi ở vị trí cao nhất, họ càng có ít thời gian giao tiếp với nhân viên cấp dưới hơn. Tuy vậy trong số các nhà điều hành, những người có chỉ số EQ cao cũng chính là những người hoàn thành công việc tốt nhất. Chúng tôi phát hiện thấy kỹ năng EQ đóng vai trò quan trọng trong hiệu quả công việc hơn bất kỳ kỹ năng lãnh đạo nào khác. Điều này đúng với tất cả chức danh khác: những người có chỉ số EQ cao nhất ở bất cứ cương vị nào cũng hoàn thành công việc xuất sắc hơn các đồng sự.