Để nhận thức về mặt xã hội, bạn cần hòa nhập và loại bỏ những tác nhân khiến bạn xao lãng – nhất là những ý nghĩ linh tinh trong đầu. Những mối bận tâm ấy rất giống một đống đồ cũ lộn xộn trong nhà để xe hoặc trong tủ nhà bạn – đành rằng chúng là những vật có ích, nhưng chúng lẫn lộn với nhau và bạn khó tìm đúng cái mình cần. Giải pháp: hãy dọn sạch đống đồ linh tinh đó.
Có nhiều thứ rất đáng dọn dẹp. Thứ nhất, chúng ta ai cũng có những mẩu độc thoại và những lời nói văng vẳng trong đầu; ta không ngừng nói chuyện với bản thân mình. Chúng ta mải lo độc thoại nội tâm đến nỗi tự tách mình khỏi thế giới chung quanh – điều này gây tác dụng ngược lên kỹ năng nhận thức xã hội. Cái đáng dọn dẹp thứ hai chính là việc ta mải lo suy nghĩ trước lời đối đáp của mình trong khi người đối diện vẫn đang nói. Điều này cũng gây tác dụng ngược – khó mà nghe trọn vẹn được cả bản thân mình lẫn người đối diện nói cùng lúc.
Để dọn sạch mớ hỗn độn trong đầu này, bạn nên làm theo một số cách đơn giản sau. Khi bạn đang đối thoại với ai đó, đừng cắt lời họ đến khi họ nói xong. Tiếp theo, để tắt tiếng nói trong đầu đang gợi ý câu trả lời cho bạn, điều quan trọng là bạn phải nhận ra khi nào bản thân mình đang làm điều đó; một khi đã nhận ra, bạn sẽ tự mình dừng lại và dẹp bỏ thứ vớ vẩn đó. Bây giờ, hãy dành sự tập trung vào khuôn mặt và lời nói của người đối diện. Nếu cần, bạn có thể nghiêng người về phía trước để hướng bản thân mình tập trung vào cuộc đối thoại giữa hai người. Nhận thức này chứng minh rằng bạn có tiến bộ, bởi từng có lúc, bạn không biết rằng có một phương pháp như thế này tồn tại.
Luôn tự nhắc nhở rằng mình tham gia trò chuyện là để lắng nghe và học hỏi chứ không phải để gây ấn tượng với người khác bằng những lời lẽ sâu sắc của mình. Khi bạn không ngừng nhận ra những thứ không hay trong đầu và xua chúng đi, bạn sẽ tiến bộ hơn trong việc ổn định những suy nghĩ nội tâm, và kỹ năng lắng nghe của bạn sẽ trở nên sắc bén hơn.