Vượt qua giới hạn

Một phần của tài liệu Ai che lưng cho bạn: Phần 2 (Trang 75 - 77)

Chúng ta bị thiên lệch hầu như về mọi thứ. Các nhà khoa học xã hội đã phát hiện rằng chúng ta có khuynh hướng nghĩ mình giỏi hơn thực tế trong một số hoạt động. Hay nói cách khác là phải thừa nhận rằng chúng ta không phải lúc

nào cũng đạt đến mức tối đa (mà này, có ai muốn làm vậy đâu). Đó là lý do vì sao đa số người ta cho rằng họ “trên mức trung bình”, ngay cả khi điều này là không thể về mặt thống kê. Bạn có thể tưởng tượng được một ngôi trường mà điểm trung bình là C? Các bậc phụ huynh sẽ nhao nhao phản đối ngay. Đôi khi chỉ để cho vui, tôi hỏi những người tham dự trong số khán giả trả lời ba câu hỏi, trong đó họ tự đánh giá bản thân trên thang điểm từ 1 đến 10. Câu hỏi như sau:

1. Bạn nghĩ mình thông minh đến mức nào? 2. Bạn nghĩ ngoại hình mình đẹp đến mức nào? 3. Bạn nghĩ trên giường mình giỏi đến mức nào?

Như vậy là, với một lượng khán giả lên đến hàng ngàn bạn tưởng tượng sẽ nhìn thấy một đường phân phối chuẩn trong thống kê - rằng chúng ta sẽ có số lượng người đạt trên 5 điểm tương đương với số người dưới 5 điểm. Thực tế là 90% khán giả đều cho mình luôn trên 6! Về mặt thống kê điều này là không thể. Nhưng đây là một ví dụ sinh động cho thấy bản chất tự nhiên của chúng ta luôn đánh giá cao bản thân.

Tuy nhiên đồng thời chúng ta lại có khuynh hướng đánh giá thấp kiến thức của mình trong một số lĩnh vực. Chúng tôi nhận thấy người ta có khuynh hướng đánh giá hoặc quá cao hoặc quá thấp khả năng thực hiện một số công việc - cả hai hướng đều xảy ra. Nói tóm lại là chúng ta không giỏi tự đánh giá bản thân mình, về những gì mình biết, những gì mình không biết, những gì mình có thể làm và những gì không thể. Đây là lý do vì sao cần thiết phải có một nhóm các cố vấn tin cậy. Nhóm này có thể giúp chúng ta nhìn thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu, và mức độ tiến bộ của chúng ta.

Khi chúng ta giả định rằng mình biết nhiều hơn (hay ít hơn) thực tế, chúng ta đương nhiên đã không thể tiên đoán được người khác sẽ phản ứng với mình như thế nào. Có một hiện tượng cho thấy chúng ta tin rằng mọi người hầu như sẽ đồng ý với chúng ta về mọi thứ - một ý nghĩ dẫn đến quá nhiều bất ngờ (như bạn cũng có thể tượng tượng ra) trong thế giới kinh doanh! Thử tưởng tượng bạn và nhóm làm việc trình bày với cấp trên một kế hoạch mà các bạn đã mất hàng tháng trời công sức và nhận được câu trả lời rằng đây không phải là giải đáp bà ấy cần. Hoặc chúng ta phát hiện trong kinh ngạc rằng nghị trình cho buổi họp đã không được gửi đến phân nửa số người chúng ta muốn. Điều này đặc biệt đúng với những người làm nghề bán hàng

rất tự tin ra về sau cuộc viếng thăm và cho rằng: Giao dịch như thế đã thành côngrồi - trong vòngmộttháng chúng ta sẽ bán được hàng, và rồi chỉ vài tuần sau thấy mình sai lầm. (Tôi nghĩ mình cũng nằm trong số này).

Thử nghĩ xem chúng ta sẽ tận hưởng thành công đến mức nào nếu chúng ta có một nhóm cố vấn để cùng thảo luận vấn đề, kiểm tra tiến độ - những người chúng ta tin cậy, sẵn sàng khuyến khích chúng ta đối mặt với mâu thuẫn, sẵn sàng thúc giục chúng ta phải tìm hiểu nhận định của mọi người về nghị trình trước buổi họp. Nhờ đó, chúng ta có thể phát triển thêm những ý tưởng củng cố quan điểm của mình, thay vì giả định rằng mọi người đều đồng tình để rồi ngạc nhiên và xấu hổ khi thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Chúng ta sẽ nhận thức tốt hơn về những luận điểm mà mọi người có thể nêu ra, từ đó biết cách đánh giá đề xuất của mình bằng quan điểm của mọi người, và hoặc là hoàn thiện và củng cố kế hoạch, hoặc ít nhất cũng chuẩn bị được một câu trả lời hợp lý.

Biết-tuốt

Đây cũng là một khuynh hướng tự nhiên của con người làm sai lệch khả năng đánh giá vấn đề. Trên thực tế, chúng ta có khuynh hướng đi tìm và công nhận những thông tin nào khẳng định những gì chúng ta đã biết, đồng thời một cách vô thức tránh hoặc bỏ qua những thông tin đi ngược lại niềm tin của mình. Nói cách khác, chúng ta chỉ nghe những gì mình muốn nghe. Khi chúng ta giả định tất cả những gì chúng ta làm hay phát biểu đều đúng, chúng ta chẳng bao giờ phải đặt chân lên bàn đạp thắng và suy nghĩ lại về quan điểm của mình. Đó là lý do vì sao những kẻ lãnh đạo tồi thường tụ họp quanh mình toàn nghị gật - họ đâu có quan tâm lắng nghe những quan điểm nào đi ngược lại với định kiến hay kế hoạch của mình. Tôi có một khách hàng khi nghe đến đây đã nói: “Ôi trời ơi, tôi chính là thế đấy. Tôi thường nói với nhân viên: ‘Anh nghĩ gì về bài trình bày này? Tôi thấy nó tuyệt vời!’” Rõ ràng, bà ấy chỉ hỏi để được nhận lại thông tin mà bà muốn nghe. Và chính vì thế, nếu chúng ta muốn trở thành nhà lãnh đạo, nhà quản lý hay nhân viên hiệu quả, chúng ta phải dốc hết sức đảm bảo rằng mình luôn nhận được phản hồi trung thực và khác quan từ những người chúng ta trân trọng.

Một phần của tài liệu Ai che lưng cho bạn: Phần 2 (Trang 75 - 77)