Tôi còn nhớ như in đó là một ngày hè nóng nực, tôi được bác sỹ cột 1 giao nhiệm vụ tiếp đón và sơ cứu các bệnh nhân ở khu tiếp đón. Cả ngày tôi tất bật với việc cấp cứu bệnh nhân, đưa ra các chỉ định, băng bó và khâu các vết thương. Mệt mỏi nhưng rất vui vì thấy mình có ích, giúp được nhiều người, đồng thời được nâng cao tay nghề. Bệnh nhân ra vào liên tục, tôi làm việc 12 tiếng không nghỉ. 8h mới ăn tối. Lúc này bệnh nhân vãn hơn. Tôi ngồi tại phòng cấp cứu nghĩ lại những ca bệnh nặng trong ngày, nghĩ về cách xử trí và chẩn đoán. Khoảng 9h tối tiếng còi xe cứu thương vang lên từ phía cổng bệnh viện, tôi đi ra phòng khám sẵn sàng cho ca cấp cứu. Một cháu bé 8 tuổi vào viện đã hôn mê, chảy máu tai và mũi, khuôn mặt sưng nề, chân biến dạng, bụng chướng. Không có thời gian hỏi hoàn cảnh hay gia đình, chúng tôi vội đưa ngay cháu bé vào phòng hồi sức, đặt ống nội khí quản, bóp bóng, đặt đường truyền, truyền máu, cố định lại chân gãy. Việc cấp cứu diễn ra hết sức khẩn trương. Cả ekip từ bác sỹ mổ, bác sỹ hồi sức, điều dưỡng, mỗi người một nhiệm vụ, ai cũng hết sức làm phần việc của mình.
Sau khoảng 10 phút cấp cứu, tim ngừng đập, cháu bé bắt đầu được ép tim ngoài lồng ngực. 10 phút tim đập lại, bắt đầu có hy vọng, cháu bé được đưa thẳng vào nhà mổ để phẫu thuật. Tua trực đã kích hoạt hệ thống báo động đỏ, bé được chuyển lên bàn mổ, các phẫu thuật viên và ekip mổ đã rửa tay sẵn sàng cho phẫu thuật, ngừng tim lần hai, lại ép tim, tôi đã rửa tay thay áo mổ để sẵn sàng
Vì một Việt Nam cất cánh
vào phụ mổ cho trưởng tua, lại chuyển sang ép tim, căng thẳng cả nhà mổ. Mọi người đều đợi cho tim đập lại để rạch da. Ép tim năm phút, sốc điện, không có dấu hiệu hồi phục, tiếp tục ép tim rồi lại sốc điện thêm hai lần nữa, không có dấu hiệu gì hết. 30 phút cấp cứu không có kết quả, bác sĩ cột 1 quyết định dừng cấp cứu. Đây là bệnh nhân nhi đầu tiên của tôi. Tôi muốn cấp cứu thêm và ép tim thêm nhưng với những kiến thức lý thuyết trong trường, tôi biết không có hiệu quả gì nữa. Tôi ngồi bệt xuống sàn nhà trong phòng mổ, phần vì mệt mỏi cả ngày, phần vì thất vọng bản thân không thể cứu được cháu bé, phần vì không muốn ra gặp gia đình cháu bé. Theo thông lệ, bác sĩ phải theo ca bệnh từ lúc khám đến lúc bệnh nhân ra viện. Trong trường hợp này là bệnh nhân tử vong. Cuối cùng tôi tập tễnh theo bác sĩ cột 1 đi gặp gia đình, đứng bên cạnh bác sĩ trưởng tua nghe bác sĩ giải thích, mẹ cháu bé khóc cạn nước mắt. Lúc này tôi mới biết hai bố con đi ăn giỗ về bị tai nạn do đi xe máy va chạm với nhóm thanh niên đua xe. Bố đã tử vong tại bệnh viện tỉnh, con gái được chuyển lên bệnh viện Việt Đức. Nhìn vào đôi mắt của bà mẹ tôi cảm thấy cả bầu trời sụp đổ, một cảm giác nghẹn đắng, bất lực. Tai nạn giao thông đó đã cướp đi không chỉ hai tính mạng mà còn phá tan tương lai của cả một gia đình. Giá mà không có đua xe, tôi ước vậy sau đêm trực đầu tiên.