Cô gái piano

Một phần của tài liệu Vì một Việt Nam cất cánh: Phần 2 (Trang 128 - 130)

Thời gian cứ trôi đi, tôi quen dần với các đêm trực và các ca cấp cứu bệnh nặng vì ở bệnh viện Việt Đức ngày nào cũng có các ca tử vong hoặc ca nặng không thể điều trị được tiếp. Chẳng mấy chốc tôi đã là bác sĩ nội trú năm cuối cùng. Trong ca trực, tôi ở phía trong khu vực hồi sức bệnh nhân nặng và xử trí các bệnh nhân sau sơ cứu. Sáng hôm đó, tôi đi buồng cùng tất cả các bác sĩ trong tua trực.

Ở góc phòng, tôi thấy một bệnh nhân nữ khoảng hơn 20 tuổi băng bó và nẹp bất động tay. Tôi xem hồ sơ và thấy bệnh nhân được chẩn đoán dập nát tay phải do tai nạn xe máy, đã được chỉ định mổ, nhưng tua trực trước chưa giải thích cho người nhà và bệnh nhân. Tôi thường có thói quen đọc bệnh án và hỏi thăm nghề nghiệp bệnh nhân trước khi giải thích cho bệnh nhân. Trong bệnh án ghi cô gái là sinh viên Nhạc viện. Hôm đó, sinh nhật bạn, sau bữa liên hoan tối, một người bạn đèo cô về nhà thì bị tai nạn. Cậu này cũng đang nằm phòng hồi sức vì bị chấn thương sọ não. Tôi xem bệnh án thấy chấn thương sọ não nặng, đến mục xét nghiệm nồng độ cồn thì thấy vượt ngưỡng cho phép 10 lần. Lại một tai nạn liên quan đến rượu bia.

Vết thương của cô gái thấm máu, tôi thay băng. Vết thương rộng và nhiễm trùng nặng. Tôi linh cảm, không biết cái tay này có giữ được không? Được thay băng và cố định lại cô gái đỡ đau hỏi tôi: Bao giờ em được mổ? Vết thương sau bao lâu thì lành? Chỉ còn một tháng nữa là đến kì thi, rồi cô còn đi dạy thêm piano cho các bé cấp một, học sinh của cô phải nghỉ học lâu không? Tôi động viên cô và nói mổ luôn bây giờ, vết thương chắc cũng không đáng ngại, tùy thuộc trong lúc mổ mới đánh giá được tiến triển.

Tôi mong mình linh cảm sai, hy vọng thương tổn đánh giá trong mổ sẽ nhẹ hơn. Cô gái được đưa vào phòng mổ, tôi tiếp tục công việc bác sĩ ở phòng hồi sức với những ca bệnh nặng khác. Những ca mổ cuốn tôi đi. Bẵng đi một tuần, khi đi hội chẩn trên phòng hậu phẫu, tôi gặp lại cô gái đánh đàn piano. Cô đã mổ thêm lần nữa để cắt lọc vết thương ở tay. Cô nhận ra tôi ngay và nói giọng buồn buồn:

- Sáng nay bác sỹ trưởng khoa bảo nếu vài hôm nữa vết thương không đỡ vẫn nhiễm trùng sẽ phải cắt tay nếu không thì nguy hiểm tính mạng. Không có tay thì chắc em bỏ học anh ạ.

Vì một Việt Nam cất cánh

Tôi nhìn cô không biết động viên gì nữa. Chẳng nhẽ tôi lại nói dối với lương tâm nghề nghiệp. Vài hôm sau cô phải phẫu thuật cắt cụt tay phải. Ước mơ thành cô giáo piano không còn nữa. Tôi không còn cảm giác nghẹn đắng như buổi trực đầu tiên mà là một cảm giác buồn xa lắng. Tôi ước các bữa tiệc sinh nhật không có rượu bia.

Một phần của tài liệu Vì một Việt Nam cất cánh: Phần 2 (Trang 128 - 130)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)