đặc sắc gì trong lịch sử dân tộc?
Vương triều Lý là triều đại quân chủ Việt Nam do Lý Công Uẩn (tức Lý Thái Tổ) sáng lập vào cuối năm 1009. Lý Công Uẩn (974-1028) sinh trưởng ở vùng Cổ Pháp (Bắc Ninh ngày nay), từng giữ chức chỉ huy cấm quân dưới triều Tiền Lê. Ông là người khoan dung, nhân từ, được Nhân dân và quan lại trong triều rất mến phục. Khi hoàng đế cuối cùng của nhà Tiền Lê là Lê Ngọa Triều mất, quần thần vì chán ghét nhà Lê hủ bại nên đồng lòng ủng hộ Lý Công Uẩn lên ngôi.
Triều Lý tồn tại 217 năm (1009-1225) với 9 đời hoàng đế. Ngoài trang sử huy hoàng về cuộc kháng chiến chống Tống (sẽ trình bày ở phần riêng), dưới đây là những dấu ấn nổi bật của vương triều này.
Đặt kinh đô mới Thăng Long
Mùa thu năm 1010, Lý Thái Tổ quyết định chuyển kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La (Hà Nội) và đổi tên Đại La thành Thăng Long.
Miền đất Đại La, như lời Chiếu dời đô, là nơi “ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi, đã đúng ngôi nam bắc đông tây, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi; địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng, dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi... thật là nơi tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là chốn đô thành bậc nhất của kinh sư muôn đời”1.
Những ưu thế đó là điều mà kinh đô Hoa Lư vốn bị núi đồi bao phủ không thể sánh được.
Thăng Long từ đó liên tục là kinh đô của các triều đại quân chủ Việt Nam suốt từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII.
Ban hành bộ luật đầu tiên trong lịch sử Việt Nam trung đại
Đó là bộ luật Hình thư, gồm 3 quyển, được soạn thảo và ban hành năm 1042 theo mệnh lệnh của Hoàng đế Lý Thái Tông (con trai Lý Thái Tổ, ở ngôi từ năm 1028 đến năm 1054).