Bước 9: Làm giả đến khi đạt thật và giữ chặt nó

Một phần của tài liệu Ai che lưng cho bạn: Phần 2 (Trang 86 - 90)

Bạn đã bao nhiêu lần đưa ra quyết tâm và quyết định thay đổi cuộc đời mình, để rồi sau đó nhận thấy mọi thứ vẫn đứng ì ra đó ngay khi bạn gặp trở ngại đầu tiên? Báo cáo của các trung tâm thể dục cho thấy thành viên mới thường đến tập hàng ngày trong vòng khoảng ba tháng đầu tiên ghi danh, sau đó sự hăng hái này giảm dần. Trong vòng sáu tháng, các thành viên chuyển sang đến mỗi tuần một lần, và trong những buổi này, họ tiến đến những chiếc máy tập hào nhoáng như thể chúng là dụng cụ tra tấn. Chỉ có những người có quyết tâm mới tham gia đủ lâu để nhìn thấy kết quả.

Thái độ này cũng rất phổ biến trong công việc. Sau bài phát biểu động viên trong buổi họp nhân viên bán hàng hàng năm, mọi người đều rạng rỡ, vỗ tay, và tản đi để tận hưởng bữa tiệc cocktail. Họ bỏ lại trên ghế không biết bao nhiêu là những tập hồ sơ dày cộm những trang powerpoint. Thế là xong một nỗ lực duy trì thay đổi trong tổ chức. Đó là lý do vì sao tôi không chỉ phát biểu rồi phát tài liệu. Tôi cố gắng tạo ra trải nghiệm cho khách hàng duy trì những thay đổi trong công việc mỗi ngày; nếu không thì xem như chúng tôi chưa hoàn thành nhiệm vụ. Đừng hiểu sai ý tôi; thực hiện những bước đi đầu tiên rất quan trọng - theo đuổi Bốn Đặc điểm tư duy về thiết lập mối quan hệ sâu sắc với một số người mình tin cậy, đi tìm các đối tác hỗ trợ qua lại hay vòng tròn cố vấn, và cam kết đặt mục tiêu và thay đổi hành vi. Bạn cần phải bắt đầu từ đâu đó, và quyển sách này đang giúp bạn làm điều này.

Nhưng một khi bạn đã tìm được nhóm - cho dù nhóm chỉ là hai người hay cả một đội ngũ đứng sau lưng - và hoạch định cho công việc của mình, giai đoạn khó khăn chỉ mới bắt đầu. Làm thế nào bạn duy trì được quá trình hỗ trợ lẫn nhau? Làm thế nào bạn duy trì được những thay đổi trong chính bạn? Làm thế nào bạn chuyển đổi từ ý định sang hành động hàng ngày?

Chìa khóa của sự bền vững nằm ngay trong hai chữ “hàng ngày” đó. Một trong những lý do dẫn đến thành công của các chương trình 12 bước là họ đề nghị theo đuổi từng bước một mỗi ngày qua. Tập trung vào những bước nhỏ hàng ngày là nguyên tắc chủ đạo của nhiều tổ chức hay tôn giáo về tự hoàn thiện bản thân. Chìa khóa của việc suy ngẫm sâu xa chính là hiện tại. Thực tế, tập trung vào những gì bạn có thể thực hiện ngaybây giờ chính là cách tốt nhất để bạn và các cố vấn tin cậy duy trì thay đổi.

Có lần tôi nghe Ray Charles trả lời phỏng vấn trên radio rằng ông ấy không biết có người chơi nhạc giỏi nào mà không phải luyện tập hàng ngày. Luyện

tập đơn giản là một phần trong cuộc đời của người chơi nhạc, giống như hít thở vậy.

Không ai được sinh ra mà đã biết chơi piano hay clarinet. Đa số mọi người khi thử chơi lần đầu tiên đều ngô nghê và thật tệ. Những người chơi nhạc thành công phải tập luyện nhiều năm liền cho đến khi họ chơi hay hơn, và cuối cùng là họ kiểm soát được nhạc cụ của mình. Họ không lo lắng về những nốt nhạc chơi sai hay phải luyện tập cùng một bản nhạc hàng chục hay hàng ngàn lần. Ngay cả những bậc thầy cũng phạm sai lầm, thậm chí ngay trong buổi hòa nhạc tại Carnegie Hall. Bạn nghĩ họ có bỏ ngay chiếc đàn violin xuống hay đóng nắp đàn lại và biến khỏi sân khấu không? Dĩ nhiên là không rồi! Họ vẫn cứ tiếp tục chơi đàn! Dẫu sao thì trên đời này cũng không có sự hoàn hảo - có chăng là nỗ lực của chúng ta cố gắng đạt đến hoàn hảo. Tất cả những thứ này có liên quan gì đến duy trì thay đổi? Theo kinh nghiệm của tôi, nỗi sợ thất bại là lý do chính khiến chúng ta dừng các nỗ lực thay đổi. Người ta sợ rằng mình sẽ không làm được như kỳ vọng của những đối tác hỗ trợ. Hoặc họ quá lo sợ trước nguy cơ thất bại trước mặt các bạn bè, hoặc làm thất vọng những người cố vấn họ đã nhờ đến. Một cách vô thức họ cảm thấy an toàn hơn nếu không làm gì hết. Vì thế họ bỏ chiếc đàn violin xuống.

Đáng tiếc là khi bạn cho phép bản thân bị tê liệt vì sợ hãi nghĩa là bạn đã đảm bảo mình sẽ không đạt được các mục tiêu trong cuộc sống hay trong công việc. Chúng ta cần phải nhận ra rằng sai lầm hay sảy chân sẽ không giết chết được mình. Thật ra, chúng là một phần tự nhiên trong quá trình hoàn thiện. Hiếm có những sai lầm nào mang tính sống còn trong sự nghiệp, ngoại trừ những hành vi lơ đãng quá đáng của mình.

Hãy nhìn vào Martha Stewart, người phụ nữ hiểu biết và thành đạt, phạm phải sai lầm lớn đến mức bị tống giam một thời gian, sau đó là bị quản thúc tại gia suốt gần một năm. Mô hình kinh doanh của bà dựa hoàn toàn trên danh tiếng của bản thân bà. Sự kết án này có thể là một đòn chí mạng cho công việc kinh doanh. Nhưng bà có chết không? Không hề. Bà có mất đi doanh nghiệp hay một loạt những căn nhà xinh đẹp của mình không? Cũng không. Thực tế, chuỗi sản phẩm nội thất của bà còn mở rộng hơn sau khi bà được thả. Bà đã đối mặt với thời gian giam giữ một cách can đảm và tự tin, và người ta cảm thấy càng kính trọng bà hơn. Hiện nay bạn có thể mua sản phẩm của bà tại Wal- Mart, Kmart, và Sears. Tạp chí Living đại diện cho bà

vẫn phát triển mạnh mẽ cùng với đế chế tạp chí của bà.

Có thể bạn sẽ chẳng bao giờ lâm vào cảnh phải xây dựng lại sự nghiệp sau thời gian lao tù. Nhưng nếu như Martha Stewart không chỉ sống sót sau trải nghiệm đó mà còn trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết, thì bạn cũng sẽ làm được - ngay cả nếu đôi khi bạn té ngập mặt.

Đúng thế, trừ khi bạn chấp nhận bỏ cuộc. Và cách chúng ta tránh bỏ cuộc là tham gia hàng ngày với những người đồng đẳng - kết nối thành công bằng nhóm hỗ trợ, từng chút một, cho đến khi mọi lo sợ tan biến.

Điều này đồng nghĩa với ban đầu bạn phải giả vờ - hãy hành động tự tin hơn thực tế, mục đích là đánh bại nỗi sợ của bản thân.

Giả vờ không có nghĩa là ra vẻ. Tôi không có ý khuyên bạn trở thành một người không bao giờ dám bỏ mặt nạ ra. Thực tế, khái niệm giả vờ là một chiến lược có lịch sử đáng kính. Các chương trình 12 bước thường có câu nói: “Giả vờ đến khi đạt được mục tiêu”. Nói cách khác, thử thay đổi hành vi của mình với sự giúp đỡ của người khác ngay cả khi bạn chưa sẵn sàng thay đổi niềm tin của mình.

Ví dụ, một số người nghiện rượu đã có thể bỏ rượu vì xấu hổ hay sợ hãi. Cuối cùng, họ cảm thấy tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, làm việc có năng suất hơn; hành vi thay đổi đã khiến họ thay đổi niềm tin - trong trường hợp này là niềm tin vào lợi ích của sự tỉnh táo. Nhờ được hỗ trợ liên tục, họ có thể chiến thắng căn bệnh nghiện ngập của mình.

“Giả vờ đến khi đạt được mục tiêu” là một cách nói khác của “lời tiên tri nhân mệnh - self-fulfilling prophecy” - ám chỉ khuynh hướng hoàn thành kỳ vọng của mình, dù tốt hay xấu. Không có gì ngạc nhiên khi những tội phạm tái phạm thường xuyên là những người lớn lên trong gia đình lệch lạc và luôn bị nhồi nhét đến mức tin rằng họ là người xấu. Thử đoán xem? Cuối cùng họ cố gắng làm tròn kỳ vọng này. Và khi họ càng gặp nhiều rắc rối, tình trạng “người xấu” lại càng đúng, và lại dẫn đến những hành vi tồi tệ hơn. Đó là một ví dụ về kỳ vọng tiêu cực. Tương tự, một người không bao giờ lên tiếng vì họ đã được dạy bảo (và tin) rằng họ là một người nhút nhát thì cuối cùng nhút nhát thật.

Chúng ta cũng có thể tạo ra những lời tiên tri tích cực. Một người nhút nhát có thể giả vờ mình là người hướng ngoại, cảm nhận được cảm giác mới mẻ

này; và cuối cùng, theo thời gian, trở thành một người vui vẻ hơn, năng động hơn. Giả vờ đến khi đạt được mục tiêu! Jessie, một người bạn của tôi, đang cố bỏ thuốc. Chiến thuật hàng đầu của cô ấy là gì? Giả vờ rằng cô ấy không thèm hút thuốc. Khi muốn hút thuốc, cô ấy tự nhủ: “Hút thuốc phát ốm. Thuốc lá bốc mùi. Tôi là một người khỏe mạnh, một người sạch sẽ, tôi không phải là người hút thuốc!” Không có thứ gì hữu ích hơn để giúp cô từ bỏ cảm giác thèm thuốc.

Bạn có thể áp dụng chiến lược “giả vờ đến khi đạt được mục tiêu” này vào bất cứ lĩnh vực nào trong cuộc sống. Bạn có thuộc dạng người chẳng thể lôi mình đến phòng tập thể dục không? Thử làm thế này - cứ mặc đồ tập thể dục vào. Đây là bước đầu tiên! Tiếp theo, sao không thử làm vài động tác kéo giãn tại nhà? Hay đi bộ nghe nhạc? Thử chạy bộ vài khu nhà. Từ nhà đến phòng tập nào có xa mấy đâu? Tôi thường xuyên dùng phương pháp từng bước này trong công việc kinh doanh và tư vấn với các giám đốc trong danh sách Fortune 500 - giả vờ cho đến khi họ đạt được mục tiêu, từng bước nhỏ mỗi lần cố gắng.

Một phần của tài liệu Ai che lưng cho bạn: Phần 2 (Trang 86 - 90)