Trong những năm vừa qua Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương chính sách nhằm từng bước cải tiến phương thức quản lý rừng và đất rừng, nhiều biện pháp thu hút người dân tham gia quản lý bảo vệ rừng được triển khai. Trong đó đáng lưu ý là chương trình 327 với mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ rừng… và sau đó là quyết định số 556/TTg điều chỉnh, bổ sung quyết định 327 tập trung vào việc tạo mới và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Chương trình 327 tập trung thực hiện số nội dung sau:
- Giao khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng, trồng cây công nghiệp đến cấp hộ gia đình.
- Về công tác trồng rừng: Những năm đầu việc trồng rừng phân tán, dàn trải, manh mún, chất lượng rừng trồng còn thấp, phần lớn là trồng thuần loài, sau đó đã có điều chỉnh chuyển dần từ trồng rừng thuần loài sang trồng rừng hỗn loài với cơ cấu cây trồng hợp lý, phù hợp với điều kiện của từng vùng dự án.
- Về công tác giao đất, khoán rừng: Việc giao đất khoán rừng triển khai chậm đã gây ra nhiều khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu của dự án. Việc giao đất không đi đôi với giao vốn hoặc giao vốn nhỏ giọt nên dân không đủ vốn để trồng rừng.
- Về vốn đầu tư: Vốn đầu tư còn mang tính chất dàn trải nên chưa đạt hiệu quả cao. Cơ cấu vốn đầu tư đã được thực hiện phân bổ cho các hạng mục đầu tư, song đầu tư cho cơ sở hạ tầng còn chiếm khá cao trên 30% vốn đầu tư cho cả chương trình. Song các công trình mang lại hiệu quả cho người dân được hưởng lợi là rất thấp. Mặc khác, suất đầu tư cho các hạng mục công trình của dự án còn mang tính bình quân, chưa tính đến những đặc điểm cụ thể của từng vùng dự án. Mức vốn đầu tư 1,7 triệu đồng cho 1 ha rừng trồng nói chung là thấp. Với mức đầu tư này, người dân trồng rừng chỉ nhận được 1,1 – 1,2 triệu đồng/ha.
- Vấn đề lồng ghép các chương trình: Việc lồng ghép phối hợp chương trình 327 với các chương trình khác chưa chặt chẽ để hoàn thành các hạng mục nhanh chóng. Khi chương trình 327 điều chỉnh mục tiêu tập trung vào trồng rừng mới, khoanh nuôi bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, nhưng lại không có vốn hoàn thiện tiếp các công trình hạ tầng phúc lợi và định canh định cư.
- Tổ chức chỉ đạo:
+ Tổ chức chỉ đạo ở tỉnh, huyện và xã còn thiếu sự phối hợp đồng bộ, một số chủ dự án năng lực điều hành còn yếu và thiếu kinh nghiệm chỉ đạo. Hiện tượng sử dụng vốn sai mục đích có xảy ra (các xã vùng III) nhưng đã được phát hiện và uốn nắn kịp thời.
+ Tuy nhiên, qua thực tế: Trong thời gian chương trình 327 còn hoạt động thì rừng được bảo vệ tốt, đến khi hết thời gian hoạt động thì rừng bị tàn
phá nhanh chóng. Tuy nhiên, chương trình 327 đã để lại một số cơ sở hạ tầng phục vụ cho dân sinh kinh tế. Thông qua chương trình giao đất giao rừng chúng tôi nhận thấy chưa thực sự phù hợp với điều kiện dân sinh kinh tế. Vì họ không có nguồn vốn để đầu tư, tổ chức sản xuất kinh doanh rừng.