Vì sao phải thống nhất đất nước về mặt nhà nước? Việc thống nhất diễn ra như thế nào?

Một phần của tài liệu Tìm hiểu lịch sử Việt Nam qua các câu hỏi: Phần 2 (Trang 95)

II. CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954-1975)

1. Vì sao phải thống nhất đất nước về mặt nhà nước? Việc thống nhất diễn ra như thế nào?

nhà nước? Việc thống nhất diễn ra như thế nào?

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã thu non sông về một mối. Tuy nhiên, sự nghiệp thống nhất đất nước vẫn chưa toàn vẹn. Ở hai miền Bắc, Nam vẫn tồn tại hai hệ thống chính quyền khác nhau. Ở miền Bắc là chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ở miền Nam là chính quyền của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội... cũng có sự khác biệt. Do đó, thống nhất nước nhà trên tất cả lĩnh vực trở thành yêu cầu lịch sử cấp thiết, cần phải sớm tiến hành sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Trong các lĩnh vực cần thống nhất thì việc thiết lập một thể chế chính trị chung, một bộ máy nhà nước chung là vấn đề hệ trọng hàng đầu. Điều này sẽ chi phối và định hướng cho việc thống nhất trên các lĩnh vực còn lại.

Nhận thức rõ điều này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 24 (9/1975) và đề ra nhiệm vụ phải hoàn thành thống nhất đất nước, trước hết là về mặt nhà nước.

Tháng 11/1975, đại biểu hai miền Bắc, Nam họp Hội nghị hiệp thương chính trị tại Sài Gòn. Hội nghị nhấn mạnh: Việc thống nhất đất nước về mặt nhà nước là quan trọng, cần sớm tiến hành; để thống nhất

về mặt nhà nước, cần tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung cho cả nước. Quốc hội chung đó sẽ xác định thể chế nhà nước, bầu các chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước và quy định Hiến pháp của nước Việt Nam thống nhất.

Ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tiến hành trên toàn quốc. Tiếp đó, tháng 6/1976, Quốc hội mới của nước Việt Nam thống nhất đã họp kỳ đầu tiên tại Hà Nội. Quốc hội khóa mới này được gọi là Quốc hội khóa VI với ý nghĩa kế tục 5 khóa Quốc hội trước đó.

Kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa VI đã quyết định đổi quốc hiệu từ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ ngày 02/7/1976); thủ đô là Hà Nội; thành phố Sài Gòn - Gia Định được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh.

Quốc hội đã bầu ra các chức vụ lãnh đạo của Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Hệ thống chính quyền địa phương cũng được tổ chức thống nhất trên cả nước với ba cấp: Tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, cấp huyện và tương đương, cấp xã và tương đương.

Với kết quả của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI, việc thống nhất đất nước về mặt nhà nước đã hoàn thành. Việc thống nhất đất nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội tiếp tục diễn ra sau đó.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu lịch sử Việt Nam qua các câu hỏi: Phần 2 (Trang 95)