Nếu bạn gặp nhiều khủng hoảng trong các mối quan hệ, phương pháp EQ này có thể là điểm khởi đầu tốt đẹp hơn. Giả sử buổi sáng nọ, đang loay hoay đậu xe trong bãi xe công ty, bạn thấy cô đồng nghiệp Jessie đang rơm rớm nước mắt khi bước ra khỏi chiếc xe ngay cạnh bạn. Bạn hỏi thăm xem cô ấy có ổn không, và cô ấy đang bất ổn. Thế là bạn an ủi, “Ồ không sao đâu, bắt tay vào việc chị sẽ quên hết mà. Gặp chị sau nhé.” Rồi bạn cứ lấy làm thắc mắc vì sao cô ta tránh mặt bạn suốt ngày hôm đó.
Một điều quan trọng trong làm chủ mối quan hệ là đối mặt với những cảm giác khó chịu và dành thời gian để chấp nhận, chứ không phải dẹp bỏ hoặc cố thay đổi, cảm xúc của người khác. Câu nói: “Tôi rất tiếc khi thấy chị buồn như vậy; tôi có thể làm được gì cho chị?” khiến Jessie thấy rằng nếu cô ấy muốn khóc để cảm thấy nhẹ lòng hơn, thì bạn sẽ sẵn sàng tìm khăn giấy cho cô ấy. Những hành động đơn giản như vậy chính là cách bạn thừa nhận cảm xúc của người khác nhưng không làm to chuyện, không coi thường hoặc bỏ qua những cảm xúc đó. Ai cũng có quyền nếm trải cảm xúc, kể cả khi bạn không cảm nhận giống họ. Không nhất thiết bạn phải đồng tình với cảm xúc của người khác, nhưng bạn phải xem cảm xúc của họ là chính đáng và tôn trọng chúng.
Để giúp bạn hiểu được cảm xúc của người khác, ta cùng xem lại trường hợp của Jessie. Dùng những kỹ năng nhận thức xã hội để lắng nghe và tóm tắt lại những điều bạn nghe được cho cô ấy nghe. Điều này không chỉ chứng tỏ bạn có kỹ năng lắng nghe tuyệt vời mà còn cho thấy bạn nhuần nhuyễn trong việc làm chủ mối quan hệ bởi bạn mở lòng và thể hiện sự lo lắng, quan tâm đến cô ấy. Bạn sẽ kết thúc cuộc trò chuyện bằng sự gắn bó hơn với một Jessie giờ đã bình tâm lại – và tất cả những gì bạn cần chỉ là dành chút thời gian để quan tâm và ghi nhận cảm xúc của cô ấy.