chủ. Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết”71. “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”72. Người dặn dò bộ đội: “Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là “cứu tinh” của dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân”73. Trong buổi thành lập “Đội quân vũ trang đầu tiên” của cách mạng Việt Nam, Người chỉ rõ: “Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được”74.
Một nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội là lấy việc bồi dưỡng, xây dựng con người là chính, “người trước, súng sau”. Theo Hồ Chí Minh, người quân nhân có “tư tưởng vững, chính trị vững, kỷ luật khá, thân thể khỏe mạnh thì nhất định thắng”, còn nếu “chính trị khá, nhưng quân sự kém, hoặc chính trị quân sự đều khá, nhưng thân thể yếu đuối thì cũng không thắng được”75. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ ra sức phấn đấu để có phẩm chất và năng lực toàn diện, đáp úng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng. Đề cao vai trò con người, song Hồ Chí Minh rất coi trọng việc nâng cao trình độ vũ khí, trang bị. Người xác định quân đội ta “phải tiến lên chính quy, hiện đại”, bao gồm nhiều quân, binh chủng, có quy mô tổ chức và số lượng hợp lý, có chất lượng ngày càng cao. Người cũng nêu rõ: “Thực túc thì binh cường”, yêu cầu các cấp, các ngành chăm lo nuôi dưỡng, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội, từ nơi ăn chốn ở đến sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ, “phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng đến chiến sĩ”76.
Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, coi đó là khâu then chốt của việc nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội ta. Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã chú trọng cử người đi học quân sự, quan tâm đến việc đào tạo cán