Trung tâm đầu tư (Investment Centers)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến công tác kế toán trách nhiệm tại các công ty điện lực trên địa bàn thành phố hồ chí minh​ (Trang 37 - 39)

CHƯƠNG 1 : TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

2.3 Nội dung tổ chức KTTN

2.3.2.4 Trung tâm đầu tư (Investment Centers)

Đây là loại trung tâm trách nhiệm gắn với bậc quản lý cấp cao như Hội đồng quản trị công ty, các công ty con độc lập, …. Đó là sự tổng quát hóa của các trung tâm lợi nhuận trong đó khả năng sinh lời được gắn với các tài sản được sử dụng để tạo ra lợi nhuận đó. Một trung tâm trách nhiệm được xem là một trung tâm đầu tư khi nhà quản trị của trung tâm đó không những quản lý chi phí và doanh thu mà còn quyết định lượng vốn sử dụng để tiến hành quá trình đó.

Về bản chất có thể xem trung tâm đầu tư là một dạng mở rộng của trung tâm lợi nhuận, trong đó nhà quản trị có nhiều quyền hạn và trách nhiệm hơn, vì ngoài việc đưa ra các quyết định ngắn hạn như xác định cơ cấu sản phẩm, giá bán, chi phí sản phẩm, … họ còn có quyền kiểm soát và đưa ra các quyết định về vốn đầu tư của DN. Vì vậy về mặt hiệu quả hoạt động của trung tâm đầu tư có thể được đo lường giống như trung tâm lợi nhuận, nhưng về hiệu năng hoạt động thì cần có sự so sánh lợi nhuận đạt được với tài sản hay giá trị đã đầu tư vào trung tâm. Các chỉ tiêu cơ bản có thể sử dụng để đánh giá hiệu năng hoạt động của trung tâm đầu tư như: Tỷ suất hoàn vốn đầu tư (ROI); Lãi thặng dư (RI); Giá trị thị trường của tài sản của DN

* Tỷ suất hoàn vốn đầu tư (Return on Investment - ROI)

- Khái niệm về tỷ lệ hoàn vốn đầu tư: Là tỷ số giữa lợi nhuận thuần trên vốn đầu tư đã bỏ ra, hay theo Du Pont thì ROI còn được phân tích là tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu nhân với vòng quay của vốn đầu tư.

- Mục tiêu sử dụng chỉ số tỷ lệ hoàn vốn đầu tư:

+ Mục tiêu đầu tiên của việc sử dụng ROI là việc đánh giá hiệu quả đầu tư của các trung tâm đầu tư và các DN có các quy mô vốn khác nhau, để phân tích xem nơi nào đạt hiệu quả cao nhất, từ đó làm cơ sở đánh giá thành quả quản lý.

+ Mục tiêu thứ hai khi sử dụng ROI để tìm ra các nhân tố tác động đến hiệu quả quản lý nhằm tìm ra các giải pháp để làm cho kết quả hoạt động được tốt hơn. Đó là các biện pháp cải thiện doanh thu, kiểm soát chi phí hay tính lại cơ cấu vốn đầu tư.

Lợi nhuận Lợi nhuận Doanh thu

ROI = = x (2.1) Vốn đầu tư Doanh thu Vốn đầu tư

Hay: ROI = Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu x Số vòng quay của vốn đầu tư

Lợi nhuận được sử dụng trong công thức là lợi nhuận thuần trước thuế thu nhập. Lý do sử dụng lợi nhuận thuần là để phù hợp với doanh thu và vốn hoạt động đã tạo ra nó và để xác định vòng quay vốn. Vốn hoạt động được sử dụng trong ROI ở điều kiện bình thường là vốn bình quân giữa đầu năm và cuối năm. Nếu vốn trong năm biến động liên tục thì phải tính bình quân từng tháng hoặc bình quân gia quyền.

Lãi thặng dư (Residual Income – RI)

Khái niệm về lãi thặng dư:

Lãi thặng dư (hay lợi tức còn lại) là khoản thu nhập của bộ phận hay toàn DN được trừ đi chi phí sử dụng vốn mong đợi đã đầu tư vào bộ phận đó. Chỉ số này nhấn mạnh thêm khả năng sinh lời vượt trên chi phí vốn đã đầu tư vào một bộ phận hay toàn DN.

- Mục đích sử dụng của chỉ số lãi thặng dư - RI:

Thứ nhất của việc sử dụng chỉ số RI là cho biết lợi nhuận thực tế đã mang về là bao nhiêu sau khi trừ đi các khoản chi phí sử dụng vốn để có được lợi nhuận trên. Thứ hai của việc sử dụng chỉ số RI là cho biết có nên đầu tư gia tăng hay không mà khi sử dụng chỉ số ROI không đủ cơ sở để quyết định.

Công thức tính của RI: RI = P – R (2.2) Với: RI: Lãi thặng dư (Residual Income);

P: Lợi tức của trung tâm đầu tư (Profits)

R = ∑ri * Ci

(trong đó R: chi phí sử dụng vốn bình quân; Ci Vốn đầu tư (Capital) huy động từ nguồn i; ri: tỷ suất sinh lời mong muốn tối thiểu của nguồn i).

Hay: Lãi thặng dư (RI) = Lợi tức của trung tâm đầu tư – (Vốn đầu tư x Tỷ suất chi phí vốn)

Sử dụng chỉ tiêu lãi thặng dư làm thước đo kết quả bộ phận có ưu điểm là đánh giá đúng kết quả của các trung tâm đầu tư vì chỉ tiêu này đã đặt các trung tâm

đầu tư lên cùng một mặt bằng so sánh. Ngoài ra, lãi thặng dư còn khuyến khích các nhà quản trị bộ phận chấp nhận bất kỳ cơ hội kinh doanh nào được dự kiến sẽ mang lại ROI cao hơn ROI bình quân.

Tuy nhiên, RI cũng có nhược điểm là do RI là một chỉ tiêu được thể hiện bằng số tuyệt đối nên không thể sử dụng RI để so sánh thành quả quản lý của các nhà quản trị ở các trung tâm đầu tư có tài sản được đầu tư khác nhau. Vì trong thực tế, nếu dùng RI đánh giá thì RI thường có khuynh hướng lạc quan nghiêng về những nơi có quy mô vốn lớn.

Như vậy, để đánh giá kết quả của trung tâm đầu tư, nhà quản trị cần sử dụng kết hợp các chỉ tiêu cơ bản như ROI, RI với việc xem xét mức chênh lệch trong việc thực hiện các chỉ tiêu giữa thực tế so với kế hoạch.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến công tác kế toán trách nhiệm tại các công ty điện lực trên địa bàn thành phố hồ chí minh​ (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)