Quê tôi
Quê hương của tôi ở xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Tôi là Giàng Seo Châu, năm nay 33 tuổi là người dân tộc Mông. Hiện nay tôi đang làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn.
Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông. Bố mẹ không biết chữ. Lên 10 tuổi tôi mới được đến trường đi học. Cuối những năm 1990, ở Si Ma Cai tình trạng đói nghèo còn nhiều và cuộc sống rất là vất vả. Sống trong điều kiện gia đình, quê hương khó khăn như vậy tôi luôn luôn nghĩ mình phải làm thế nào để không vất vả như bố mẹ và luôn khát khao để thay đổi cuộc sống, luôn mong muốn làm gì đó để giúp cho người dân ở quê tôi có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bản thân tôi luôn cố gắng học. Tôi học một cách chăm chỉ, tự giác. Ngoài việc học ở trên lớp, tôi tranh thủ học khi đi chăn trâu, khi rảnh rỗi và học vào ban đêm. Lúc đó chưa có điện, tôi học bằng đèn dầu. Có lần do mệt quá ngủ quên, tôi để đèn dầu đổ và cháy cả sách vở. Rất may mắn mẹ tôi đã nhìn thấy. Nếu không thì cả nhà tôi đều bị thiêu rụi. Rồi tôi tốt nghiệp THPT và thi đỗ Đại học. Khi tôi thông báo tin vui này với gia đình, bố tôi bảo rằng: Tao chỉ thấy người
ta thồ ngô thồ lúa đi chợ để có tiền, chứ không có ai đi học có tiền đâu.
Bố mẹ muốn tôi ở lại ở quê làm ruộng, làm nương như cha ông. Lúc đó tôi nghĩ nếu bỏ học thì cuộc sống của tôi sẽ vất vả, quê hương tôi vẫn sẽ nghèo. Tôi cố gắng thuyết phục gia đình để
Vì một Việt Nam cất cánh
tôi tiếp tục theo đuổi con đường tri thức của mình. Tôi lựa chọn học trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội với suy nghĩ sẽ học được nhiều kiến thức về phát triển kinh tế nông nghiệp, sau này giúp ích cho quê hương của mình.
Thời gian đi học Đại học tôi thật sự thấm thía được cái nghèo. Ba đến bốn tháng, bố mẹ mới gửi cho tôi một triệu đồng. Tôi phải đi làm thuê từ việc rửa bát, bốc vác cho tới việc chăm sóc cây xanh ở các vườn để có thêm ít tiền trang trải cuộc sống. Càng nghèo khó, tôi càng nghĩ mình phải trở về làm cho quê mình giàu lên. Khi tốt nghiệp Đại học, tôi cũng có những cơ hội để ở lại thành phố. Nhưng tôi quyết tâm về quê.