TRÁCH NHIỆM NHÀ BÁO CÔNG DÂN

Một phần của tài liệu Vì một Việt Nam cất cánh: Phần 2 (Trang 82 - 89)

Ông Lê Quốc Vinh là Chủ tịch & Tổng Giám đốc của Tập đoàn Truyền thông Lê. Ông là nhà báo, chuyên gia truyền thông, ông cũng là là người đầu tiên kinh doanh trong lĩnh vực báo chí ở Việt Nam. Hiện tại, ông quan tâm đến chủ đề về sự chuyển dịch của báo chí Việt Nam trong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ. Trở lại với Cất cánh, ông mong muốn lan tỏa những thông điệp về Trách nhiệm của nhà báo công dân bởi hầu như bất cứ người dân nào đều có tài khoản trên mạng xã hội và họ có thể hành động như một nhà báo.

NHÀ BÁO LÊ QUỐC VINH

CHỦ TỊCH ĐIỀU HÀNH LE BROS

Đây là điện thoại của tôi và tôi đang dùng facebook. Mỗi ngày tôi dùng khoảng 1 tiếng 20 phút cho việc lên mạng xã hội, đôi khi là 2 tiếng, có lúc 3 tiếng. Trước kia tôi viết về mọi thứ, những gì tôi suy nghĩ, trăn trở mà tôi không đưa lên mặt báo. Tôi đọc rất nhiều những gì các bạn bè tôi viết, thậm chí của những người không phải bạn bè. Bỗng nhiên tôi nhận ra rằng thông tin mà tôi nhận được tạo cho tôi một cảm giác là cuộc sống cực kỳ bí bách. Đó không phải là cuộc sống mà tôi đang chiêm nghiệm, đang sống, đang thở. Tôi quyết định rằng tôi phải giảm đi, không xem những thông tin mà nó không đúng với cuộc sống của tôi nữa. Trong một năm trở lại đây tôi bắt đầu nhìn thấy những thông tin tăm tối, những ý kiến chỉ trích, những phẫn nộ dần dần biến mất. Xung quanh tôi chỉ còn lại những thông tin tích cực.

Tôi nhớ lại ngày mà tôi làm báo. Tôi đã từng cũng ước mơ giống như tất cả những nhà báo khác là được xông pha vào những nơi máu lửa, sẵn sàng đổ máu để tạo ra được những tác phẩm báo chí để đời. Nhưng mà tôi không có cơ hội để làm những nhà báo như thế, tôi làm một nhà báo kinh tế. Tôi đã từng, cùng với báo Vietnam Investment Review làm phóng sự về vấn nạn buôn lậu tại Cửa Lò, Nghệ An. Tôi nghĩ rằng đó là một trong những phóng sự công phu nhất mà một tờ báo kinh tế như chúng tôi đã làm. Câu chuyện về buôn lậu ở Cửa Lò những năm 1995 rất nóng bỏng. Chúng tôi có đầy đủ các loại thông tin, nhưng chúng tôi không chỉ thực hiện theo các thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng, chúng tôi xuống tận nơi, đến từng hộ gia đình, những người đang bày bán đồ

Vì một Việt Nam cất cánh

điện tử ở trên bãi cát giống như là đang bày rau ra bán vậy. Tôi gặp những chiến sĩ công an. Tôi đi phỏng vấn những chiến sĩ bộ đội Biên phòng và rất nhiều những người khác nữa để tạo ra được hai trang báo về tệ nạn tại Cửa Lò. Đó là những trải nghiệm mà tôi nghĩ rằng nếu như không cất công kỹ lưỡng như vậy, bỏ nhiều công sức, cả một tuần trời thì chúng ta sẽ không nhìn thấy một bức tranh hoàn hảo, toàn vẹn về vấn đề chúng ta đưa ra.

Những gì chúng ta nhìn thấy trên mạng xã hội thường chỉ là một phần, một góc rất nhỏ của sự thật. Có một câu nói rất nổi tiếng là:

Nửa cái bánh mỳ thì là bánh mỳ, nhưng một nửa sự thật thì không bao giờ là sự thật. Vai trò của một nhà báo như chúng tôi là đi tìm toàn

vẹn sự thật đó. Trong khi đó ở trên mạng xã hội, chúng ta không có cơ hội. Những cá nhân hoạt động tích cực trên mạng xã hội cũng chỉ nhìn thấy một phần cho sự thật mà thôi. Tôi nhớ tạp chí Đẹp của tôi có lần đăng một bài hướng dẫn mọi người về chuyện làm thế nào để phân biệt được chanh Việt Nam với chanh Trung Quốc độc hại. Người phóng viên của tôi đưa lên trang điện tử đó một bài mô tả rằng nếu là chanh Trung Quốc thì nó rất vàng. Sau đó, chúng tôi nhận phải sự phẫn nộ của những người trồng chanh. Họ nói rằng quả chanh mà các bạn đang đăng trên trang web của tạp chí Đẹp đó 100% là chanh Việt Nam. Nếu các bạn đăng tải như vậy, ảnh hưởng rất lớn đến những người trồng chanh chân chính.

Tôi gặp người phóng viên, hỏi rằng: Bạn đã làm phóng sự như thế

nào? Cô ấy nói: Em đi ra chợ, tìm thấy quả chanh nào vàng nhất thì em chụp. Tôi biết rằng chúng tôi đã sai. Tôi quyết định xóa bỏ toàn

bộ những nội dung đó và đăng tải một lời xin lỗi trên chính link đó. Sau đó, chúng tôi làm một phóng sự nữa. Chúng tôi lên chợ đầu mối và tìm ra đúng những quả chanh Trung Quốc độc hại, quay phim, chụp ảnh và chứng minh rằng là đấy là những sản phẩm mà người

tiêu dùng cần phải tránh. Chúng tôi đề nghị với các đồng nghiệp một lần nữa chia sẻ lại, chuyển đến những thông điệp chính xác hơn cho những người tiêu dùng và cả những người trồng chanh nữa.

Đó là những câu chuyện rất đời thường của những tờ báo, những tòa báo. Nhiều khi không mang tính chất chính luận, hay là điều tra một cách khốc liệt, nó chỉ là những tờ báo bình thường thôi, thì nó cũng phải thể hiện trách nhiệm lớn lao của người làm báo.

Quay trở lại câu chuyện mạng xã hội, thuật toán của facebook cho phép chúng ta thích đọc gì thì nó sẽ hiện ra cái đó. Nếu chúng ta muốn đọc những thông tin tiêu cực thì chỉ có tin tiêu cực đến với chúng ta mà thôi. Còn nếu chúng ta nhìn nhận cuộc sống với cả con mắt tích cực thì những người viết tích cực sẽ trở thành những người bạn, và những gì họ viết nó sẽ hiện lên new feeds của mình. Các bạn sẽ chọn gì? Các bạn sẽ chọn viết như thế nào? Ở Việt Nam chúng ta có khoảng 55 triệu người đang sử dụng facebook và có khoảng 12 triệu người khác sử dụng Youtube. Với một nền tảng công nghệ như hiện nay, những cá nhân có tài khoản trên facebook đều có thể hoạt động như một nhà báo chuyên nghiệp, nếu có đủ công cụ, nếu có suy nghĩ. Họ nhìn tất cả mọi thứ qua một khung cửa sổ là màn hình bé xíu của điện thoại. Và họ chỉ nhìn thấy một phần sự thật. Chưa kể rất nhiều người không có trách nhiệm với những thông tin mình viết. Họ chỉ nghe nói, thậm chí là có người còn bịa ra.

Tôi đã từng giúp đỡ cho một doanh nghiệp nhỏ, họ buôn sữa dê về cho những đứa trẻ bị dị ứng với sữa bò. Tôi nghĩ rằng đấy là điều hay. Nhưng mạng xã hội lập tức đưa ra tin đồn đại rằng là sữa dê này sản xuất tại Trung Quốc. Rất nhiều người tin. Chúng tôi lúc đó phải đối mặt với một cuộc chiến rất khủng khiếp của những mẹ bỉm sữa ở các múi giờ khác nhau, không chỉ ở Việt Nam, có cả ở châu Âu, ở Mỹ, cùng tấn công một doanh nghiệp nhỏ xíu, mỗi tháng chỉ nhập

Vì một Việt Nam cất cánh

về có một container sữa thôi. Chúng tôi đã cùng với các nhà báo, thuyết phục mọi người rằng là nguồn gốc của loại sữa này đúng là từ Pháp, từ châu Âu, nhưng người tiêu dùng không tin, người trên mạng không tin. Họ quyết tâm vùi dập sản phẩm đó cho đến chết.

Người ta có thể sẵn sàng bịa ra, cường điệu. Rất không may là có một lượng lớn những cư dân mạng rất sẵn lòng chia sẻ những loại thông tin như vậy.

Tôi đã từng chat với một phụ nữ, hỏi chị ấy: Tại sao chị lại tin

vào một video clip mà lúc đó nhiều cơ quan chức năng và các tờ báo đã chứng minh rằng đó là giả? Chị ấy nói: Tôi vẫn không tin báo, tôi tin vào tất cả những gì mà bạn bè tôi nói. Nếu nó ngược lại với báo tôi càng tin hơn. Đấy là một sự thật rất đau lòng. Những người tự cho mình

có quyền lực vô biên giống như là các nhà báo, sử dụng trang mạng xã hội của mình để gây ảnh hưởng đến những người khác. Họ quên mất rằng những thông tin đó của họ có thể có những tác hại rất lớn. Tôi đọc facebook rất nhiều vì tôi tin rằng đó là một công cụ hữu ích. Có tới 80% người Việt Nam nói rằng: Mạng xã hội hữu ích. Nhưng cái hữu ích mà mọi người nghĩ đến chỉ là cho cá nhân của mình thôi, tạo dựng cho mình uy tín, hình ảnh để cuối cùng phát tán ra những thông tin thiếu trách nhiệm. Những cư dân trên mạng xã hội, những người đang nỗ lực biến mình thành những nhà báo công dân cũng phải có trách nhiệm giống như là các nhà báo chuyên nghiệp. Một khi chúng ta đã tham gia mạng xã hội, một khi chúng ta đã coi mạng xã hội là nơi để chia sẻ thông tin thì cũng phải chia sẻ có trách nhiệm. Chúng ta chỉ chia sẻ sau khi đã điều tra. Chúng ta đã phải tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin đó. Nó có tích cực cho xã hội hay không? Hay thông tin đấy sẽ hủy hoại một doanh nghiệp, một cá nhân, một con người? Nó sẽ tác động như thế nào đến cuộc sống của chúng ta? Những người làm truyền thông trước hết là phải

có tâm, lương thiện. Những người làm thông tin cho dù là làm thông tin cá nhân, cũng vẫn phải nêu cao tính trách nhiệm của mình, phải biết rằng thông tin nào đúng, đáng đăng tải; những thông tin nào đáng đưa ra để tạo ra những hiệu quả tích cực trong xã hội, thì chúng ta mới đăng tải. Nếu đó là những thông tin nguy hiểm thì chúng ta phải cân nhắc, suy nghĩ nhiều lần để có thể quyết định rằng thông tin đấy có được đăng hay không.

Hãy trở thành những nhà báo công dân, hãy có trách nhiệm.

Một phần của tài liệu Vì một Việt Nam cất cánh: Phần 2 (Trang 82 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)