Sau 10 năm, giờ tôi đã tốt nghiệp, làm nghề chính thức. Trong tua trực, từ bác sĩ trẻ nhất, giờ tôi đã trở thành người gần như nhiều tuổi nhất, chịu trách nhiệm cho mọi vấn đề chuyên môn. Tôi nghĩ mình gần như đã chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn, các ca bệnh nặng, các trường hợp tai nạn thương tâm.
Một ngày trực như bao ngày khác, 7h45 phút, khi đang giao ban, điện thoại tôi đổ chuông của tua trực trước. Họ cần bàn giao bệnh nhân ngay, trường hợp đặc biệt. Tôi bỏ giao ban đi thẳng ra khu trực cấp cứu, một nữ nhân viên y tế của bệnh viện Việt Đức bị tai nạn, sơ cứu tại bệnh viện tuyến dưới chuyển về trong tình trạng sốc nặng. Sau buổi trực thứ bảy, sáng chủ nhật cô tranh thủ về quê, chiều chủ nhật lại lên Hà Nội cho kịp buổi đi làm sáng thứ 2. Tai nạn xe máy tự ngã trên đường về nhà, chắc do cô quá mệt.
Vào phòng mổ, tôi mời trực tham vấn, thầy cố vấn đến ngay. Ca mổ từ lúc chưa nhận trực đến tận tối muộn, đa chấn thương, thay đến ba kíp mổ. Mọi người đều đã làm hết sức nhưng không có nhiều hy vọng. Trong những ngày sau đó, ngày nào tôi cũng dành khoảng 30 phút đến 1 tiếng lên phòng hồi sức thay băng và xem xét hội chẩn cùng các bác sĩ hồi sức. Tôi biết thêm bố em cũng là bác sĩ như chúng tôi.
Tuần đầu tiên không có hy vọng gì nhiều, lọc máu liên tục. Em nằm đó. Chúng tôi cũng thấy như mình đang chiến đấu giành lại sức khỏe cho chính bản thân mình vậy.
Tuần thứ hai cũng căng thẳng, tôi vẫn thay băng cho em cùng các bác sĩ nội trú, chưa có tiến triển.
Tuần thứ ba bắt đầu có tia hy vọng dù là nhỏ nhoi. Cả ekip, nhân viên y tế trong bệnh viện ai cũng mừng cho em.
Tuần thứ tư tiến triển hơn, chúng tôi giành giật em về từ bàn tay tử thần. Em chưa tỉnh táo hoàn toàn nhưng đã có những đáp ứng với các kích thích.
Tháng sau đó là một sự vui mừng, sự kỳ diệu của y học và công sức của cả một tập thể từ ban lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa, các bác sĩ điều dưỡng cho tới các hộ lý trực tiếp chăm sóc em. Sau hơn hai tháng em có thể xuất viện, gầy đi gần 20kg. Em ra viện trên xe lăn. Nhìn em trở về nhà, tôi vui nhưng cũng vẫn buồn. Liệu em có đi làm lại được không?
Tôi ước giá như em đừng có vội vàng đi xe khi đang quá mệt như thế. Tôi có ước ao quá nhiều không? Tôi mong những chia sẻ này, có thể giúp mọi người hiểu được những cảm xúc của những nhân viên y tế nói chung và cán bộ nhân viên bệnh viện Việt Đức nói riêng, những người đang hàng ngày hàng giờ chiến đấu với tử thần giành giật lại mạng sống cho các bệnh nhân đặc biệt là những nạn nhân của các tai nạn giao thông. Tôi cũng mong muốn mọi người có thể hình dung được phần nào những mất mát, đau đớn của các bệnh nhân và gia đình họ khi xảy ra tai nạn, mong rằng mỗi người chúng ta có thể góp phần thay đổi văn hóa giao thông để ai cũng có thể trở về nhà vui vẻ lành lặn sum họp với gia đình mỗi tối.
Vì một Việt Nam cất cánh
Một nhóm người trẻ ở Đồng Nai tập hợp nhau lại hình thành một đội tình nguyện, được cả chính quyền và đông đảo nhân dân ủng hộ. SOS 117, câu lạc bộ Hỗ trợ và đảm bảo An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai được người dân gọi với cái tên gần gũi là những “hiệp sĩ bóng đêm”. SOS 117 được tập hợp bởi hầu hết là công nhân, sinh viên. Đến nay, CLB đã có hơn 20 thành viên, hoạt động được 7 năm. Công việc của họ hàng đêm là đi khắp các tuyến đường của tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là QL51, tuyến đường thường xuyên xảy ra TNGT và giúp đỡ tất cả những người gặp nạn trên đường. Từ việc sơ cứu ra sao trước khi chuyển lên các cơ sở y tế, bảo vệ hiện trường, tài sản người dân đều được chú trọng và thực hiện một cách chuyên nghiệp.