Đặc điểm hoạt động và quản lý tài chính của đơn vị hành chính sự nghiệp

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN TỔ CHỨC CÔNG TÁC KẾ TOÁN TẠI TRƯỜNG ĐÀO TẠO CÁN BỘ LÊ HỒNG PHONG LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ (Trang 27 - 30)

1.2.1. Đặc điểm hoạt động

Khái niệm về đơn vị hành chính sự nghiệp cũng đã bao hàm những đặc điểm về hoạt động của những đơn vị này. Theo đó, hoạt động của đơn vị hành chính mang 3 đặc điểm như sau:

Một là, ĐVHCSN do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định thành lập nhằm thực hiện một nhiệm vụ chuyên môn nhất định hoặc quản lý nhà nước về một hoạt động nào đó.

Hai là, mục đích hoạt động của các ĐVHCSN là không vì lợi nhuận, chủ yếu phục vụ lợi ích cộng đồng. Nhà nước tổ chức, duy trì và tài trợ cho các hoạt động sự nghiệp để cung cấp những sản phẩm, dịch vụ cho thị trường trước hết nhằm thực hiện vai trò của Nhà nước trong việc phân phối lại thu nhập và thực hiện các chính sách phúc lợi công cộng khi can thiệp vào thị trường.

Sản phẩm của các ĐVHCSN tạo ra là “ hàng hóa công cộng”, là những sản phẩm vô hình và có thể dùng chung cho nhiều đối tượng trên phạm vị rộng, mang lại lợi ích có tính bền vững, lâu dài cho xã hội. Sản phẩm, dịch vụ do hoạt động sự nghiệp công lập tạo ra chủ yếu có giá trị về khoa học công nghệ, về tri thức, qui trình công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật, sáng kiến, sáng chế, phát minh, cải tiến kỹ thuật, văn hóa, đạo đức, xã hội,... Việc sử dụng những “ hàng hóa công cộng” mà các đơn vị hành chính sự nghiệp tạo ra sẽ thúc đẩy quá trình sản xuất của cải vật chất đạt hiệu quả cao. Vì vậy, hoạt động sự nghiệp luôn gắn bó và tác động tích cực đến quá trình tái sản xuất xã hội.

Ba là, khác với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các đơn vị sự nghiệp công lập được trang trải chi phí bằng nguồn vốn cấp phát của NSNN, nguồn thu sự

nghiệp và các hoạt động dịch vụ. Mọi khoản thu, chi ở đơn vị này đều phải được lập dự toán một cách có cơ sở khoa học.

Tùy vào tính chất, đặc điểm hoạt động, ĐVHCSN có thể tổ chức hoạt động dịch vụ nhằm hỗ trợ hoạt động sự nghiệp hoặc thực hiện các mục tiêu với mục đích tích lũy, phát triển, tăng thu để hỗ trợ kinh phí của đơn vị, gián tiếp cân đối cán cân NSNN theo mô hình tách biệt hay kết hợp với hoạt động sự nghiệp; được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự quyết định tổ chức, thực hiện hoạt động.

1.2.2. Đặc điểm quản lý tài chính

* Đối với đơn vị hành chính, sự nghiệp thuần túy thực hiện cơ chế khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính

Ngày 07/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 117/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước.

Theo đó, Điều 6 Nghị định 117/2013/NĐ-CP quy định như sau về xác định và sử dụng kinh phí giao để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm:

Kinh phí quản lý hành chính giao cho các cơ quan thực hiện chế độ tự chủ tự chịu trách nhiệm được xác định và giao hàng năm bao gồm:

- Khoán quỹ tiền lương theo số biên chế: được cấp có thẩm quyền giao trên cơ sở vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức; trường hợp cơ quan chưa được phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức thì thực hiện khoán quỹ tiền lương trên cơ sở biên chế được giao trong năm,

- Khoán chi hoạt động thường xuyên theo số biên chế;

- Chi mua sắm, sửa chữa thường xuyên ( trừ mua sắm, sửa chữa theo đề án); - Chi hoạt động nghiệp vụ đặc thù thường xuyên đã xác định được khối lượng công việc và theo tiêu chuẩn, chế độ định mức quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Kinh phí giao được phân bổ vào nhóm chi thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Căn cứ vào tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao, Thủ trưởng cơ quan thực hiện chế độ tự chủ tự quyết định bố trí số kinh phí được giao vào các mục chi cho phù hợp; được quyền điều chỉnh giữa các mục chi nếu xét thấy cần thiết;

- Cơ quan thực hiện chế độ tự chủ được vận dụng các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành để thực hiện, nhưng không được vượt quá mức chi tối đa do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;

- Trong phạm vi kinh phí giao tự chủ, cơ quan thực hiện tự chủ quyết định giao khoán toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí thực hiện các hoạt động nghiệp vụ đặc thù thường xuyên cho từng bộ phận để chủ động thực hiện nhiệm vụ. Việc quản lý và sử dụng kinh phí khoán bảo đảm đúng quy trình kiểm soát chi và chứng từ, hóa đơn theo quy định của pháp luật, trừ một số khoản chi thực hiện khoán không cần hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính”.

Đối với khoản chênh lệch thu chi vào cuối năm thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định 117/2013/ NĐ-CP: “ Sau khi kết thúc năm ngân sách, sau khi hoàn thành các nhiệm vụ được giao, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ có số chi thực tế thấp hơn số dự toán được giao về kinh phí thực hiện chế độ tự chủ thì phần chênh lệch này được xác định là kinh phí tiết kiệm”.

* Đối với đơn vị sự nghiệp hoạt động theo cơ chế quản lý tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu

Hiện nay, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập được tuân thủ theo quy định của Nghị định 43/2006/NĐ-CP ban hành ngày 25/4/2006 về việc“ Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập”. Theo Nghị định 43, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm được trao cho đơn vị sự nghiệp công lập trong việc tổ chức công việc, sắp xếp lại bộ máy, sử dụng lao động và nguồn lực tài chính để hoàn thành nhiệm vụ được giao; phát huy mọi khả năng của đơn vị để cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho xã hội; tăng nguồn thu nhằm từng bước giải quyết thu nhập cho

người lao động. Thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp, nhưng Nhà nước vẫn quan tâm đầu tư để hoạt động sự nghiệp ngày càng phát triển.

Nghị định số 16/2015/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 14 tháng 02 năm 2015, quy định các nguyên tắc, quy định chung về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định 16 đã chuyển từ giao dự toán NSNN cho đơn vị sự nghiệp công sang thực hiện phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công dựa trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của từng loại dịch vụ công. Căn cứ lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, cơ quan quản lý cấp trên đặt hàng cung ứng dịch vụ công, đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên; đặt hàng, giao kinh phí hỗ trợ từ NSNN đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.

Như vậy, dù các đơn vị hành chính sự nghiệp hoạt động theo cơ chế tài chính

nào, theo tác giả, quy trình tài chính tại các đơn vị này đều mang điểm chung là gồm ba khâu:

+ Lập dự toán ngân sách trong phạm vi được cấp có thẩm quyền giao hàng năm,

+ Tổ chức chấp hành dự toán theo chế độ, chính sách của Nhà nước + Quyết toán thu chi.

Ba khâu trong công tác quản lý tài chính ở các đơn vị luôn có quan hệ mật thiết với nhau và có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sử dụng nguồn lực nhằm hoàn thành tốt các chức năng và nhiệm vụ được giao, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý NSNN.

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN TỔ CHỨC CÔNG TÁC KẾ TOÁN TẠI TRƯỜNG ĐÀO TẠO CÁN BỘ LÊ HỒNG PHONG LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ (Trang 27 - 30)