8. Kết cấu luận văn
3.2.6. Tổ chức thực hiện đánh giá, khen thưởng công bằng, công khai và chính
chính xác.
a. Mục đích của biện pháp
Việc đánh giá khen thưởng công bằng, công khai và chính xác sẽ giúp nhà trường đạt được những giá trị tốt đẹp sau:
+ Đối với cá nhân: Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên sẽ nhận được sự đánh giá công tâm về quá trình thực hiện nhiệm vụ được nhà trường giao, qua đó nhận thức được những kết quả mà cá nhân đã nỗ lực tạo ra, bên cạnh đó cũng nhìn thấy những khuyết điểm, hạn chế, thiếu sót để tìm cách khắc phục.
+ Đối với nhà trường: việc đánh giá công tâm sẽ giúp nhà trường thực hiện các bước quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, trên cơ sở đó sẽ có phương hướng, kế hoạch công tác cán bộ lâu dài cho nhà trường, giúp nhà trường luôn có được đội ngũ kế cận chất lượng, đảm bảo đủ năng lực và tâm huyết hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, thông qua đánh giá khen thưởng công bằng, công khai và chính xác, nhà trường sẽ tự đánh giá lại quá trình phân công, giao nhiệm vụ của nhà trường đã hợp lý chưa để có sự điều chỉnh phù hợp, đảm bảo giao việc theo năng lực, sở trường và khả năng hoàn thành công việc được giao là cao nhất có thể.
b. Nội dung và cách thức tổ chức thực hiện của biện pháp
Trước hết, nhà trường phải có biện pháp thay đổi nhận thức của toàn bộ đội ngũ đơn vị, phải nhận thức rõ mục tiêu của việc đánh giá, khen thưởng là thúc đẩy nhau cùng tiến bộ.
Cần nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn về công tác đánh giá, thi đua khen thưởng để xây dựng tiêu chí, quy chế đánh giá, thi đua khen thưởng một cách chính xác, vận dụng linh hoạt nội dung các văn bản hướng dẫn vào điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn của đơn vị sao cho không sai quan điểm chung mà vẫn đạt hiệu quả.
Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá đội ngũ theo từng vị trí công tác đúng với các văn bản hướng dẫn cấp trên, tổ chức đánh giá định kỳ hàng năm đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng, khách quan, phản ánh đúng phẩm chất và năng lực của từng người. Phải lấy kết quả đánh giá để xếp loại đội ngũ; khen thưởng, kỷ luật kịp thời; xây dựng kế hoạch đào tạo, bổ nhiệm các vị trí chủ chốt trong nhà trường, quy hoạch cán bộ nguồn.
Tạo động lực để phát triển đội ngũ như: phân công nhiệm vụ đúng người, đúng việc; đối xử công bằng, khách quan; biểu dương, khen thưởng kịp thời; cải thiện môi trường làm việc…..
Chia sẻ quyền lực cho cấp dưới, hướng dẫn, giúp đỡ cấp dưới thực hiện; tăng cường vai trò quản lí cho từng cá nhân, mỗi cá nhân phải tích cực chủ động trong công việc của mình và phối hợp tốt với đồng nghiệp.
Xây dựng bầu không khí tập thể dân chủ, cởi mở để mọi người thoải mái chia sẻ ý kiến của mình và tích cực trao đổi thông tin để giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ.
Thay đổi tư duy đánh giá, từ bỏ lối đánh giá thông qua một kênh duy nhất là ý kiến của Hiệu trưởng, Hiệu trưởng cần phải phối hợp với các ban, tổ đoàn thể trong nhà trường như Công đoàn, Đoàn thanh niên, tổ chuyên môn…để định kỳ kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của các thành viên trong nhà trường. Qua đó, tăng thêm nhiều kênh đánh giá để quá trình đánh giá, kết luận được khách quan và chính xác, nhận được sự đồng thuận cao trong tổ chức.
Việc đánh giá cũng phải tuân theo quy trình, từng bước, tránh áp đặt, mệnh lệnh mà phải làm từ dưới lên: bắt đầu từ cá nhân tự đánh giá, ban, tổ, đoàn thể có liên quan đánh giá, Hội đồng thi đua khen thưởng trường đánh giá, Hiệu trưởng căn cứ trên các ý kiến đánh giá để đánh giá, kết luận một cách công khai, minh bạch, tôn trọng ý kiến của các bên có liên quan, tuyệt đối không phủ nhận sạch trơn, bỏ qua, xem nhẹ ý kiến nhận xét, đánh giá của các bộ phận giúp việc cho Hiệu trưởng. Nên vận dụng tối đa nguyên tắc của Đảng đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên đó là tự phê bình và phê bình, tăng cường tự đánh giá, tự nhìn nhận về bản thân trong công việc và nhân cách.
Phải làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác thi đua khen thưởng, đánh giá nhận xét để cán bộ phụ trách có đủ kĩ năng, trình độ, sự
công tâm khi làm công tác nhận xét, đánh giá người khác.
Cần kết hợp một cách hài hòa giữa nguyên tắc và nghệ thuật trong đánh giá, nhận xét. Chú trọng đánh giá điểm mạnh để khích lệ, đối với những điểm yếu, hạn chế cần tế nhị, không nên đánh giá xấu toàn diện, nên né tránh đánh giá con người hạn chế, chủ yếu tập trung vào công việc, đánh giá từng bước, từng mức độ để theo dõi sự tiến bộ của cấp dưới, nếu không có sự tiến bộ thì mới tiến hành các bước đánh giá tiếp theo ở mức độ cao hơn. Trong đánh giá cần chú trọng ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng, nhất là đối với những người có năng lực yếu hơn nhưng có sự cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, khi đánh giá cần xem xét về điều kiện, hoàn cảnh và môi trường để cá nhân hoàn thành nhiệm vụ, khi đó có sự nhận xét tương xứng và không cào bằng.