Tổ chức bộ máy kế toán

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN TỔ CHỨC CÔNG TÁC KẾ TOÁN TẠI TRƯỜNG ĐÀO TẠO CÁN BỘ LÊ HỒNG PHONG LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ (Trang 35 - 38)

1.4. Nội dung tổ chức công tác kế toán tại đơn vị hành chính sự nghiệp

1.4.1. Tổ chức bộ máy kế toán

Tổ chức bộ máy kể toán được hiểu là việc sắp xếp bố trí, phân công cho người làm công tác kế toán trong đơn vị và phải đáp ứng những yêu cầu:

- Bộ máy kế toán phải phù hợp với quy mô hoạt động và yêu cầu quản lý của đơn vị.

- Tổ chức bộ máy kế toán phải đảm bảo chỉ đạo và thực hiện toàn diện, thống

nhất và tập trung công tác kế toán, thông tin kinh tế của đơn vị.

- Bộ máy kế toán phải gọn nhẹ, hợp lý, chuyên môn hóa, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ kế toán của đơn vị.

Dựa vào khái niệm về tổ chức bộ máy kế toán, tác giả cho rằng nội dung thực hiện tổ chức bộ máy kế toán tại ĐVHCSN cần thực hiện những công việc như sau:

* Lựa chọn mô hình tổ chức bộ máy kế toán: Hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công lập có thể tổ chức theo các mô hình

- Mô hình tổ chức bộ máy kế toán tập trung: Còn gọi là mô hình một cấp. Đơn vị kế toán độc lập chỉ tổ chức một phòng kế toán trung tâm để thực hiện toàn bộ công tác kế toán từ việc xử lý chứng từ, ghi sổ kế toán tổng hợp, kế toán chi tiết, lập báo cáo kế toán, phân tích kinh tế các hoạt động.

Ưu điểm nổi bật của mô hình tổ chức bộ máy kế toán tập trung là: Thuận tiện trong phân công, chuyên môn hóa công việc đối với cán bộ kế toán và trang bị các phương tiện kỹ thuật tính toán, tiết kiệm chi phí hạch toán; Việc kiểm tra, chỉ đạo nghiệp vụ đảm bảo sự lãnh đạo tập trung, thống nhất.

Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, có thể thấy mô hình này không phù hợp với những đơn vị có phạm vi hoạt động rộng, các cơ sở của đơn vị phụ thuộc đặt ở xa đơn vị trung tâm. Nếu địa bàn hoạt động của đơn vị rộng, phân tán thì việc kiểm tra, giám sát của kế toán trưởng và lãnh đạo đơn vị đối với công tác kế toán cũng như hoạt động quản lý tài sản và sử dụng kinh phí ở các đơn vị trực thuộc sẽ bị hạn

chế. Ngoài ra, công việc kế toán dồn vào cuối kỳ có thể ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, đối chiếu số liệu kế toán và lập báo cáo tài chính.

Như vậy, mô hình tổ chức bộ máy kế toán tập trung thường được áp dụng thích hợp với các đơn vị sự nghiệp độc lập, có tư cách pháp nhân đầy đủ, không có sự phân tán quyền lực quản lý. Đây cũng là những đơn vị sự nghiệp có hoạt động tập trung về mặt không gian và mặt bằng hoạt động, có kỹ thuật xử lý thông tin hiện đại.

- Mô hình tổ chức bộ máy kế toán phân tán: Còn gọi là mô hình hai cấp. Bộ máy kế toán được phân chia thành hai cấp riêng biệt là cấp trung tâm và cấp trực thuộc. Kế toán ở cả hai cấp đều tổ chức sổ kế toán và bộ máy nhân sự tương ứng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của kế toán phân cấp.

Kế toán trung tâm thực hiện các phần hành kế toán phát sinh ở đơn vị chính, công tác tài chính và công tác thống kê trong toàn đơn vị; hướng dẫn, kiểm tra công tác kế toán ở các đơn vị trực thuộc; thu nhận, kiểm tra các báo cáo tài chính, thống kê của các đơn vị trực thuộc, gửi lên và lập báo cáo tài chính, thống kê tổng hợp cho toàn đơn vị. Kế toán trực thuộc thực hiện toàn bộ công tác kế toán, thống kê, tài chính phát sinh ở đơn vị mình từ khâu hạch toán ban đầu, ghi sổ kế toán đến lập các báo cáo tài chính, thống kê định kỳ gửi về phòng kế toán trung tâm.

Mô hình tổ chức bộ máy kế toán phân tán có ưu điểm là công tác kế toán gắn liền với các hoạt động ở các đơn vị trực thuộc, tạo điều kiện thuận lợi cho kế toán kiểm tra, kiểm soát trực tiếp các hoạt động kinh tế tài chính, phục vụ kịp thời cho lãnh đạo ở các bộ phận trực thuộc trong việc điều hành và quản lý hiệu quả các hoạt động ở bộ phận phụ thuộc đó, tạo điều kiện cho tiến hành hạch toán kinh tế nội bộ.

Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm, mô hình này vẫn còn nhiều hạn chế như hạn chế về việc tổng hợp số liệu, cung cấp thông tin, lập báo cáo toàn đơn vị thường bị chậm; tổ chức bộ máy kế toán cồng kềnh, phức tạp, không thuận tiện cho việc cơ giới hóa công tác kế toán; việc kiểm tra, chỉ đạo nghiệp vụ của kế toán trưởng

không tập trung, không thuận tiện cho việc phân công lao động và chuyên môn hóa cán bộ kế toán.

Mô hình tổ chức bộ máy kế toán phân tán áp dụng thích hợp với những đơn vị có quy mô lớn, địa bàn hoạt động phân tán, chưa trang bị và ứng dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại trong công tác kế toán.

- Mô hình tổ chức bộ máy kế toán vừa tập trung vừa phân tán: Còn gọi là mô hình hỗn hợp. Mô hình này kết hợp đặc trưng của cả hai mô hình tổ chức bộ máy kế toán tập trung và tổ chức bộ máy kế toán phân tán. Theo mô hình tổ chức bộ máy kế toán này, ở đơn vị chính thành lập phòng kế toán trung tâm, làm nhiệm vụ hướng dẫn kiểm tra kế toán đơn vị, ở các đơn vị trực thuộc lớn, đủ trình độ quản lý được phân cấp quản lý kinh tế tài chính nội bộ ở mức độ cao thì cho tổ chức kế toán riêng. Còn ở các đơn vị trực thuộc nhỏ hoặc chưa đủ trình độ quản lý, chưa được phân cấp quản lý kinh tế, tài chính nội bộ ở mức độ cao thì không cho tổ chức kế toán riêng mà chỉ bố trí nhân viên hạch toán làm nhiệm vụ hướng dẫn hạch toán ban đầu, thu nhận và kiểm tra chứng từ ban đầu để định kỳ chuyển chứng từ về phòng kế toán trung tâm.

Mô hình này thích hợp với các đơn vị có quy mô lớn có nhiều đơn vị trực thuộc, hoạt động trên địa bàn vừa tập trung vừa phân tán, mức độ phân cấp quản lý kinh tế, tài chính, trình độ quản lý khác nhau.

* Xây dựng đội ngũ nhân sự kế toán:

Xây dựng đội ngũ nhân sự kế toán là chính là xác định biên chế cán bộ, nhân viên trong bộ máy kế toán của đơn vị trung tâm và các đơn vị phụ thuộc, phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, nhân viên kế toán. Kế toán trưởng sẽ phụ trách kế toán và chi phối điều hành. Nếu đơn vị chưa có kế toán trưởng thì phải cử người phụ trách kế toán hoặc thuê người làm kế toán trưởng.

Kế toán trưởng phải có đủ các tiêu chuẩn quy định của người làm kế toán trưởng, các nhân viên kế toán sẽ chịu sự chỉ đạo của kế toán trưởng, thực hiện trách

nhiệm về các nội dung công việc cụ thể liên quan đến phần hành kế toán được phân công.

Các cán bộ kế toán cần phải thường xuyên cập nhật thông tin, nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời, đơn vị tạo điều kiện cung cấp trang bị các thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác kế toán, tổ chức cho các cán bộ tham gia tập huấn về nghiệp vụ.

* Tổ chức kế toán tài chính và kế toán quản trị:

Hiện nay các ĐVHCSN vẫn chủ yếu tổ chức bộ máy kế toán tài chính và chưa chú trọng tổ chức kế toán quản trị. Song, kế toán quản trị công là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác kế toán, góp phần quản lý kinh tế tài chính của một đơn vị. Việc tính đúng, tính đủ các yếu tố đầu vào và tổ chức tốt công tác thu thập, xử lý, phân tích, cung cấp thông tin để phục vụ yêu cầu quản lý có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động. Tổ chức bộ máy kế toán quản trị rất cần thiết đối với các ĐVHCSN, nhất là các đơn vị sự nghiệp có thu. Bên cạnh việc phân tích nhu cầu của xã hội đối với các dịch vụ công, kế toán quản trị công là công cụ để các đơn vị sự nghiệp công lập có thu xác định thế mạnh của mình và xây dựng chiến lược phát triển lâu dài.

Có thể tổ chức mô hình kế toán tách biệt giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính, hoặc tổ chức theo mô hình kết hợp, hỗn hợp. Việc lựa chọn theo mô hình nào còn tùy thuộc vào đặc điểm hoạt động và đặc thù của đơn vị, nhưng luôn phải đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, tiết kiệm.

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN TỔ CHỨC CÔNG TÁC KẾ TOÁN TẠI TRƯỜNG ĐÀO TẠO CÁN BỘ LÊ HỒNG PHONG LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(129 trang)
w