lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên thời Trần?
Cuộc kháng chiến lần thứ nhất (năm 1258)
Vào giữa thế kỷ XIII (thời Trần), cuộc sống của Nhân dân Đại Việt đang dần ổn định thì tin tức về quân xâm lược Mông Cổ từ phương Bắc lan tới.
Các bộ lạc du mục Mông Cổ sống ở vùng thảo nguyên Bắc Á dần phân hóa thành giai cấp, rồi thành lập nhà nước vào đầu thế kỷ XIII. Mông Cổ đem quân đánh chiếm nhiều nước để mở rộng lãnh thổ. Đế chế Mông Cổ chẳng mấy chốc đã làm chủ một lãnh thổ rộng lớn, kéo dài từ Thái Bình Dương đến bờ Biển Đen. Năm 1257, trên bước đường xâm lược Nam Tống (Trung Quốc), quân Mông Cổ đánh chiếm nước Đại Lý ở phía tây nam Nam Tống, rồi một cánh quân được lệnh phối hợp với quân Đại Lý đã quy hàng đánh xuống Đại Việt để từ đó thẳng đường tấn công mặt phía nam của Nam Tống.
Chủ tướng Mông Cổ là Ngột Lương Hợp Thai sai sứ sang yêu cầu nhà Trần đầu hàng. Nhà Trần quyết không nhượng bộ và tống giam bọn sứ giả, rồi lệnh cho cả nước chuẩn bị kháng địch. Mùa đông năm 1257, vị tướng trẻ Trần Quốc Tuấn được lệnh đem quân trấn giữ miền biên ải.
Tháng 01/1258, Ngột Lương Hợp Thai dẫn đầu 3 vạn quân đánh vào nước ta. Tuyến phòng thủ biên giới của ta bị phá. Quân Mông Cổ hùng hổ tiến xuống vùng Bình Lệ Nguyên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Quân ta do Hoàng đế Trần Thái Tông trực tiếp chỉ huy đã quyết chiến với giặc tại đây. Quân Mông Cổ ra sức tấn
công, quân Trần chống chọi không nổi đành phải rút lui nhằm bảo toàn lực lượng. Triều đình tạm thời rút khỏi kinh thành Thăng Long, đem quân chủ lực xuôi sông Hồng về đóng tại vùng Thiên Mạc (Hà Nam). Giữa lúc khó khăn đó, Thái sư Trần Thủ Độ đã dõng dạc tuyên bố: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác”1. Tinh thần đó của Thái sư như tiếp thêm khí thế cho toàn quân.
Quân giặc tiến vào Thăng Long, nhưng trước mắt chúng chỉ là cảnh thành không nhà trống. Người dân ở kinh thành theo lệnh của triều đình đã sơ tán. Giặc điên cuồng tàn phá Thăng Long. Chúng đem quân ra các làng xã xung quanh để tìm lương thực, nhưng đến đâu cũng bị quân dân ta phục kích, chặn đánh tơi bời. Tình thế của chúng ngày càng nguy ngập.
Nắm được tình hình giặc, quân Trần tổ chức cuộc phản công lớn ở Đông Bộ Đầu (bến sông Hồng ở Hàng Than, Hà Nội). Quân giặc bị đánh bật khỏi Thăng Long, bị truy kích liên tục nên phải chạy lên phía bắc. Đến vùng Quy Hóa (Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai), chúng bị dân binh dân tộc thiểu số bất ngờ đổ ra đánh. Giặc càng hoảng hốt bỏ chạy, không còn đốt phá, cướp bóc như khi mới vào nước ta. Nhân dân ta mỉa mai gọi chúng là “giặc Phật”.
Thế là chỉ trong vòng nửa cuối tháng 01/1258, quân và dân nhà Trần đã đập tan cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Mông Cổ. Tuy nhiên, kẻ thù vẫn chưa thôi ý định thôn tính nước ta.