Trung tâm lợi nhuận (Profit Centers)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến công tác kế toán trách nhiệm tại các công ty điện lực trên địa bàn thành phố hồ chí minh​ (Trang 35 - 37)

Trung tâm lợi nhuận là loại trung tâm trách nhiệm mà nhà quản trị phải chịu trách nhiệm với kết quả sản xuất và tiêu thụ của trung tâm. Trong trường hợp này nhà quản lý có thể ra quyết định loại sản phẩm nào cần sản xuất, sản xuất như thế nào, mức độ chất lượng, giá cả, hệ thống phân phối và bán hàng. Nhà quản lý phải quyết định các nguồn lực sản xuất được phân bổ như thế nào giữa các sản phẩm, điều đó cũng có nghĩa là họ phải đạt được sự cân bằng trong việc phối hợp giữa các yếu tố giá cả, sản lượng, chất lượng và chi phí.

Loại trung tâm trách nhiệm này thường được gắn ở bậc quản lý cấp trung, đó là giám đốc điều hành trong công ty, các đơn vị kinh doanh trong tổng công ty như các công ty phụ thuộc, các chi nhánh,…. Nếu nhà quản lý không có quyền quyết định mức độ đầu tư tại trung tâm của họ thì tiêu chí lợi nhuận được xem là tiêu chí thích hợp nhất để đánh giá kết quả thực hiện của trung tâm này.

Trách nhiệm của nhà quản trị ở trung tâm lợi nhuận là tổ chức hoạt động kinh doanh sao cho lợi nhuận đạt được là cao nhất. Nhà quản trị trung tâm lợi nhuận được giao vốn và quyền quyết định trong việc sử dụng số vốn đó để tạo ra lợi nhuận. Do vậy, bên cạnh trách nhiệm phải tạo ra lợi nhuận cao, trung tâm lợi nhuận còn có trách nhiệm kiểm soát chi phí phát sinh. Chính vì lẽ đó, để đánh giá kết quả của trung tâm lợi nhuận, chúng ta cần đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu lợi nhuận, giá bán và lượng bán.

- Đối với chỉ tiêu lợi nhuận: cần xác định chênh lệch giữa lợi nhuận thực hiện so với lợi nhuận kế hoạch được giao cả về số tuyệt đối lẫn số tương đối.

- Do lợi nhuận tạo ra trong kỳ của DN là phần còn lại của doanh thu sau khi trừ chi phí phát sinh tương ứng tạo ra doanh thu đó, nên doanh thu và chi phí là hai nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận. Để đánh giá chính xác kết quả của trung tâm lợi nhuận, chúng ta cần xác định phạm vi chi phí mà nhà quản trị trung tâm có thể kiểm soát được rồi áp dụng phương pháp phân tích biến động chi phí như phương pháp áp dụng ở các trung tâm chi phí. Riêng chỉ tiêu doanh thu, cần đánh giá ở các khía cạnh sau:

+ Trung tâm có đạt được mức tiêu thụ dự toán hay không? + Trung tâm có thực hiện giá bán đúng như dự toán hay không?

+ Trung tâm có thực hiện cơ cấu hàng bán đúng như dự toán hay không? (trường hợp kinh doanh nhiều loại sản phẩm).

Khi đánh giá chênh lệch giữa doanh thu thực hiện so với doanh thu dự toán, ta cần tiến hành phân tích xác định các nhân tố ảnh hưởng, trên cơ sở đó xác định các nguyên nhân chủ quan và khách quan làm biến động doanh thu.

Ngoài ra, còn có thể sử dụng các chỉ tiêu như số dư bộ phận; tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu; tỷ suất doanh thu trên chi phí; … để đánh giá thành quả hoạt động của các trung tâm lợi nhuận.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến công tác kế toán trách nhiệm tại các công ty điện lực trên địa bàn thành phố hồ chí minh​ (Trang 35 - 37)