CHƯƠNG 1 .TỔNG QUAN VỀ HIỆU QUẢ TÀI CHÍNH CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.4. Kinh nghiệm của các ngân hàng thương mại trên Thế giới sáp nhập trước 2012
1.4.1. Kinh nghiệm của Hàn Quốc
Cuộc khủng hoàng tài chính - ngân hàng Hàn Quốc bùng phát từ cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 và có nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ việc đầu tư tràn lan và vay nợ quá mức của các tập đoàn kinh tế cũng như quy định an toàn hoạt động ngân hàng lỏng lẻo, quản trị rủi ro yếu kém và thiếu sự minh bạch trong công tác tài chính của hệ thống các tổ chức tín dụng. Vì vậy, để ngăn chặn khủng hoảng, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện một kế hoạch kinh tế tổng thể: tập trung ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu các ngân hàng, doanh nghiệp và thị trường lao động trong đó tái cơ cấu các ngân hàng là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Hàn Quốc ở giai đoạn này. Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng một lộ trình thứ tự các bước thực hiện tái cơ cấu các ngân hàng như sau:
Tiến hành rà soát và phân loại ngân hàng
Một trong những việc làm đầu tiên của Chính phủ Hàn Quốc là tiến hành áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá tình hình tài chính, các khoản nợ xấu và
tiến hành phân loại các ngân hàng thành 3 nhóm làm cơ sở cho quá trình hợp nhất và sáp nhập, bao gồm:
- Nhóm các ngân hàng dẫn đầu (nhóm các ngân hàng lớn);
- Nhóm các ngân hàng trung bình (chủ yếu tập trung vào hoạt động bán lẻ; - Nhóm các ngân hàng nhỏ phục vụ cho các vùng địa phương đặc biệt. Mục tiêu chính của việc phân loại này là nhằm: Thứ nhất, tạo ra các ngân hàng lớn sau khi hợp nhất và sáp nhập có đủ năng lực về tài chính để có thể cạnh tranh hiệu quả đối với các ngân hàng nước ngoài cũng như nâng cao hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng này; Thứ hai, thu hẹp phạm vi hoạt động của các ngân hàng có quy mô vừa, tập trung vào phát triển các hoạt động kinh doanh chính; Thứ ba, các ngân hàng nhỏ nhưng hoạt động an toàn và hiệu quả, chỉ để phục vụ cho các vùng địa phương đặc biệt.
Giải quyết nợ xấu của ngân hàng
Sau khi tiến hành đánh giá và phân loại nợ xấu, để có thể giải quyết được các khoản nợ xấu của các ngân hàng, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập các Công ty quản lý nợ xấu Hàn Quốc (viết tắt là KAMCO) để mua lại các khoản nợ xấu từ các NHTM có kế hoạch sáp nhập và hợp nhất. Trong năm 1997, Chính phủ Hàn Quốc đã cấp 64 nghìn tỷ won, tương đương 15% GDP, để thực hiện tái cơ cấu các ngân hàng, trong đó 31,5 nghìn tỷ won (chiếm 49,2%) được dành cho mua các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Tính đến cuối tháng 3/1999, KAMCO đã bỏ ra 20 nghìn tỷ won để mua các khoản nợ xấu trị giá 44 nghìn tỷ won của các ngân hàng.
Hợp nhất, sáp nhập và mở rộng hình thức sở hữu
Sau khi đánh giá được mức vốn thực có của các NHTM (sau khi tiến hành bù đắp các khoản thiệt hại về nợ xấu và dự phòng), Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành các bước đi mạnh mẽ để khuyến khích trên cơ sở tự nguyện hoặc buộc các NHTM phải sáp nhập lại với nhau, hoặc tăng vốn để đảm bảo mức vốn tối thiểu an toàn cho hoạt động kinh doanh ngân hàng, thậm chí rút giấy phép cũng như buộc phải tuyên bố phá sản.
Song song với hoạt động mua bán, sáp nhập các NHTM, Chính phủ Hàn Quốc còn tập trung vào nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng cũng như ban hành các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan an toàn hoạt động ngân hàng cũng được điều chỉnh, sửa đổi để đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định và an toàn trong tương lai.
Tăng cường sự tham gia của tổ chức bảo hiểm tiền gửi vào tái cơ cấu các ngân hàng thông qua một nền tảng pháp lý minh bạch
Luật Bảo vệ người gửi tiền ban hành năm 1995 là tiền đề cho việc thành lập Công ty Bảo hiểm tiền gửi (KDIC), và quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi tại Hàn Quốc. Luật Bảo vệ người gửi tiền quy định rõ mục tiêu hoạt động của KDIC là bảo vệ tiền gửi của người gửi tiền và duy trì ổn định tài chính tại Hàn Quốc, với các chức năng chính gồm: quản lý quỹ Bảo hiểm tiền gửi; giám sát rủi ro; xử lý đổ vỡ; thu hồi nợ; và điều tra. Cơ sở pháp lý đầy đủ và ổn định đã giúp cho KDIC có vị thế độc lập tương đối và chủ động trong phối hợp với các cơ quan khác trong mạng an toàn tài chính để xử lý đổ vỡ ngân hàng và khủng hoảng tài chính một cách hiệu quả, góp phần khôi phục ổn định hệ thống tài chính ngân hàng và ổn định kinh tế vĩ mô tại Hàn Quốc.