Tình hình tài nguyên rừng, đất đai 1 Tài nguyên rừng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đề xuất một số giải pháp quản lý tài nguyên rừng dựa vào cộng đồng thuộc vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên nam kar ở huyện lăk đăklăk​ (Trang 29 - 31)

3.1.3.1 Tài nguyên rừng.

Thảm thực vật rừng: [11] Do các đặc trưng của chế độ nhiệt ẩm thảm thực vật ở khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar khá phong phú đặc trưng cho khí hậu nhiệt đới ẩm mang tính chất Cao Nguyên. Tuy nhiên những hoạt động của con người dễ thu hẹp những mảnh rừng nguyên sinh và thay vào đó những kiểu rừng thứ sinh với thành phần loài đơn giản hơn. Do sự thay đổi phong phú của tiểu địa hình nên thảm thực vật cũng thay đổi mạnh, nhưng chủ yếu thường gặp ở các dạng sau:

- Rừng nửa rụng lá ưu thế bằng lăng ổi (Lagerstroenia calyculata) thường mọc thành dãy ở ven suối, hay thành đám ở khe thung lũng giữa hai sườn núi, dưới chân núi Nam Kar. Rừng thường có 04 tầng, bằng lăng thường ở tầng ưu thế sinh thái và tầng cây nhỡ xen kẻ rải rác với một số loài như: Dầu rái (Dipterocarpus indicus), gõ đỏ (Afzelia xylocarpa), giáng hương (Pterocarpus macrocarpus). Tầng cây bụi và tầng cây cỏ thưa thớt chủ yếu là: le, lồ ô, dây leo nhiều và to.

- Rừng kín hỗn loài thường xanh nhiều thành phần: Đây là loại rừng mưa nhiệt đới điển hình ở Tây Nguyên phổ biến nhất trong vùng với tỷ trọng thành phần các loài tăng hơn so với rừng bằng lăng nhưng còn đơn giản hơn rừng thường xanh, các loài ưu thế thường gặp là họ sồi giẻ (Fagaceae), họ đậu (Fabaceae), họ dầu sao dầu (Dipterocarpaceae), họ cà phê (Rubiaceae)… loài rừng này chiếm phần lớn vùng núi cao có các dãy Chư Y-Yang, Chư Liêng Hô ở phía bắc, Chư pardle, Chư Bole, Chư Nam Kar ở phía nam.

- Rừng thưa rụng lá cây họ dầu (rừng khộp), ngoài cây họ dầu thường gặp các loại thuộc họ dẻ (Pagaceae), họ lông não (Lauraceae), họ sim (Myrtaceae), loại trảng này nếu không có sự phá hoại của con người thì nhanh chóng phục hồi thành rừng thường xanh.

- Trảng cỏ tranh (Imperata cylindrica) phát triển trên đất còn ít phì nhiêu, xen kẻ nhiều loài cây gỗ nhỏ thuộc các họ: Xoan (Meliaceae), đào lộn hột (Anacarrdiaceae). Trảng cỏ tranh thường phát triển ở những vùng bị phá làm nương rẫy, phân bố gần khu dân cư.

- Rừng lồ ô: Thường mọc thuần loài trên đồi hoặc sườn núi còn ẩm ước, rừng lồ ô mọc rãi rác và xen kẽ giữa rừng thường xanh và rừng trảng cỏ tranh.

- Trảng cỏ đầm lầy: Xung quanh khu vực ba hồ và các thung lũng ven suối thường xuyên ngập nước, nghèo dinh dưỡng, các loài ưu thế thuộc các họ: Lúa (Poaceae), cói (Cyparaceae), Gừng (Zingiberaceae). Rừng đầm lầy và trảng cỏ đầm lầy tập trung ở phía bắc khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar.

- Tóm lại, với các kiểu thảm đặc trưng cho từng dạng địa hình và mang tính nhiệt đới ẩm, khu hệ thực vật ở Nam Kar rất phong phú và đa dạng.

Tài nguyên thực vật: [11] Đã thống kê được tất cả có 587 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 149 họ và 61 bộ.

- Nguồn dược liệu: Trong số 587 loài thực vật bậc cao thống kê được ở Nam Kar có đến 382 loài có khả năng làm thuốc, có thể nuôi, trồng và khai thác trong đó có nhiều loài quý và có giá trị kinh tế cao như: Sa nhân, ngũ gia bì, thiên niên kiện, mã tiền.

- Cây làm cảnh: Rừng Nam Kar có hơn 78 loài có khả năng làm cây cảnh trang trí nội thất và vườn rất đẹp, trong đó đáng kể là các loài thuộc những họ sau: Thu hải đường (Begonniaceae), phong lan (Orchidaceae), Ráy (Araceae) thiên lý (Aselepmadacasa).

- Nguồn thức ăn cho chim thú: Đây là tài nguyên thiết thực nhất đối với khu rừng bảo tồn thiên nhiên Nam Kar có nhiều thú, có ý nghĩa là nguồn thức ăn đặc sắc cho chim thú là các loài thuộc họ: Gừng (Zingiberaceae), lúa (Poaceae), sồi, giẻ (Pagaceae), Trám (Burseraceae), bầu bí (Cucurbitaceae), lạc tiên (Pasaifloraceae).

- Nguồn thực phẩm: Trong hệ thực vật ở Nam Kar còn có nhiều loài có thể làm rau ăn, thực phẩm giàu Vitamin và đạm thực vật cho con người.

- Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar có nhiều loài thực vật quý hiếm như: cây trầm, cẩm lai, sơn huyết, giáng hương, cà te, săng đào, trắc. Những loài này đang có nguy cơ tuyệt chủng cần phải được bảo vệ và phát triển chúng.

Khu hệ động vật: [11] Với những loài đặc trưng của địa hình và thảm thực vật như đã trình bày, khu hệ động vật ở Nam Kar cũng mang tính hỗn hợp của vùng bình nguyên, sinh lầy và núi cao, rừng nữa rụng. Đặc điểm này thể hiện rõ nét ở các loài động vật có ở khu bảo tồn.

- Chim: Đã thống kê được 140 loài chim thuộc 43 họ và 17 bộ. Trong sinh cảnh đầm hồ có các đại diện của nhiều loài chim nước như: Cò ngang nhỏ, cò ngang lớn, cò trắng vịt đầu vàng, diếc lửa, choắt nhỏ… với mật độ và trữ lượng khá. Ở sinh cảnh núi cao có các loài như: Hồng hoàng, gà lôi hồng tía, trĩ sao… Trong sinh cảnh chuyển tiếp giữa núi cao và đầm hồ có các loài như: Quạ, sóc đá, sóc nâu, chìa vôi núi.

- Thú: Gồm 56 loài thuộc 24 họ và 9 bộ, các loài thú sống trên sinh cảnh núi cao có vượn đen, voọc vá, khỉ mắt đỏ, gấu ngựa, gấu chó… Ở sinh cảnh thấp và tương đối bằng phẳng có các loài như: Voi, nai, hoẵng, lợn rừng.

- Lưỡng cư - bò sát: Gồm 50 loài thuộc 16 họ và 4 bộ ở vùng sình lầy hồ nước có: Cá sấu nước ngọt, ba ba nam bộ, ba ba sông, kỳ đà, rắn nước và nhiều loài ếch nhái, ở các núi cao có: Trăn hoa, trăn đất, kỳ đà núi, rắn các loại.

- Tóm lại khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar là một khu rừng còn khá nhiều loại động vật, với số lượng lớn, đặc biệt trong đó có nhiều loại quý hiếm mà sách đỏ thế giới ghi là loài rất nguy cấp và nguy cấp tuyệt chủng: Voi, bò tót, beo, voọc vá, cày giông, gà lôi, gà tiền, cá sấu…

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đề xuất một số giải pháp quản lý tài nguyên rừng dựa vào cộng đồng thuộc vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên nam kar ở huyện lăk đăklăk​ (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)