Kế toán đơn vị HCSN phải đáp ứng được những yêu cầu sau:
- Đầy đủ: Phản ánh đầy đủ nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh vào chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính.
- Kịp thời: Phản ánh kịp thời, đúng thời gian quy định thông tin, số liệu kế toán.
- Rõ ràng: Phản ánh rõ ràng, dễ hiểu và chính xác thông tin, số liệu kế toán. - Trung thực: Phản ánh trung thực, khách quan hiện trạng, bản chất sự việc, nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế, tài chính.
- Liên tục: Thông tin, số liệu kế toán phải được phản ánh liên tục từ khi phát sinh đến khi kết thúc hoạt động kinh tế, tài chính, từ khi thành lập đến khi chấm dứt hoạt động của đơn vị kế toán. Số liệu kế toán kỳ này phải kế tiếp số liệu kế toán của kỳ trước.
- Hệ thống: Phân loại, sắp xếp thông tin, số liệu kế toán theo trình tự, có hệ thống và có thể so sánh, kiểm chứng được.
Tổ chức công tác kế toán có chất lượng, hiệu quả là cơ sở để kế toán cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, trung thực, hợp lý về tình hình tài sản, công nợ, nguồn kinh phí, tình hình và kết quả hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán, phù hợp với qui định pháp luật kế toán hiện hành và các qui định khác của pháp luật khác có liên quan; cung cấp đầy đủ, kịp thời, minh bạch, phục vụ cho việc ra các quyết định kinh tế của nhà quản trị bên trong và những cá nhân, tổ chức bên ngoài có liên quan.
Tính hiệu lực, hiệu quả của các quyết định kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng thông tin kế toán. Để giảm thiểu sai lầm trong việc ra quyết định, yêu cầu chung của người sử dụng thông tin kế toán là thông tin phải kịp thời, phản ảnh trung thực, hợp lý về tình hình tài sản, công nợ, nguồn kinh phí, tình hình và kết quả
hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán. Tuy nhiên, trong thực tế với những nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau như sự yếu kém về năng lực chuyên môn, do sự hạn chế hiểu biết về pháp luật, sự mới mẽ và phức tạp của các giao dịch, sự mâu thuẫn về lợi ích nhóm,... thông tin do kế toán cung cấp luôn có khả năng tồn tại những sai phạm với các mức độ khác nhau.
Để góp phần thực hiện tốt các yêu cầu đặt ra cho kế toán hành chính sự nghiệp, trong quá trình tổ chức công tác nghiệp vụ, kế toán phải tuân thủ các nguyên tắc:
- Giá gốc: Tài sản phải được kế toán theo giá gốc, trong đó giá gốc của tài sản được tính theo số tiền hoặc tương đương tiền mà doanh nghiệp đã trả, phải trả hoặc tính theo giá trị hợp lý của tài sản đó vào thời điểm tài sản được ghi nhận. Giá gốc của tài sản không được thay đổi trừ khi có quy định khác trong chuẩn mực kế toán cụ thể.
- Nhất quán: Các chính sách và phương pháp kế toán mà doanh nghiệp đã chọn phải được áp dụng thống nhất ít nhất trong một kỳ kế toán năm. Trường hợp có thay đổi chính sách và phương pháp kế toán đã chọn thì phải giải trình trong báo cáo tài chính.
- Khách quan: Đơn vị kế toán phải thu thập phản ánh khách quan, đầy đủ, đúng thực tế và đúng kỳ kế toán các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh.
- Công khai: Thông tin, số liệu trong báo cáo tài chính năm của đơn vị kế toán phải được công khai bằng các hình thức thích hợp.
- Thận trọng: Đơn vị kế toán phải sử dụng phương pháp đánh giá tài sản và phân bổ các khoản thu chi một cách thận trọng, không được làm sai lệch kết quả hoạt kinh tế, tài chính của đơn vị.
- Mục lục ngân sách nhà nước: Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp có sử dụng kinh phí NSNN thực hiện nguyên tắc kế toán theo mục lục NSNN hiện hành.