Nguyên tắc làm bạn đấu tập

Một phần của tài liệu Ai che lưng cho bạn: Phần 2 (Trang 48 - 53)

Khi những đối tác tin cậy cùng ngồi lại với nhau để điều chỉnh và tranh luận về mục tiêu, tôi gọi đây là đấu tập. Tại sao tôi lại gọi như thế? Đó là vì quy trình này cũng tương tự như khi tôi tập đánh quyền anh với huấn luyện viên của mình, J.J. Điều này có nghĩa đây không phải là một cuộc thi đấu hết sức hết mình; trong đấu tập không có người thắng kẻ thua.

Đấu tập, theo trang web Wikipedia đang mỗi ngày một mở rộng, được định nghĩa là “một hình thức thi đấu tự do, có đủ quy định, luật lệ, thỏa thuận để không xảy ra thương tích”. Mục đích của những “trận đánh” này bản chất là mang tính giáo dục - nó giúp cho người tham gia thu nhận thêm kỹ năng và năng lực mới. Mục đích không phải là để tìm một người thắng cuộc. Một ví dụ điển hình xuất hiện trong đầu tôi là các vận động viên quyền anh luyện tập nghề bằng cách tham gia vào những buổi đấu tập như thế này. Mang vào người những thiết bị bảo vệ, các vận động viên quyền anh bước lên sàn đấu và tham gia vào một trận đấu mà đối với người thường là không có quy định, luật lệ gì cả. Những ai hiểu biết, tuy vậy, đều biết rất rõ về nhiều quy định ràng buộc đối với điệu múa được dàn dựng tinh tế này.

này rất thú vị, một kinh nghiệm cần thiết và hữu ích đối với vấn đề hỗ trợ đồng đẳng. Điều này có nghĩa là sau khi chúng ta đã xác định tầm quan trọng của việc phải đưa mọi người vào trong quá trình xác lập mục tiêu và những giai đoạn khác trong quá trình hoàn thiện cá nhân, chúng ta cũng cần phải đưa ra một dạng cơ cấu để những nhà cố vấn tin cậy của bạn có thể phản hồi theo một cách an toàn và có tính giáo dục.

Đấu tập là một bài tập cực kỳ quan trọng, căng thẳng hơn rất nhiều (nhưng cũng giúp ích rất nhiều để đạt một mục tiêu cụ thể) so với tranh luận trong một bữa ăn tối chậm. Và mặc dù những cú đánh qua lại trong trận đấu tập có thể trở nên nóng nảy, bản chất của việc có qua có lại này giữa bạn và nhà cố vấn là hoàn thiện và học hỏi, thay đổi và trưởng thành. “Bạn cần có ai đó nói với mình, ‘Này, anh làm thế này là sai rồi’, đó vốn không phải là một điều dễ nói,” Kirk Aubry nhận xét. “Và sau đó bạn cần có một người khác nói với mình, ‘Anh phải làm thế này mới đúng.’”

Nếu thực hiện hợp lý, đấu tập, cũng giống như Bốn Đặc điểm tư duy, sẽ tạo ra một con đường hai chiều. Kirk cho rằng mình đã học được rất nhiều khi giúp đỡ người khác trong những thách thức và khó khăn của họ, không khác gì lúc tự mình đi tìm lời khuyên. Đấu tập không lệ thuộc vào người nào nhiều kinh nghiệm hơn hay có địa vị cao hơn. Khi đấu tập hiệu quả, cả hai bên đều ra về với những hiểu biết mới và phản hồi từ người kia.

Cách này cũng giống như kinh nghiệm của Shinichi Suzuki, nhạc công violon người Nhật đã phát triển phương pháp Suzuki để giảng dạy nhạc lý hiện nay được áp dụng khắp nơi trên thế giới. Suzuki tin rằng nếu được ủng hộ và khuyên bảo phù hợp, ai cũng có thể học chơi nhạc thật hay - và rằng cả học sinh và giáo viên đều học hỏi từ nhau. Vào cuối mỗi buổi học theo phương pháp Suzuki truyền thống, học sinh và giáo viên đứng đối diện nhau, cúi chào, và đồng thanh nói “Cám ơn về bài học”.

Trong đấu tập, “những đối tác hỗ trợ phải đưa bạn ra khỏi khu vực an toàn,” Jim Whaley tại Siemens nói. “Hỗ trợ đồng đẳng tốt là phải thách thức bạn đạt những mục tiêu mà bạn đã tự đặt ra cho mình. Đó có thể là những quá trình tư duy mà bạn chưa tính đến. Đôi khi người ta sẽ nói với bạn những điều bạn không muốn nghe. Điều này có thể buộc bạn phải tự vệ. Nhưng tôi đã học được rằng khi nói ra những điều đau lòng, tôi biết rằng những đối tác đang cố gắng làm điều tốt nhất cho tôi. Nếu họ không quan tâm, thậm chí cuộc trò

chuyện còn không xảy ra”.

Không có gì ngạc nhiên khi Jim đã phác họa cách kết hợp Bốn Đặc điểm tư duy trong đấu tập. Đối tác sẽ nói những điều bạn không muốn nghe (thẳng thắn); bạn ban đầu có thể giương vây tự vệ nhưng cuối cùng thừa nhận rằng mình cần được giúp đỡ (chấp nhận tổn thương); những người khác có thể thách thức buộc bạn phải hoàn thành mục tiêu (trách nhiệm); và bạn cuối cùng sẽ hiểu được rằng họ thật sự muốn phục vụ bạn (quảng đại).

Nếu thiếu đi một trong bốn yếu tố tư duy này thì xem như niềm tin đã bị ném qua cửa sổ. Không có sự thẳng thắn, sẽ không có cuộc nói chuyện trung thực; không chấp nhận tổn thương, bạn sẽ cảm thấy bị xúc phạm (và quay lưng lại với phản hồi); không có trách nhiệm, sẽ rất khó khăn để nhận và hưởng lợi từ những đóng góp của mọi người; không có lòng quảng đại, bạn sẽ khó nhận được sự giúp đỡ nào thêm nữa. Bạn cần có Bốn Đặc điểm tư duy cùng hoạt động.

Đó là lý do vì sao đấu tập trên thực tế có thể giúp bạn mang đến chiều sâu cho mối quan hệ với người khác. Tôi có một người bạn, Ajit, một kỹ sư được đào tạo bài bản, điều hành một bộ phận khổng lồ tại một công ty công nghệ toàn cầu lớn. Ajit gặp người đấu tập với mình vào cuối thập niên 1990, khi đó anh chưa hoàn toàn chuẩn bị để đấu tập. “Tôi là một người lúc nào cũng suy nghĩ tích cực,” anh nói, “và vì vậy, đánh giá của tôi cho bất cứ tình huống nào - cho dù đó là phân tích thị trường hay năng lực của đội ngũ bán hàng hay giá trị của sản phẩm chúng tôi chào bán - luôn luôn bao giờ cũng tươi sáng”.

Bộ phận của Ajit đang khựng lại trong quý II của năm tài chính và anh sẽ không thể nào đạt được doanh số. Sự tích cực mù quáng của Ajit cho rằng mọi thứ rồi sẽ suôn sẻ tốt đẹp, nên anh vẫn giữ nhịp làm việc của mình. Khush Mehta, lúc đó là CFO của anh, tìm đến Ajit thường xuyên và nói: “Này, Ajit, anh đi sai đường rồi, không có gì tiến triển cả”. Đôi khi những cuộc nói chuyện của họ trở nên căng thẳng, nhưng nhờ có nền tảng niềm tin giữa hai người cho phép họ vật lộn nhau sau mỗi vấn đề. Mỗi lần như vậy Ajit đều đánh trả - cho đến khi cuối cùng lời tiên tri của Khush cũng thành sự thật và Ajit không đạt được doanh số.

“Đó là một giai đoạn khó khăn,” Ajit nói, “và nó trắc nghiệm giới hạn mối quan hệ của tôi với Khush. Nhưng trên hết tôi nhận thấy rằng Khush không

phải cố gắng để chứng minh tôi sai - anh ta đang cố gắng giúp tôi. Và sau đó hai chuyện hệ quả đã xảy ra. Thứ nhất là tôi học được cách kiềm chế tính tích cực của mình bằng cảm nhận thực tế và quản lý rủi ro. Thứ hai là tôi đặt niềm tin không điều kiện vào Khush, cho đến bây giờ vẫn thế. Sự tin cậy xuất phát từ việc anh ta đã tạo được sự tin cậy rất lớn trong tôi. Anh ta biết rõ những gì mình nói, và tôi có thể trông cậy vào anh ta. Anh ta thật sự dành thời gian để tìm hiểu những gì quan trọng đối với tôi.

Qua nhiều năm, và qua nhiều chức danh khác nhau, giờ đây Khush chính là lương tâm của tôi. Tôi cảm thấy thoải mái khi để lộ sự tổn thương trước anh ta, và nhờ anh ta tôi trở thành một người tốt hơn rất nhiều. Thực ra, tôi cũng không nhất thiết phải nhắm mắt tin hoàn toàn vào Khush vì tôi cũng đã học được cách đánh giá thực tế tình hình”.

Đôi khi người ta bảo tôi rằng đấu tập nghe cực kỳ rủi ro. Hoặc họ cho rằng nó không phù hợp với văn hóa của công ty họ. Thế là tôi kể cho họ nghe câu chuyện của Maxine Clark và Build-a-Bear, về việc bà đã yêu cầu và nhận được tình yêu đau đớn, ngay cả trong môi trường gấu nhồi bông của một công ty phục vụ trẻ em.

Đấu tập có thể mang đến cảm giác cấp bách đối với những nỗ lực trưởng thành và hoàn thiện. Rất thường xuyên chúng ta nghĩ mình có toàn bộ thời gian trên thế giới này - một ảo tưởng sai lầm. Thời gian của chúng ta rất quý giá. Và khi tôi đang viết những dòng này, anh bạn thân Michael Hammer đã mất một cách đột ngột tối qua, hưởng thọ 60 tuổi. Michael là người sáng tạo nên thuật ngữ “tái cấu trúc”, và là đồng tác giả của quyển sách bán chạy

Reengineering the Corporation; ông đã mang đến cho các công ty một bộ công cụ sáng tạo cần thiết để tái sinh. Micheal là một người bạn, người đỡ đầu, và nhà cố vấn của tôi. Vậy thì chúng ta còn chờ đợi gì nữa? Cuộc đời là ngay bây giờ. Một vai trò rất lớn của người đấu tập hay đối tác là buộc chúng ta phải hành động ngay bây giờ.

Khi nói về đặc điểm tư duy thẳng thắn, tôi viết về khối đá (hay con cá ươn) trong phòng. Tôi vui vẻ thông báo rằng trong công ty của mình, chúng tôi thừa nhận những khối đá trong phòng mỗi ngày. Chúng tôi đánh giá lẫn nhau và có thể chấp nhận những phản hồi hay phê bình của nhau vì chúng không đánh giá con người. Mục tiêu của chúng tôi, thật ra, là để giúp mỗi người giữ kiên định và thẳng tiến đến mục tiêu. Khi chúng tôi tuyển dụng người mới họ

thường phải trải qua một đường cong học tập trước khi họ bắt đầu tiếp nhận sự tương tác của đấu tập. Họ hòa nhập rất nhanh. “Quan điểm của bản thân thường mang tính thiên vị,” J.P. Kelly, giám đốc điều hành mạng cộng đồng của chúng tôi nói. “Đó là lý do vì sao bản chất bên ngoài của phản hồi lại có thể cấp bách và uy lực như thế”.

Nếu bạn không có những lúc đấu tập với các cố vấn tin cậy, bạn nên đặt câu hỏi về sự quyết tâm của họ - và của bạn. Maxine tin tưởng vào nhà cố vấn Jimmy vì ông ấy không cho bà trốn thoát. Marc, nhà tư vấn, khi nhắc đến tầm quan trọng của đấu tập trong nhóm của mình, đã nói: “Chúng ta phải sẵn sàng thỏa hiệp tình bạn nhằm mục đích không bán đứng người khác. Điều tồi tệ nhất mà chúng tôi nghĩ mình có thể làm là bán đứng một người đồng đội vì không hoàn toàn thành thật”.

Mục tiêu của đấu tập là tiến đến một nơi tốt đẹp hơn. Lý tưởng nhất là một trong hai người sẽ thay đổi quan điểm sau khi giao tiếp, vì bạn đã học được hay biết được một điều mà nếu tự thân bạn sẽ không nghĩ đến. Bạn tham gia đấu tập không phải vì muốn chiến thắng, mà vì bạn muốn (hoặc đúng hơn, hy vọng) thay đổi nhận thức - bởi vì thực tế, bạn hy vọng mình có thể sai! Còn cách nào khác hơn để thay đổi toàn diện?

Tôi thấy cần phải nhắc lại lần nữa: Đấu tập không phải là để chiến thắng. Thực ra, còn đi ngược lại điều này nữa - bạn hy vọng mình sẽ thay đổi! Hy vọng mình sai là một trong những cơ hội làm sáng mắt của đấu tập!

Nếu bạn là người đưa ra lời khuyên, hãy nhớ trước hết bạn phải ghi lòng mối quan tâm của người kia - và nên chắc chắn là mình tôn trọng cá nhân người kia. Tự nhắc nhở bản thân về điều này trước khi đưa ra lời khuyên. Bạn đang hành động từ một không gian an toàn, hay với hình ảnh của một tay đọ súng trên màn ảnh? Nên nhớ, cá nhân mà bạn đang đấu tập sẽ cảm thấy an toàn nếu anh ta biết rằng bạn đang đẩy, đang vật lộn, đang lên cao giọng chỉ vì thành công của anh ta - rằng bạn quan tâm đến anh ta nên đưa ra ý kiến mạnh mẽ để buộc anh ta phải lắng nghe. Đó là nguồn gốc của sự an toàn trong đấu tập.

Tuy nhiên, đấu tập cũng có thể mang đến nguy hiểm. Tôi phải thành thật với bạn về điểm này. Nó tác động đến những điểm nhạy cảm của con người. Người ta có thể cảm thấy bị tổn thương khi bị tấn công vùng hạ bộ và bị chơi trò “nhà tâm lý ngồi salon”. Vì vậy điều quan trọng là phải đặt ra những quy

tắc cụ thể.

Sau đây là những quy tắc của tôi:

Một phần của tài liệu Ai che lưng cho bạn: Phần 2 (Trang 48 - 53)