Trong vai trò nhân viên, đa số chúng ta đều quá quen thuộc với những mục tiêu kết quả như: “Bán được X sản phẩm, bạn sẽ nhận được Y tiền thưởng”.
Mục tiêu dạng này thường làm chúng ta khó chịu nhiều hơn là động viên vì chúng ta cảm thấy mình bị đổ lên đầu. Một cách chắc chắn để làm nản lòng nhân viên là không khen ngợi hay công nhận quá trình học hỏi và hoàn thiện họ đã đạt sau mỗi dự án.
Thiết lập mục tiêu học tập cho cá nhân (thậm chí đề nghị cấp trên đưa nó thành một phần chính thức của công ty) để hỗ trợ những mục tiêu kết quả được giao có thể giúp chúng ta cảm thấy thêm sức mạnh. Chúng ta giờ đây có thể sở hữu những mục tiêu trước kia vốn thuộc về công ty, bởi vì chúng đã trở thành công cụ giúp chúng ta tự hoàn thiện mình. Hãy xem nó như một cách tìm những phúc lợi nằm ngoài công việc.
Thử tưởng tượng một nhân viên bán hàng, Judy chẳng hạn, đã quyết định đưa mục tiêu cá nhân vào mục tiêu công ty - học ba kỹ năng bán hàng mới từ những người giỏi nhất trong công ty để đạt doanh số đề ra. Mục tiêu cuối cùng của cô ấy vẫn là phải bán được 1.000 món hàng. Nhưng giờ đây, ẩn bên dưới mục tiêu này, là một mục tiêu cá nhân khác mà Judy muốn đạt đến. Tôi tin rằng nếu công ty khuyến khích sự quyết tâm hoàn thiện, họ sẽ công nhận thành công của Judy đối với cả hai mục tiêu. Tuy nhiên, nếu họ không nhìn thấy thì những kỹ năng mới của Judy cũng sẽ giúp cô có được một sự nghiệp tốt đẹp hơn trong cuộc đời.
Và đừng phạm sai lầm khi cho rằng mục tiêu nghề nghiệp lâu dài của bạn không nhất thiết phải trùng hợp với công việc hiện tại. Tôi biết có nhiều người tôi gặp đang làm những công việc thoạt nhìn không liên quan gì đến sự nghiệp mà họ muốn xây dựng cả. Nhưng như những người thành công nhất ngoài kia đều hiểu, mọi thứ đều có liên hệ với nhau! Khi bạn phải tung hứng giữa đời sống cá nhân và công việc, hãy cố gắng kết hợp cả hai với nhau, đừng cố gắng tìm sự cân bằng! Tôi hết sức khuyến khích mọi người tìm cách kết hợp những yêu cầu trong công việc hàng ngày với mục tiêu về lâu dài của họ bằng một cách mà tôi gọi là “phác họa” - sắp xếp mục tiêu công việc hiện tại để chúng phục vụ mối quan tâm lâu dài của cá nhân.
Phác họa cho phép bạn mang 100% đam mê của mình vào công việc; đồng thời nó cũng gia tăng đáng kể năng lượng bạn dành cho công việc hôm nay. Nhờ vậy, nó giúp bạn đạt kết quả tốt hơn - ai cũng chiến thắng cả! Bạn có nhất thiết phải nói với mọi người về mục tiêu dài hạn của bạn không? Không. Bạn chỉ việc làm theo ý mình thôi. Nhận một mục tiêu mà người ta trao cho
bạn, và biến nó thành một mục tiêu học tập phục vụ lợi ích bản thân. Hoặc gọi cho một người bạn thân và nói: “Này, tôi đang cố gắng tìm cách biến những mục tiêu công việc hàng ngày thành một cái gì đó có ích cho sự nghiệp tương lai. Đây là mục tiêu hiện tại trong công việc. Còn đây là mục tiêu dài hạn trong cuộc đời của tôi. Bạn giúp tôi được không?” Nhà tuyển dụng cũng được lợi từ sự quyết tâm cao của nhân viên.
Mục tiêu học tập là một công cụ tuyệt vời khi “phác họa”. Khi Judy viết lại doanh số bán hàng thành mục tiêu trở thành người bán hàng giỏi, cô đã chuyển trọng tâm sang sự phát triển cá nhân. Chúng ta thông thường sẽ đầu tư nhiều hơn vào những nhiệm vụ hàng ngày (và thành công hơn với những nhiệm vụ này) nếu chúng ta cảm thấy chúng có liên hệ trực tiếp với mối quan tâm cá nhân. Nếu bạn không thể tìm được cách đưa công việc hiện tại phục vụ mối quan tâm lâu dài, nghĩa là bạn chưa đủ sức sáng tạo hoặc bạn đang làm không đúng công việc. Hãy dành công sức sắp xếp các mục tiêu cho phù hợp!
Viết “thôngcáo báo chí” cho mụctiêu của bạn
Chỉ riêng quá trình thông tin các mục tiêu của bạn đến những đối tác hỗ trợ, hoặc bất cứ ai khác, cũng đủ để giúp bạn đạt chúng.
• Chia sẻ mục tiêu của bạn với mọi người buộc bạn phải làm sáng tỏ tầm nhìn của mình.
• Đối tác hỗ trợ của bạn sẽ có thể chỉ ra những điểm yếu trong kế hoạch mà bạn có thể không nhìn thấy.
• Thông tin về mục tiêu không chỉ là nói với người khác về những gì bạn sẽ đạt được - thực ra đây chính là nói với bản thân bạn, lặp đi lặp lại nhiều lần, cho đến khi bạn tin tưởng hoàn toàn vào nó.