Bốn chữ R trong nghệ thuật lắng nghe

Một phần của tài liệu Ai che lưng cho bạn: Phần 2 (Trang 56 - 58)

Một phần lớn trong quá trình đấu tập là lắng nghe. (Đa số người ta giỏi nói hơn là nghe). Đồng nghiệp của tôi, Tiến sĩ Mark Goulston, người lắng nghe giỏi nhất mà tôi từng biết, miêu tả cách chúng ta lắng nghe theo bốn kiểu khác nhau, và ông đặt tên theo bốn từ bắt đầu bằng chữ R: removed (lơ đãng), reactive (phản hồi), responsible (trách nhiệm), và receptive (tiếp thu).

1. Lơ đãng là hình thức lắng nghe trong khi tâm trí lại bận rộn làm việc khác, ví dụ như đọc email trên BlackBerry. Bạn có thể lặp lại như con vẹt những gì tôi vừa nói, nhưng bạn không thật sự chú tâm. Cách này tương đương với việc nói át tiếng của người khác trong một cuộc đối thoại - trong trường hợp này bạn “nghe át” tiếng nói của tôi.

2. Trong hình thức nghe phản hồi, bạn có chú tâm hơn một chút. Nếu tôi hỏi bạn một câu hỏi, bạn trả lời lại bằng một câu trả lời đúng chủ đề. Bạn nghe tôi nói, nhưng bạn không thật sự suy nghĩ về những gì tôi nói.

3. Lắng nghe có trách nhiệm xảy ra khi bạn không chỉ phản hồi trước những gì tôi nói, mà còn đáp lại với đề nghị hành động hay yêu cầu thêm thông tin làm rõ. Đây là nền tảng căn bản của những

cuộc trò chuyện tốt đẹp. Hình thức này tương đương với việc bạn nói chuyện với ai đó, chứ không phải vào mặt ai đó.

4. Lắng nghe tiếp thu là hình thức lắng nghe sâu sắc nhất. Trong hình thức này, bạn đồng cảm hoàn toàn với những gì tôi nói, và cảm nhận được cảm giác của tôi. Đây là mức độ lắng nghe mà chúng ta đều muốn đạt đến khi đấu tập.

Những người giỏi lắng nghe làm theo câu cách ngôn “Khách hàng luôn luôn đúng” - khách hàng trong trường hợp này chính là người đối diện. Đối tác đấu tập tốt luôn cân nhắc khả năng họ mắc sai lầm và người kia đúng. Trong đấu tập, lắng nghe là một yếu tố quan trọng đối với cả hai bên. Chỉ nhờ lắng nghe chăm chú thì bạn mới có thể hy vọng đạt được những thay đổi bước ngoặt.

Ajit nhớ lại một lần ông đã không lắng nghe - và kết quả ông học được từ đó: “Tôi muốn giới thiệu một sản phẩm mới, và tôi quyết định chúng tôi sẽ tung ra thị trường trong vòng một năm. Khush nói: ‘Ajit, như vậy nhanh quá; chúng ta cần từ 18 đến 24 tháng.’ Trong lần này tôi thắng vì tôi là người có kiến thức về sản phẩm trong khi anh ta chỉ là người làm việc với các con số. Nhưng, Khush hóa ra lại là người đúng. Phải mất đúng hai năm thì sản phẩm mới có mặt trên thị trường, và nó làm hại chúng tôi; sự chậm trễ này đã lấy đi ngọn gió đẩy thuyền tiến lên. Chúng tôi rất xấu hổ với khách hàng vì không làm đúng cam kết”.

Đôi khi bạn chưa sẵn sàng nghe theo lời khuyên sau trận đấu tập với các nhà cố vấn. Nhưng điều này là bình thường - nên nhớ, bạn mới là người làm chủ quy trình; bạn là người ra quyết định cuối cùng. Nhưng nếu bạn cứ đến gặp nhóm với cùng một vấn đề mãi, hãy chuẩn bị tinh thần đón nhận thêm một số đòn đau thương từ nhóm cố vấn.

Tại CEO Forum, Kirk Aubry nói: “Chúng tôi có một số vấn đề được gọi là vấn đề 2 x 4, bởi vì có những người cứ mang chúng ra thảo luận mãi mà không chịu nghe theo lời khuyên nhận được”. Điều này có nghĩa là họ sẽ không nhìn thấy con đường nếu chưa bị nguyên khúc cây đập vào đầu. “Họ hoàn toàn không muốn lắng nghe lời khuyên của nhóm. Và thế là họ thêm mắm thêm muối và lại đưa vấn đề ra thảo luận. Lúc đó chúng tôi phải lôi khúc cây ra thôi. Đến một lúc nào đó nhóm sẽ lên tiếng thẳng thừng: ‘Nghe này, chúng tôi đã nói với anh những gì chúng tôi nghĩ anh cần phải làm

nhưng anh lại chọn cách giải quyết khác, vì thế giờ là lựa chọn của anh mà thôi.’” Nói cách khác: “Bấy nhiêu đó đủ rồi - đừng đem cái vấn đề của anh ra nói nữa trừ khi anh sẵn lòng nghe theo lời khuyên của chúng tôi”.

Một phần của tài liệu Ai che lưng cho bạn: Phần 2 (Trang 56 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)