Quản lý, quản lý giáo dục

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý sử dụng thiết bị dạy học ở các trường trung học phổ thông huyện thuận thành tỉnh bắc ninh theo tiếp cận quản lý sự thay đổi​ (Trang 26 - 30)

8. Cấu trúc của Luận văn

1.2.1. Quản lý, quản lý giáo dục

1.2.1.1. Quản lý

Xuất phát từ những góc độ nghiên cứu khác nhau, các nhà nghiên cứu đưa ra những định nghĩa khác nhau về quản lý. Cụ thể:

Quan điểm của một số nhà khoa học trên thế giới:

Theo quan điểm kinh tế học, Frederik Uinslon Taylor (1856-1915), người được coi là “cha đẻ của thuyết quản lý khoa học”, mở ra “Kỉ nguyên vàng” quản lý đã thể hiện tư tưởng cốt lõi của mình trong quản lý là “Mỗi loại công việc dù nhỏ nhất đều phải chuyên môn hóa và đều phải quản lý chặt chẽ”. Taylor cho rằng “Quản lý là nghệ thuật biết rõ ràng chính xác cái gì cần làm và làm cái đó thế nào bằng phương pháp tốt nhất và rẻ tiền nhất” [10, tr.12]

Theo Karol Koon: “Quản lý là một hoạt động thiết yếu, nó đảm bảo sự phối hợp những nỗ lực cá nhân nhằm đạt được mục đích của nhóm (tổ chức) với thời gian, tiền bạc, vật chất và sự bất mãn cá nhân ít nhất. Với tư cách thực hành thì quản lý là một nghệ thuật, còn với kiến thức thì quản lý là một khoa học”[22, tr.33].

Đề cập đến hoạt động quản lý không thể không nhắc đến ý tưởng sâu sắc của C. Mác: “Tất cả mọi lao động xã hội trực tiếp hay lao động chung nào tiến hành trên quy mô tương đối lớn, thì ít nhiều cũng cần đến sự chỉ đạo để điều hòa những hoạt động cá nhân và thực hiện những chức năng chung phát sinh từ sự vận động của toàn bộ cơ thể khác với sự vận động của những khí quan độc lập của nó. Một người độc tấu vĩ cầm tự mình điều kiển lấy mình, còn dàn nhạc thì phải cần nhạc trưởng” [36, tr.2]. Mác coi việc xuất hiện của quản lý như một dạng hoạt động đặc thù của con người được gắn liền với sự phân công và hợp tác lao động quản lý, là kết quả tất yếu của sự chuyển hóa những quá trình lao động cá biệt, tản mạn, độc lập với nhau thành một quá trình lao động xã hội được tổ chức lại.

Theo từ điển tiếng Việt thông dụng (nhà xuất bản Giáo dục, 1992) quản lý là: tổ chức, điều khiển hoạt động của một đơn vị, cơ quan.

Quan niệm về quản lý của một số nhà khoa học Việt Nam:

Trong giáo trình “Khoa học tổ chức và quản lý - một số vấn đề lý luận và thực tiễn” các tác giả chỉ ra rằng: “Quản lý là một quá trình lập kế hoạch, tổ chức, hướng dẫn và kiểm tra những nỗ lực của các thành viên trong một tổ chức và sử dụng các nguồn của tổ chức để đạt được những mục tiêu cụ thể” [3, tr.94]

Tác giả Đặng Quốc Bảo cắt nghĩa: “Quản có nghĩa là giữ; lý là chỉnh sửa. Vậy quản lý là làm cho ổn định và phát triển, sao cho trong quản có lý trong lý có quản. Trong ổn định tạo mầm mống cho sự phát triển, trong phát triển giữ được hạt nhân cho ổn đinh” [1, tr.3].

Tác giả Nguyễn Chí Quốc và Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho rằng: “Quản lý là quá trình đạt đến mục tiêu của tổ chức bằng cách vận dụng các hoạt động (chức năng) kế hoạch hóa, chỉ đạo và kiểm tra” [31].

Như vậy, các quan niệm quản lý nói trên tuy có cách tiếp cận, diễn đạt khác nhau nhưng đều gặp nhau ở những nội dung cơ bản sau:

- Chủ thể quản lý (có thể là một người hoặc nhiều người).

- Đối tượng bị quản lý (có thể một người hoặc nhiều người, sự vật, sự việc…). - Mục tiêu quản lý nhằm thay đổi hoạt động của tổ chức, trạng thái hoạt động và nâng cao hiệu quả hoạt động.

- Chủ thể tiến hành các tác động quản lý bằng các công cụ quản lý và phương pháp quản lý.

- Quản lý có mối liên hệ được thể hiện giữa hai bộ phận là chủ thể quản lý và đối tượng bị quản lý. Chủ thể quản lý tác động liên tục có tổ chức, có định hướng thông qua một hệ thống luật lệ, nguyên tắc và biện pháp cụ thể làm cho một tổ chức vận hành đúng mục tiêu và có hiệu quả.

- Hiệu quả quản lý phụ thuộc vào các yếu tố: Chủ thể, khách thể, mục tiêu, phương pháp, công cụ quản lý.

Như vậy, có thể khái quát: Quản lý là sự tác động có định hướng, có chủ đích của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý trong tổ chức nhằm làm cho tổ chức vận hành đạt được mục tiêu đề ra.

Hay nói cách khác: Quản lý là quá trình đạt đến mục tiêu của tổ chức bằng việc thực hiện các chức năng quản lý như lập kế hoạch hoạt động, tổ chức hoạt động, chỉ đạo hoạt động và kiểm tra, đánh giá hoạt động.

1.2.1.2 Quản lý giáo dục

Mỗi phương thức xã hội lại có một cách quản lý khác nhau nên cũng có nhiều quan niệm khác nhau về quản lý giáo dục:

Ở các nước tư bản chủ nghĩa có sự vận dụng lý luận quản lý xí nghiệp vào quản lý cơ sở giáo dục (trường học) nên quản lý giáo dục được coi như một loại “xí nghiệp đặc biệt”.

Trái ngược với quan niệm trên, ở các nước xã hội chủ nghĩa do có sự vận dụng quản lý xã hội vào quản lý giáo dục nên quản lý giáo dục được xếp trong lĩnh vực quản lý văn hóa tư tưởng, được coi là một bộ phận nằm trong lĩnh vực quản lý văn hóa tinh thần.

Ở Việt Nam cũng có nhiều quan niệm khác nhau.

Tác giả Nguyễn Ngọc Quang viết: “Quản lí giáo dục là hệ thống những tác động có mục đích, có kế hoạch, hợp quy luật của chủ thể quản lí nhằm làm cho hệ thống giáo dục hoạt động theo đường lối và nguyên lý giáo dục của Đảng, thực hiện các tính chất của nhà trường xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà tiêu điểm hội tụ là quá trình dạy học, giáo dục thế hệ trẻ, đưa hệ thống giáo dục tới mục tiêu dự kiến, tiến lên trạng thái mới về chất” [30, tr.75].

Tác giả Đỗ Hồng Toàn đưa ra quan niệm: “Quản lý giáo dục là tập hợp những biện pháp tổ chức, phương pháp giáo cụ, kế hoạch tài chính… nhằm đảm bảo sự vận hành bình thường của các cơ quan trong hệ thống giáo dục, đảm bảo sự tiếp tục phát triển và mở rộng hệ thống cả về mặt số lượng cũng như chất lượng” [37, tr.29].

Theo tác giả Trần Kiểm: “Quản lý khoa học hệ thống giáo dục có thể xác định như là tác động có hệ thống, có kế hoạch, có ý thức và định hướng của chủ thể quản lý ở các cấp độ khác nhau đến tất cả các mắt xích của hệ thống (từ Bộ đến các trường, các cơ sở giáo dục khác) nhằm mục đích đảm bảo giáo dục xã hội chủ nghĩa cho thế hệ trẻ, trên cơ sở nhận thức và vận dụng những quy luật chung của chủ nghĩa xã hội, cũng như quy luật của quá trình giáo dục, của sự phát triển thể lực, tâm lý trẻ thiếu niên và thanh niên”[23, tr.10].

Các quan niệm về quản lí giáo dục trên có chung một quan điểm là: - Quản lý giáo dục là những tác động có chủ đích, có kế hoạch, hợp quy luật của chủ thể quản lý đến tập thể giáo viên, nhân viên học sinh, cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội trong và ngoài nhà trường nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả mục tiêu giáo dục.

- Quản lý giáo dục là dạng lao động xã hội đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục nhằm gây ảnh hưởng, điều khiển hệ thống giáo dục và các thành tố của nó, định hướng và phối hợp lao động của những người tham gia công tác giáo dục để đạt được mục tiêu giáo dục và mục tiêu phát triển giáo dục dựa trên thể chế giáo dục và các nguồn lực giáo dục. Theo đó bản chất của quản lý trường học là quá trình tác động gây ảnh hưởng, định hướng và phát triển tổ chức nhà trường theo mục tiêu và giá trị đã định, dựa trên việc xác định tầm nhìn, sứ mạng, nhiệm vụ chiến lược, huy động và sử dụng các nguồn lực tạo dựng tên tuổi, uy tín và quản lý văn hóa trong nhà trường.

- Quản lý giáo dục như một khoa học, không những phải xem xét chủ thể quản lý phải làm những gì mà còn phải xem xét những tác động từ các chủ thể quản lý hướng vào đâu. Nói cách khác cần phải xem xét tới các thành tố của một hệ thống chịu sự tác động của chủ thể quản lý.

Như vậy: Quản lý giáo dục là quá trình tác động có định hướng của nhà quản lý giáo dục trong việc vận dụng nguyên lý, phương pháp chung nhất của khoa học nhằm đạt được những mục tiêu đề ra”

Dựa vào phạm vi quản lý, người ta chia quản lý giáo dục thành 2 loại: - Quản lý hệ thống giáo dục: Quản lý giáo dục được diễn ra ở tầm vĩ mô, trong phạm vi toàn quốc, trên địa bàn lãnh thổ địa phương (tỉnh, thành phố).

- Quản lý nhà trường: Quản lý giáo dục ở tầm vi mô trong một đơn vị, một cơ sở giáo dục.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý sử dụng thiết bị dạy học ở các trường trung học phổ thông huyện thuận thành tỉnh bắc ninh theo tiếp cận quản lý sự thay đổi​ (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)