Nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ cấp xã

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã tại huyện tân uyên, tỉnh lai châu (Trang 94 - 97)

5. Kết cấu của luận văn

4.4.4. Nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ cấp xã

Đánh giá cán bộ là vấn đề hệ trọng, rất nhạy cảm và phức tạp, là khâu mở đầu quyết định đến các khâu khác của công tác cán bộ. Bởi vì, đánh giá cán bộ đúng thì mới bố trí cán bộ đúng việc, đúng tầm; đánh giá cán bộ sai dẫn đến bố trí cán bộ sai, hỏng việc, hỏng cán bộ. Đại hội X của Đảng yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ, triển khai đồng bộ các khâu công tác cán bộ, trong đó khâu đánh giá cán bộ: phải công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện và công tâm, lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị làm thước đo phẩm chất và năng lực cán bộ, phải căn cứ vào hiệu quả công tác, khả năng đoàn kết, quy tụ, phát huy sức mạnh của tập thể, tạo ra sự tiến bộ và kết quả cụ thể trong ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị mình phụ trách; không tham nhũng, lãng phí, quan liêu và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.Để làm tốt việc đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, trong thời gian tới tỉnh cần chú ý một số điểm cơ bản như sau:

Một là, đánh giá cán bộ, công chức phải căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh. Theo đó, đánh giá cán bộ, công chức ở mỗi một thời kỳ lịch sử có nhiều điểm giống nhau nhưng cũng có điểm khác nhau, do đó đánh giá cán bộ, công chức cũng phải dựa vào tiêu chuẩn ở giai đoạn lịch sử nhất định để đánh giá mới chuẩn xác. Đồng thời, phải thực hiện cụ thể hóa tiêu chuẩn cho từng loại công việc, từng lĩnh vực, từng chức danh theo hướng hoàn thiện hệ thống quy chế, chế độ công tác đối với cán bộ, công chức thuộc khối đảng, đoàn thể và xây dựng, hoàn thiện hệ thống chế độ công vụ theo kiểu hệ thống quản lý hất lượng đối với cán bộ, công chức khối nhà nước.

Hai là, đánh giá cán bộ, công chức phải lấy hiệu quả công tác và sự đóng góp thực tế làm thước đo phẩm chất và năng lực của cán bộ, công chức.

Nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức không những thông qua các văn bằng, chứng chỉ đào tạo mà còn phải đánh giá năng lực hoạt động thực tiễn, vì chất lượng và hiệu quả công việc mà người cán bộ, công chức thực hiện là kết quả cuối cùng, là chất lượng, năng lực thực sự của từng cán bộ, công chức. Trong thực tế, một số cán bộ, công chức có bằng cấp đào tạo nhưng hiệu quả công việc thực tế còn hạn chế, nguyên nhân là do bằng cấp đào tạo không đúng với ngành nghề mình đang làm việc, hoặc một số khác chưa biết vận dụng kiến thức đào tạo vào thực tiễn công việc và có rất nhiều trường hợp học để lấy bằng cấp nhằm phục vụ lợi ích riêng do đó không áp dụng được vào chuyên môn nghiệp vụ. Chính vì vậy, cần phải xem xét công việc, chức vụ của từng cán bộ, công chức và đánh giá mức độ hoàn thành công việc, chức vụ được giao đó, phải lấy hiệu quả công tác và sự đóng góp thực tế làm thước đo phẩm chất và năng lực cán bộ, công chức. Mọi bằng cấp, danh hiệu và chức vụ, năng khiếu đều phải được kiểm nghiệm qua thực tiễn.

Ba là, đánh giá cán bộ, công chức phải coi trọng phẩm chất chính trị và đạo đức, lối sống. Phẩm chất chính trị của cán bộ, công chức được thể hiện ở nhận thức, tư tưởng chính trị, ý thức chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thái độ trong đấu tranh với các luận điệu sai trái,

phản động để bảo vệ đường lối của Đảng. Đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức là tinh thần cầu thị, học tập nâng cao trình độ, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công tác, tinh thần tự phê bình và phê bình.

Bốn là, đánh giá cán bộ, công chức phải xem xét cả một quá trình, phải đặt trong thời điểm nhất định, một môi trường rộng lớn; phải khách quan, dân chủ, đúng đắn, công bằng. Nghĩa là phải xem xét nhiều mặt, nhiều khía cạnh, phải đặt cán bộ, công chức trong mối quan hệ công tác, trong mối quan hệ với nhân dân nơi cán bộ, công chức đó cư trú, những hành vi lối sống của cán bộ, công chức tại gia đình. Mặt khác, phải thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, đánh giá cán bộ, công chức phải công tâm, trong sáng, nội bộ đoàn kết; phát huy trách nhiệm cá nhân trong công tác cán bộ, tập thể hay cá nhân khi đánh giá cán bộ, công chức đều phải chịu trách nhiệm trước tổ chức về ý kiến của mình khi nhận xét, đánh giá một con người cụ thể.

Năm là, đánh giá cán bộ, công chức phải thường xuyên, kịp thời. Các cơ quan, đơn vị cần tiến hành việc đánh giá cán bộ, công chức theo định kỳ hàng năm, trước khi bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm, quy hoạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, khi kết thúc nhiệm kỳ, thời gian luân chuyển để qua đó kịp thời uốn nắn những lệch lạc; ngăn chặn, chấn chỉnh những sai phạm; động viên khuyến khích những nhân tố tích cực và khắc phục, sửa chữa những yếu kém, tồn tại của mỗi cán bộ nhằm giúp đỡ cán bộ ngày càng hoàn thiện, ngày càng tốt hơn.

Sáu là, tăng cường thực hiện dân chủ, thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong đánh giá cán bộ, công chức. Thực tiễn cho thấy, có nhiều vấn đề liên quan đến các hành vi tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, đảng viên mà cán bộ cấp trên hoặc chi ủy, chi bộ không biết, nhưng quần chúng và những người cán bộ, công chức cấp dưới vẫn biết, và cấp trên chỉ biết khi nhận được thông tin do quần chúng tố giác hoặc báo chí phanh phui. Do đó, muốn thực hiện dân chủ trong xã hội và phát huy quyền làm chủ của nhân dân thì trước hết phải mở rộng và phát huy dân chủ nhằm thu hút đông đảo nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quần chúng tham gia nhằm đưa ra những nhận xét, đánh giá cán bộ thực chất nhất, thể hiện quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân trong hoạt động quản lý của Nhà nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã tại huyện tân uyên, tỉnh lai châu (Trang 94 - 97)