Phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động phát triển ngôn ngữ cho trẻ mẫu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động phát triển ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo 5 6 tuổi theo hướng giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở các trường mầm non thành phố cẩm phả, tỉnh quảng ninh​ (Trang 30 - 34)

8. Cấu trúc luận văn

1.3. Hoạt động phát triển ngôn ngữ của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi theo hướng giáo

1.3.5. Phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động phát triển ngôn ngữ cho trẻ mẫu

giáo 5-6 tuổi theo hướng giáo dục lấy trẻ làm trung tâm

Để phát triển ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo 5-6 trong trường mầm non có hiệu quả, chúng ta thường sử dụng các nhóm phương pháp sau:

- Nhóm phương pháp trực quan:

Phương pháp trực quan là phương pháp chủ đạo trong quá trình phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Phương pháp trực quan được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực dạy nói cho trẻ (luyện phát âm, phát triển vốn từ, nói đúng ngữ pháp, nói mạch lạc...) và được tiến hành trên giờ học, mọi lúc, mọi nơi. Theo nghĩa rộng, trực quan có thể được hiểu là trực tiếp sử dụng các giác quan (để tiếp xúc với đối tượng); các đối tượng để tiếp xúc (đồ dùng trực quan).

Các dạng trực quan:

Cho trẻ tiếp xúc với vật thật: Là hình thức cô cho trẻ được tiếp xúc với từng vật cụ thể qua đó giúp trẻ nhận biết, tri giác vật một cách khái quát và cụ thể từng chi tiết, từ được gọi chính xác với vật và đặc điểm của vật. Trong khi xem xét, cô giáo kết hợp chỉ vào vật hoặc từng chi tiết, đặc điểm của vật với từ được gọi (trong trường hợp không có vật thật, cô giáo cho trẻ tiếp xúc với đồ chơi, tranh ảnh.).

Quan sát: Là dạy trẻ sử dụng những giác quan, bộ máy vận động của mình để tích lũy dần dần những kinh nghiệm, những hình ảnh, những biểu tượng và kỹ xảo ngôn ngữ. Khi tổ chức quan sát, không nên chỉ hướng sự chú ý của trẻ vào các sự vật và hiện tượng riêng lẻ, mà cần phải làm cho trẻ thấy được mối quan hệ giữa chúng. Điều đó giúp trẻ suy nghĩ mạch lạc và biểu hiện những ấn tượng của mình bằng lời nói trôi chảy. Ví dụ: Quan sát lá cây để nhận biết được gió mạnh hay gió nhẹ.

Hình thức trực quan:

Tham quan: Là con đường đưa trẻ đến gần sự vật, hiện tượng. Trẻ có thể quan sát các sự vật, hiện tượng,... và mở rộng nhận thức của mình. Nội dung tham quan phải đáp ứng được sở thích của trẻ. Buổi tham quan không mang tính chất của một bài học. Sau buổi tham quan cần tổ chức ngay các biện pháp củng cố các nhận thức và ấn tượng thu lượm được thông qua việc trao đổi, trò chuyện.

Xem phim: Là hình thức sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào quá trình dạy trẻ, tạo điều kiện cho trẻ có thể quan sát, tham quan cảnh vật mà trẻ không thể đi đến

nơi xem được hoặc xem lại cảnh quay trong quá khứ. Xem phim cũng góp phần phát triển ngôn ngữ cho trẻ nếu cô giáo lựa chọn phim phù hợp với nhận thức, sở thích. của trẻ kết hợp với tổ chức trò chuyện, đàm thoại sau đó. Nhóm phương pháp trực quan được sử dụng nhằm vào các mục đích phát triển ngôn ngữ sau:

Rèn luyện phát âm cho trẻ. Dạy cho trẻ cách thức phát âm. Ví dụ: Khi cho trẻ quan sát các loại hoa, cây cối…, cô giáo yêu cầu trẻ gọi tên các bộ phận của cây. Nếu trẻ chỉ vào cành cây mà nói là “cằn cây” hoặc chỉ vào lá mà nói thành “ná” thì cô giáo phải sửa ngay lỗi phát âm sai này của trẻ.

Hình thành và phát triển vốn từ cho trẻ. Ví dụ: Sau khi cho trẻ xem phim về thế giới động vật, cô giáo trò chuyện với trẻ, yêu cầu trẻ kể lại những gì đã xem được. Muốn kể lại, trẻ phải huy động từ ngữ và sử dụng từ chính xác.

Củng cố kiến thức, củng cố vốn từ. Ví dụ: Trong hoạt động ngoài trời, cô giáo có thể chỉ vào bồn hoa hình vuông và hỏi trẻ “Bồn hoa có hình gì?” Nếu trẻ không nhớ, cô giáo có thể nói với trẻ “Bồn hoa hình vuông. Nó có 4 cạnh bằng nhau”.

Phát triển ngôn ngữ mạch lạc. Tập cho trẻ diễn đạt. Ví dụ: Khi cho trẻ quan sát hiện tượng gió, trẻ nhìn lên vòm cây và nói: “Cành cây lắc lư ghê lắm.

Gió thổi rất mạnh”...

- Nhóm phương pháp dùng lời nói:

Đọc thơ (ca dao, tục ngữ, đồng dao): Lời thơ, ca dao... mang tính nhịp điệu cao, có vần điệu, vì vậy, khi đọc cần đọc chậm rãi, vừa phải, chú ý ngắt giọng sau mỗi câu và nhấn vào các từ mang vần. Cần truyền đạt được âm điệu vui tươi, sảng khoái đến với trẻ. Đọc thơ, ca dao, đồng dao... giúp trẻ cảm nhận được vần điệu, nhịp điệu của tiếng Việt. Khi đọc thơ cho trẻ nghe, cô giáo kết hợp giải thích các từ khó, từ xa lạ đối với trẻ. Đây là việc làm góp phần phát triển vốn từ nói riêng, phát triển ngôn ngữ nói chung cho trẻ.

Kể và đọc chuyện: Là phương pháp chủ yếu giúp trẻ làm quen với văn học. Khi đọc, kể chuyện cô giáo sử dụng ngữ điệu giọng nói để bộc lộ được đặc điểm, tính cách nhân vật. Đọc kể phải chậm rãi, vừa phải để trẻ còn lắng nghe và ghi nhớ được các từ ngữ, câu văn trong truyện... điều đó giúp trẻ tích luỹ vốn từ và học được cách thể hiện qua giọng đọc, giọng kể của cô.

Kể lại chuyện: Là hình thức kể lại một cách sáng tạo câu chuyện theo mẫu trẻ đã được nghe, nhận biết được sự tác động lên cảm xúc, giúp trẻ ghi nhớ và kể lại những điều đã được nghe. Trẻ sẽ biết vận dụng ngôn ngữ của mình để kể lại chuyện một cách sáng tạo, phù hợp.

Đàm thoại: Đàm thoại là sự giao tiếp bằng ngôn ngữ giữa người với người. Đàm thoại không phải chỉ là hỏi và đáp. Đàm thoại được sắp xếp có tổ chức, có kế hoạch nhằm mục đích đi sâu, làm cho chính xác và hệ thống tất cả những biểu tượng và kiến thức mà trẻ thu lượm được. Mục đích của đàm thoại là củng cố và hệ thống hóa bằng công cụ ngôn ngữ tất cả những kiến thức mà trẻ thu nhận được. Trong khi đàm thoại, yêu cầu trẻ phải suy nghĩ, lựa chọn từ ngữ, cách diễn đạt. để thực hiện cuộc giao tiếp. Qua quá trình đàm thoại, trẻ được nói về những suy nghĩ, hiểu biết của mình, điều đó đã góp phần phát triển ngôn ngữ cho trẻ.

Nói mẫu: Được sử dụng khi chỉ cho đứa trẻ cách thức tốt nhất để diễn đạt ý nghĩ của mình (có nghĩa là sử dụng câu đúng để diễn đạt). Nói mẫu còn sử dụng để củng cố, nhắc lại chính xác hóa từ, câu hay một đoạn văn. Tuy nhiên, số lượng câu trong mẫu phải phù hợp với khả năng chú ý và trí nhớ của trẻ. Ví dụ: Mẫu câu: Chủ ngữ - Vị ngữ - Bổ ngữ Con ăn cơm (C - V - B). Khi nói mẫu, giáo viên phải chú ý không nhắc lại cái sai của trẻ.

Giảng giải: Cô dùng lời lẽ của mình để nói cho trẻ hiểu về bản chất, đặc điểm... của một vật hoặc một hành động nào đó. Khi cô sử dụng những từ trẻ đã biết để giải nghĩa cho những từ trẻ chưa biết sẽ góp phần rất lớn trong việc phát triển vốn từ cho trẻ.

Câu hỏi: Hệ thống câu hỏi được xây dựng theo mục đích phát triển ngôn ngữ của giáo viên. Ví dụ nếu muốn dạy trẻ nói những câu ghép, giáo viên sẽ sử dụng các dạng câu hỏi mà khi trả lời, trẻ phải trả lời bằng câu ghép... Câu hỏi đưa ra có mục đích phát triển ngôn ngữ yêu cầu trẻ biết lựa chọn từ ngữ, sử dụng các kiểu câu và diễn đạt khi trả lời. Câu hỏi góp phần quan trọng trong việc dạy trẻ nói đúng ngữ pháp. Câu hỏi thường hướng sự chú ý của trẻ tới việc nhận thức đối tượng. Câu hỏi ở lứa tuổi mầm non thường được kết hợp với trực quan.

Vai trò của nhóm phương pháp dùng lời: Giúp trẻ cảm nhận được vần điệu, nhịp điệu của tiếng Việt thông qua việc kể chuyện, đọc thơ.

Phát triển ngôn ngữ nghệ thuật cho trẻ, giúp trẻ làm quen với cách diễn đạt của ngôn ngữ văn học...

Việc giải thích các từ khó, từ xa lạ đối với trẻ trong các tác phẩm văn học cũng góp phần phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Việc cô sử dụng những từ trẻ đã biết để giải nghĩa cho những từ trẻ chưa biết góp phần quan trọng vào quá trình phát triển vốn từ, mở rộng vốn sống, vốn hiểu biết của trẻ.

Sử dụng câu hỏi, đàm thoại. được sắp xếp có tổ chức, có kế hoạch nhằm mục đích đi sâu, làm cho chính xác và hệ thống tất cả những biểu tượng và kiến thức mà trẻ thu lượm được; yêu cầu trẻ phải suy nghĩ, lựa chọn từ ngữ để trả lời câu hỏi được đặt ra...

Phương pháp dùng lời chỉ cho đứa trẻ cách thức tốt nhất để diễn đạt ý nghĩ của mình, nói rõ hơn có nghĩa là sử dụng câu đúng để diễn đạt, đồng thời để củng cố, nhắc lại chính xác hóa từ, câu hay một đoạn văn...

- Nhóm phương pháp thực hành:

Phát triển ngôn ngữ cho trẻ qua trò chơi: Ngôn ngữ và tư duy liên hệ chặt chẽ với hoạt động, lao động của con người. Hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ em. Vui chơi được thể hiện qua các trò chơi. Trò chơi góp phần phát triển toàn diện cho trẻ trong đó có ngôn ngữ. Từ những kinh nghiệm trong trò chơi trẻ khám phá ra những biểu tượng rồi liên hệ chúng với từ. Mỗi vật có tên riêng, mỗi hành động có một động từ riêng để chỉ nó... cho nên nếu cô giáo tổ chức tốt hoạt động chơi, cung cấp đủ đồ dùng, đồ chơi thì trẻ có điều kiện tăng cường hoạt động ngôn ngữ. Trò chơi đóng vai theo chủ đề phát triển ngôn ngữ và nhiều mặt cho trẻ, đặc biệt là khẩu ngữ. Trong quá trình chơi trẻ không hề im lặng mà còn chia sẻ với nhau những kinh nghiệm của mình, điều này cần đến ngôn ngữ. Có thể nói hoạt động vui chơi là hoạt động góp phần phát triển toàn diện cho trẻ, trong đó có ngôn ngữ.

Phát triển ngôn ngữ cho trẻ qua giao tiếp, các hoạt động, lao động: Trong trường mầm non, trẻ được tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau như hoạt động chơi, học tập, giao tiếp, kể chuyện, lao động... Tất cả các hoạt động đó đều tạo ra những khả năng to lớn để làm phong phú ngôn ngữ cho trẻ. Ngôn ngữ xuất hiện nhằm thoả mãn nhu cầu giao tiếp và nhận thức thông qua lao động, hoạt động, giao tiếp.

Các hoạt động, lao động... của trẻ trong trường mầm non đều cần đến ngôn ngữ để trao đổi, để hướng dẫn, để chia sẻ... và các hoạt động này góp phần giúp trẻ thực hành ngôn ngữ, trẻ trực tiếp tham gia vào hoạt động giao tiếp, nhờ vậy vốn từ của trẻ tăng lên, trẻ sẽ nói đúng ngữ pháp, rèn luyện cách diễn đạt sao cho mạch lạc.

Phương pháp sử dụng trò chơi: Đây là phương pháp mà giáo viên sẽ sử dụng các loại trò chơi khác nhau để phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Trẻ “chơi mà học-học bằng chơi”. Vì thế trò chơi chiếm giữ một vị trí quan trọng trong các hoạt động giáo dục ở trường mầm non. Đối với việc dạy nói cho trẻ thì điều này càng rõ. Có nhiều trò chơi có thể sử dụng được vào mục đích dạy nói cho trẻ. Đó là các trò chơi luyện phát âm, luyện thở ngôn ngữ, phát triển vốn từ, nói đúng ngữ pháp, nói mạch lạc...

Ví dụ: Trò chơi luyện phát âm như ngửi hoa, thổi bóng… Các trò chơi để phát triển vốn từ: Chiếc túi kỳ diệu...

Các trò chơi để phát triển kỹ năng nói mạch lạc, giao tiếp ngôn ngữ có văn hoá như các trò chơi đóng vai theo chủ đề: mẹ và con, bán hàng, cô giáo, bác sĩ...

Thông qua trò chơi trẻ sẽ được thực hành ngôn ngữ, dùng ngôn ngữ để nói ra những ý nghĩ của mình và học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với bạn... Sử dụng trò chơi để phát triển ngôn ngữ tạo cho trẻ một trạng thái học nói tự nhiên, là con đường nhanh nhất để trẻ bắt chước, tập nói và ghi nhớ lâu những từ ngữ mới học được.

1.4. Quản lí hoạt động phát triển ngôn ngữ của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi theo hướng giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở trường mầm non

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động phát triển ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo 5 6 tuổi theo hướng giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở các trường mầm non thành phố cẩm phả, tỉnh quảng ninh​ (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)