Tôi là Dương Tuấn Hưng, là Tiến sĩ Hóa học, hiện đang công tác tại Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Tôi xin chia sẻ câu chuyện làm thế nào để chúng ta có thể tạo ra nhiều nhà khoa học, nhà phát minh trong tương lai?
Trước hết là câu chuyện của cá nhân tôi. Như bao sinh viên khác, tôi tốt nghiệp đại học tại Việt Nam và có may mắn giành được học bổng của Quỹ giáo dục Việt Nam để theo đuổi sự nghiệp khoa học và làm nghiên cứu sinh tại Đại học Illinois, Hoa Kỳ. Tôi tự tin bởi vì tôi có vốn kiến thức chuyên môn tốt và vốn tiếng Anh không tệ. Tuy nhiên những tháng ngày đầu tiên tại Hoa Kỳ đối với tôi rất vất vả và khó khăn. Không giống như những sinh viên người Mỹ, thích nghi và làm quen rất nhanh với những trang thiết bị trong phòng thí nghiệm. Gần như ngay lập tức họ có thể tiến hành những nghiên cứu độc lập. Tôi loay hoay làm quen với những thiết bị đó. Tôi chưa từng nhìn thấy những thiết bị như vậy bao giờ. Tôi nhận ra rằng mình thiếu rất nhiều những kiến thức thực tế và không biết cách học thông qua làm.
Tôi cũng nhận ra rằng đây là một vấn đề chung của nhiều bạn học sinh sinh viên Việt Nam. Chính vì vậy, tôi băn khoăn và trăn trở, làm thế nào để các bạn học sinh, sinh viên của chúng ta ở những thế hệ sau chúng tôi có được điều kiện tốt hơn để tiếp xúc với những phương pháp giáo dục mới. Trở về Việt Nam, tôi luôn luôn đau đáu với những câu hỏi như vậy.
Vì một Việt Nam cất cánh
Có ai từng băn khoăn có những điều gì xảy ra trong bộ não một đứa trẻ 5 hay 6 tuổi? Có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ rằng các em trong độ tuổi đó chỉ có thể nhận biết hình ảnh, màu sắc hay âm thanh, cùng lắm là làm được những tính cộng trừ nhân chia. Nhưng các em có thể làm nhiều hơn thế. Vấn đề là chúng ta sẽ tạo ra môi trường và gieo lên trong các em những sự đam mê về khoa học, về sáng tạo. Tôi được đào tạo bài bản để trở thành một nhà khoa học. Tôi cũng không hề yêu thích công tác giảng dạy, tuy nhiên cơ duyên đến với nghề dạy và trở thành một thầy giáo. Năm 2012, tôi nhận được lời mời tham gia hỗ trợ đào tạo và huấn luyện cho nhóm ba bạn học sinh trường Hà Nội Amsterdam tham gia cuộc thi Intown High Cept tại Hoa Kỳ. Tôi cùng với các thầy cô giáo và các tri thức trẻ hỗ trợ và đào tạo cho các bạn. Tôi nhận ra một điều, các học sinh này rất thông minh, sáng dạ và chịu khó học hỏi. Tuy nhiên điều các em thiếu là kiến thức và kỹ năng. Các em chưa bao giờ biết về phương pháp nghiên cứu khoa học, càng không biết về thiết kế poster khoa học hay thuyết trình về các đề tài khoa học.
Với những nỗ lực của các em học sinh và các thầy cô giáo cùng tập thể chúng tôi, khoảng ba tháng sau, nhóm ba bạn học sinh này đã giành được giải Nhất lĩnh vực kỹ thuật điện và cơ khí tại Hoa Kỳ. Nhiều năm sau đó ngoài công tác chuyên môn tại cơ quan, tôi vẫn tiếp tục tham gia hướng dẫn cho thêm nhiều đội tuyển nữa. Vấn đề này cứ lặp đi lặp lại, các em vẫn thiếu những kỹ năng như vậy, phải chăng đây là thiếu sót trong giáo dục và hệ thống giáo dục của chúng ta?
Rất may mắn trong thời gian đó, tôi và nhiều bạn trí thức trẻ đã thúc đẩy và đưa một mô hình giáo dục mới, một phương pháp giáo dục khác tại Việt Nam. Đó là lĩnh vực STEM. Chúng tôi đã đi đến các địa phương, xuống trường phổ thông, về các tỉnh, các huyện, thậm chí là miền núi, miền Trung. Chúng tôi dành khoảng thời gian
nghỉ ngơi của mình để đi làm những công việc đó, hỗ trợ cho các địa phương, các thầy cô giáo về mô hình giáo dục STEM, về phương pháp tiếp cận mới, hình thành nên các câu lạc bộ khoa học, câu lạc bộ STEM.
Cho đến nay, theo từng năm, số lượng câu lạc bộ tăng lên. Hiện nay chúng ta có khoảng 400 câu lạc bộ STEM ở khắp các tỉnh thành, trong đó 200 câu lạc bộ dạy và thi robot. Các bạn có nghĩ một đứa trẻ, một học sinh phổ thông có thể trở thành một nhà phát minh, một nhà khoa học không? Hai bạn học sinh lớp 8 của trường THCS Trưng Vương, Hà Nội đã rất tự tin giới thiệu về sản phẩm cánh tay robot điều khiển bằng suy nghĩ trước các phóng viên của đài truyền hình quốc tế. Gần đây, tôi hướng dẫn cho một nhóm học sinh xuất phát từ những mong ước nhỏ nhoi là muốn giúp cha mẹ mình có được một vườn hoa tại ban công nhà mình lúc nào cũng tươi, ra những sắc hoa đẹp thắm nên đã tự mình thiết kế dưới sự hỗ trợ của các thầy cô ra một hệ thống tưới cây thông minh, điều khiển bằng điện thoại và hoàn toàn không phải thực hiện bất cứ một thao tác bằng tay nào.
Giáo sư Hoàng Tụy, một trong hai nhà sáng lập ngành toán học của Việt Nam đã nói như thế này trong bài viết “Mấy vấn đề cấp bách về giáo dục”: Sự tụt hậu về giáo dục sẽ gây ra những hậu quả khôn lường
đối với sự phát triển mọi mặt của đất nước. Đó là cái giá đắt mà chúng
ta không được phép, không nên để cho thế hệ mai sau phải trả. Hiện nay với sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư và nhu cầu về nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các ngành về khoa học kỹ thuật ngay tại Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng, rất nhiều các tập đoàn, các công ty, doanh nghiệp đã thay đổi, chuyển hướng đầu tư vào các lĩnh vực khoa học công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, vạn vật hấp dẫn hay là nền nông nghiệp thông minh…
Vì một Việt Nam cất cánh
Bằng những kinh nghiệm, trải nghiệm khi tham gia tập huấn về giáo dục STEM các địa phương, chúng tôi thấy rằng phương pháp giáo dục STEM sẽ là một con đường mới giúp chúng ta tạo nên một thế hệ như vậy. Đơn giản STEM là cụm từ viết tắt của S (Sience − khoa học); T (Technology − công nghệ) và E (Engineering
− kỹ thuật), cuối cùng là M (Math − toán học). Về cơ bản, giáo dục STEM tức là một cách tiếp cận mới trong giáo dục nhằm trang bị cho người học các kiến thức liên quan đến tất cả các lĩnh vực khoa học công nghệ và toán học, làm sao lồng ghép và tích hợp tất cả các nội dung này khiến cho người học ngoài việc hiểu các nguyên lý cơ bản có thể áp dụng và sáng tạo vào trong các sản phẩm trong thực tế. Thực tế cho thấy, giáo dục STEM có sức sống và bản thân nó sẽ được nhân lên rất rộng. Chúng tôi tin rằng, bằng con đường này, phương pháp giáo dục mới này, chúng ta có thể tạo ra những thế hệ trẻ đáp ứng được những nhu cầu khắt khe của thời đại. Nếu như chúng ta không hành động ngay, chúng ta có thể đã bỏ lỡ các cơ hội để giúp thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau bắt kịp với sự phát triển của thế giới. Và giáo dục STEM cũng chính là một con đường mà chúng tôi tin rằng sẽ giúp Việt Nam tiến lên hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta sẽ cùng nhau nắm tay, cùng thay đổi, cùng gieo những hạt giống tốt lành về một mô hình giáo dục mới cho Việt Nam.
“Tôi là một CEO của một công ty về công nghệ, nhưng hôm nay tôi sẽ không nói chuyện về công nghệ, tôi sẽ kể những câu chuyện về cuộc sống.”