Thành lập nhóm riêng cho mình không phải là việc đơn giản, ban đầu chỉ nghĩ tới thôi cũng đủ làm bạn lo lắng rồi. Như Jon Bischke, đồng sáng lập Billionaires’ Club, đã nói: “Mọi người rất sợ phải đứng ra thành lập một nhóm tương tự như thế này,” ông nói. “Đây là một công việc đáng sợ. Bạn lo ngại người ta không muốn tham gia, rằng người ta không đến họp, rằng người ta không cởi mở và cho phép mình tổn thương. Bạn có thể lo ngại người ta không nói ra sự thật, hoặc họ sẽ nói toàn bộ sự thật. Nhưng đối với tôi, một khi tôi đã trải qua quy trình hình thành nhóm, nó trở thành một trải nghiệm tích cực nhất trong cuộc đời tôi”.
bạn cũng giống như khi bạn thành lập công ty riêng: bạn cần có “khách hàng”, một “sản phẩm” hợp lý, và một phương thức để kết nối hai yếu tố này với nhau. Bạn có những nỗi lo về độ trung thành, về tính bền vững, và quản lý. Một điểm khác biệt là bạn phải “cổ phần hóa” nhóm hỗ trợ chính thức ngay từ ngày đầu tiên - điều này có nghĩa là nhóm thuộc quyền sở hữu của các thành viên, chứ không thuộc về người sáng lập. Bạn chỉ là người lãnh đạo cho đến khi bạn kêu gọi được sự tham gia của thành viên thứ hai.
Mục tiêu lớn chung nhất của các thành viên sẽ là yếu tố quyết định bản chất của nhóm. Nếu bạn cần được giúp đỡ với các mục tiêu kinh doanh, như tôi đây, bạn sẽ cần đến những người với kỹ năng và kinh nghiệm cụ thể để mang đến đóng góp - những người hiểu và quan tâm, như tôi đã trình bày trước đây. Nhưng thật ra không có giới hạn nào về chủ đề hay mục đích thành lập nhóm. Nhóm có thể được tổ chức xoay quanh một sứ mệnh chung (ví dụ như nhóm các thư ký muốn được thăng tiến trong công việc) hay đơn giản chỉ là một nhóm những người đi làm cùng chí hướng muốn thăng tiến trong sự nghiệp (những nữ luật sư cùng chia sẻ tham vọng trở thành cộng sự trong công ty). Nhóm có thể thành lập bên trong một công ty, hoặc có thể bao gồm các thành viên đến từ những ngành nghề khác nhau. Những người trong nhóm có thể cùng làm một nghề, hoặc họ có thể đang giữ những chức vụ khác nhau nhưng có nhu cầu nghề nghiệp tương tự, ví dụ như hoàn thiện kỹ năng lãnh đạo hiệu quả, thăng tiến nhanh hơn, hay những mục tiêu chiến lược khác. Nhóm cũng có thể được thành lập xoay quanh mục tiêu cá nhân: tìm bạn đời, đưa tâm linh vào cuộc sống hàng ngày, hoặc là làm thế nào nuôi dạy con phát triển bình thường về mặt tinh thần.
Bạn đã gặp được những người thành công trong những nhóm như thế, và một số nhóm mà tôi đề cập trong quyển sách này chỉ tồn tại trên mạng, như nhóm quốc tế One Year One Goal, hay nhóm hỗ trợ do Hanif Rehman tổ chức tại Anh chỉ dùng Skype để thực hiện những buổi họp qua điện thoại đường dài miễn phí. Dĩ nhiên, ngày nay ngay cả những nhóm gặp mặt truyền thống cũng phải dựa vào email, sms, và các trang web xã hội như Facebook hay GreenlightCommunity để giữ liên lạc với nhau hàng ngày. Công nghệ đã giúp cho mọi việc dễ dàng hơn khi cần tổ chức và duy trì hỗ trợ - nhưng cũng nên nhớ rằng những thiết bị “bíp bíp” này chỉ là công cụ; cho dù bạn có nhấn bao nhiêu cái nút đi nữa thì quan hệ hỗ tương cũng quy về những con người tham gia trong quá trình.
Trong quá trình nhiều năm dành thời gian viết quyển sách này, nhóm làm việc của tôi tại Greenlight Research Group đã đánh giá những cộng đồng hỗ trợ đồng đẳng tốt nhất và thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn với các nhóm chính thức hay phi chính thức. Kết quả là chúng tôi có trong tay một danh sách dài những lời khuyên và gợi ý được trình bày ra đây để giúp bạn thành lập “Greenlight Group” của riêng mình - hay bất cứ cái tên nào khác mà bạn muốn.
Mặc dù tôi đã cố gắng trình bày một cách chi tiết nhất để giúp bạn khởi đầu, nhưng bạn có thể ghé qua KeithFerrazzi.com để nhận một bộ tài liệu khởi đầu miễn phí ghi chi tiết hơn về quy trình cũng như hướng dẫn thực hiện buổi họp đầu tiên, cách giải quyết những buổi họp rắc rối, các bài tập tạo sự thân thiện và nhiều thông tin khác.