Khi tôi trình bày về hỗ trợ đồng đẳng, mọi người luôn hỏi tôi: “Làm thế nào tôi tìm ra được một công ty có cơ chế hỗ trợ này?”
Câu trả lời: “Tại sao bạn không thực hiện ngay tại nơi bạn đang làm việc hiện tại?”
“Ôi, không,” họ thường đáp lại, “cơ chế này không thực hiện được trong công ty của tôi”.
Tôi không tin. Điều người ta thật sự muốn nói là họ chưa sẵn sàng hay sẵn lòng áp dụng những nguyên tắc này vào cuộc sống của mình. Bạn có thể chọn lựa trải nghiệm quan hệ hỗ tương với các đồng nghiệp, có thể là thông qua một nhóm căn bản như Greenlight Group, một nhóm làm việc cùng bộ phận, hay một nhóm đặc biệt được thành lập cho một dự án lớn. Bạn có thể bắt đầu với một nhóm mới hay một nhóm cũ. Dĩ nhiên, trong nhóm cũ thường có những định kiến lâu đời mà bạn phải vượt qua. Nhưng điều tôi muốn nói là vấn đề đưa mối quan hệ tiến tới một tầm mức mới luôn là một chọn lựa. Bạn thậm chí còn có thể thực hiện - và trên thực tế, bạn nên thực hiện - ngay cả khi tồn tại lịch sử không hòa thuận giữa các thành viên trong nhóm.
Thực tế, tôi không phải lúc nào cũng chắc chắn rằng các công ty có thể xây dựng được nhóm gắn kết như phao cứu sinh. Nhưng tôi đã nhìn thấy áp lực và hỗ trợ của người đồng đẳng đã định hình giúp cho nhóm của tôi, và rất nhiều những công ty khác mà chúng tôi đã nghiên cứu hay cùng làm việc, càng thành công hơn, thú vị hơn. Greenlight Research đào sâu vào dữ liệu kết nối mối quan hệ nhóm và năng suất làm việc của họ, và nhận thấy rằng dữ
liệu này chứng thực kinh nghiệm của chúng tôi.
Tuy nhiên, tôi vẫn tự hỏi liệu những điều này có đủ thuyết phục những nhà lãnh đạo cứng rắn - những nhà lãnh đạo không khoan nhượng tập trung vào kết quả trong nỗ lực đạt chỉ tiêu. Chẳng hạn như CEO Chase Jamie Dimon của JPMorgan, vốn chú trọng vào lợi nhuận đến mức trở thành huyền thoại. Tôi có cơ hội để tìm hiểu chính xác những người này nghĩ gì khi tôi gặp Dimon tại cuộc họp mặt Trường Kinh doanh Harvard dành cho sinh viên khóa 1982. Tập thể khóa học này quyết định thực hiện một điều gì đó thật đặc biệt, khi họ đang đứng trước ngưỡng cửa trung niên, bắt đầu cho một cuộc hành trình mới trong cuộc đời. Tôi được mời đến để giúp họ suy xét và thiết kế “hai mươi lăm năm cuộc đời tiếp theo”. Và đa phần thời gian trên sân khấu của tôi được dành để phỏng vấn một nhóm những nhân vật nổi bật, trong đó có cả Jamie Dimon. Và đúng thế, tôi thấy hơi sợ - Mr. Mối quan hệ
phỏng vấn Mr. Lợinhuận. Đây sẽ là một cuộc đối thoại hay đối đầu?
Tôi bước chân vào gian phòng mọi người đã tụ tập cho buổi phỏng vấn, và Jamie đang ngồi đó với các bạn cùng lớp và vợ mình, Judy. Tôi có vài phút định thần trước khi bước lên sân khấu, và thế là tôi quyết định nhúng chân vào để thử độ sâu của mặt nước. Sau khi lúng búng tìm từ thích hợp, tôi đã tìm ra hướng đi đúng - sự chân thật.
“Jamie, tôi phải thừa nhận là mình có hơi không thoải mái dự báo trước tình hình không biết liệu chúng ta có đồng ý với nhau trong buổi phỏng vấn hôm nay. Dĩ nhiên chúng ta không nhất thiết phải đồng tình, nhưng nếu được thì cuộc đời tôi sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều. Vì vậy tôi xin đưa ra câu hỏi trước: Ông có tin rằng thành công của nhóm lệ thuộc vào mối quan hệ giữa các thành viên trong nhóm? Ông có tin rằng mối quan hệ công việc thực chất là mối quan hệ cá nhân, và càng vững chắc thì mọi người càng thành công hơn?” Jamie suy nghĩ một chút (chắc hẳn ông ấy đang cân nhắc xem tôi muốn gợi ý điều gì). Nhưng ông ấy hoàn toàn nhã nhặn và trả lời nhanh chóng: “Dĩ nhiên rồi, thực tế là như thế”. Không cần phải nói là sau đó mọi việc diễn ra dễ dàng, và ngày làm việc hôm đó thành công vượt mong đợi đối với tất cả mọi người.
Sau này, tôi đọc được trên tạp chí Fortune rằng các cuộc họp hội đồng hàng tháng của JPMorgan Chase được tổ chức như “những bữa tối của người Italia” - mọi người đều nói thẳng nói thật những gì mình nghĩ! Jamie có thể
nói: “Ai đưa ra ý tưởng ngu xuẩn này?” và nhóm làm việc của ông sẽ lên tiếng: “Đó là ý tưởng xuẩn ngốc của ông đấy, Jamie ạ!” Bill Daley, trưởng bộ phận trách nhiệm xã hội và từng giữ chức Bộ trưởng Thương Mại dưới thời Bill Clinton, cho rằng những buổi họp này không giống với bất cứ những gì ông từng chứng kiến trong kinh doanh hay trong chính phủ. “Mọi người chất vấn Jamie, tranh luận với ông ấy, lên tiếng rằng ông ấy đã mắc sai lầm”.
Không giống ai? Có thể là thế. Thành công? Dĩ nhiên rồi. Chỉ cần nhìn vào công ty nào còn sống sót sau cuộc khủng hoảng ngân hàng cuối năm 2008. Có trong tay một đội ngũ gắn kết và trân trọng sự trung thực và giao tiếp chặt chẽ chắc chắn đã giúp đỡ ít nhiều cho JPMorgan Chase duy trì lợi nhuận. Không lâu sau vụ sụp đổ ngân hàng, Jamie đã nói trước nhóm khán giả tại Trường Kinh doanh Harvard: “Tôi thật kinh ngạc trước những con người nhìn đoàn tàu đang lao xuống vực mà vẫn còn lo lắng cho kế hoạch chiến lược năm 2009. Chúng tôi dẹp hết mấy thứ đó. Chúng tôi dẹp hết các chuyến đi công tác, các cuộc du lịch. Chúng ta cần tạo không khí khẩn cấp, và có rất nhiều người không có khả năng phản ứng”.