5. Kết cấu của luận văn
1.2. Cơ sở thực tiễn về quản trị nguồn nhân lực
1.2.1. Kinh nghiệm của công ty Ericsson, Thụy Điển
Năm 2018 đánh dấu 25 năm Ericsson chính thức có mặt tại Việt Nam và luôn là đối tác tin cậy của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu như VNPT, VMS-MobiFone, Vinaphone, Viettel. Vì vậy, khi các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nỗ lực đáp ứng nhu cầu của hơn 40 triệu thuê bao di động và chuẩn bị năng lực phát triển kỹ thuật 3G, Ericsson cũng không ngừng trau dồi năng lực chuyên môn và yếu tố con người để luôn xứng đáng là đối tác tin cậy nhất của họ.
Là tập đoàn toàn cầu mang quốc tịch Thụy Điển với 139 năm kinh nghiệm, có mặt ở hơn 175 quốc gia, giờ đây Ericsson đã trở thành nhà cung cấp hàng đầu thế giới về thiết bị viễn thông và các dịch vụ dành cho các nhà khai thác mạng di động và cố định. Hiện tại hơn 1.000 mạng tại 175 quốc gia đã và đang sử dụng các thiết bị và hệ thống của Ericsson, đảm bảo vận hành tốt cho 40% số cuộc gọi di động. Song hành với Ericsson, liên doanh Sony Ericsson không ngừng phát triển nhằm cung cấp các thiết bị máy di động và các dịch vụ đa phương tiện, nhằm tạo nên một thế giới truyền thông đa dạng và phong phú.
Văn hóa tại Ericsson được chi phối bởi ba giá trị cốt lõi: Sự Tôn Trọng, Tính Chuyên Nghiệp và Lòng Kiên Trì.
Ericsson là tập đoàn Thụy Điển mang đậm nét Văn hóa Bắc Âu. Điều này chi phối mạnh mẽ giá trị văn hóa của công ty, thể hiện rõ nét qua môi trường làm việc của Ericsson. Tại đây giá trị con người được đặc biệt coi trọng, thể hiện qua mối quan hệ công việc với khách hàng, đối tác và giữa các nhân viên với nhau. Đặc thù của ngành viễn thông chính là động lực giúp cho nhân viên Ericsson luôn năng động và sáng tạo trong công việc.
Tính toàn cầu của Ericsson là một trong những yếu tố nổi bật ảnh hưởng đến quy trình làm việc, các phương tiện làm việc và phong cách làm việc của nhân viên. Ericsson tự hào là nơi nhân viên cùng nhau chia sẻ kiến thức và áp dụng những phương thức kinh doanh tốt nhất trong mọi khía cạnh của công việc. Tài sản quý báu của công ty chính là kinh nghiệm chuyên sâu và tính sáng tạo đổi mới không ngừng, thể hiện tính đi đầu của công ty ở các thị trường có các nền văn hóa đa dạng
khác nhau. Mỗi nhân viên luôn có một không gian rộng mở và độc lập để nuôi dưỡng tính sáng tạo, xây dựng nên những phương thức làm việc hiệu quả phù hợp với tính chất địa phương của mỗi thị trường và khách hàng khác nhau.
Đặc biệt, vấn đề lương, thưởng và cơ hội thăng tiến luôn được xem là cách thức hiệu quả để công nhận xứng đáng và kịp thời những cá nhân xuất sắc mang đến nhiều đóng góp to lớn cho công ty.
Ericsson không dừng lại là một tập đoàn cung cấp thuần túy các thiết bị viễn thông. Ở phạm vi toàn cầu, Ericsson còn là nhà cung cấp các giải pháp về dịch vụ viễn thông và truyền thông đa phương tiện. Đối với thị trường Việt Nam, đây là hai mảng kinh doanh mới đầy tiềm năng phát triển trong tương lai. Do đó, những ai làm việc ở Ericsson sẽ có rất nhiều cơ hội phát huy khả năng của mình. Việc trau dồi năng lực, chuyển giao kinh nghiệm và đào tạo con người được ban giám đốc Ericsson đặc biệt xem trọng để gìn giữ và thu hút nhân tài. Mục tiêu chiến lược của công ty là thu hút các ứng viên giỏi nhiều kinh nghiệm lẫn các tài năng trẻ chưa có kinh nghiệm nhưng tràn đầy nhiệt huyết đóng góp cho sự phát triển lớn mạnh của công ty.
Đứng trước sự phát triển vũ bão của ngành viễn thông, nhân viên Ericsson luôn được tạo điều kiện để theo kịp xu hướng phát triển của ngành, của công nghệ hiện đại nhằm phát huy năng lực và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tương lai. Các nhân viên được khuyến khích tham gia chương trình Học Mỗi Ngày nhằm trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết cho công việc. Mỗi ngày nhân viên luôn thấy có nhu cầu học hỏi những điều mới lạ để có thể vượt qua những khó khăn thử thách. Điều đó đã nuôi dưỡng lòng đam mê chiến thắng và hoài bão thăng tiến ở mỗi nhân viên. Đối với những lĩnh vực kinh doanh mới, Ericsson tạo ra những diễn đàn như Multimedia Campus để tất cả nhân viên của công ty trên toàn cầu có thể gặp gỡ và chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm. Nhân viên còn rất quan tâm đến một chương trình đặc biệt của công ty: mời các chuyên gia danh tiếng từ Trường Kinh doanh Havard thực hiện những bài giảng truyền hình trực tuyến theo chuyên đề. Nhờ đó nhân viên Ericsson có thể học và đối thoại trực tiếp ngay từ máy tính làm việc của họ.
Đặc biệt, từ năm 2007 là năm đầu tiên Ericsson Việt Nam tuyển dụng các sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học Bách Khoa (tại Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh). Các tân cử nhân được tuyển ngay sau đó đã tham gia chương trình đào tạo như các khóa đào tạo chuyên đề trên Web tại các trung tâm đào tạo vùng hay toàn cầu của Ericsson và đồng thời được đào tạo trong quá trình trực tiếp tham gia các dự án đang triển khai.
Một trong những yếu tố chính tạo nên thành công ngày hôm nay của Ericsson chính là sự đa dạng về văn hóa. Mỗi quốc gia nơi Ericsson hoạt động đều mang bản sắc, tính linh hoạt và sáng tạo riêng. Đó là nhờ công ty khuyến khích nhân viên thoải mái chia sẻ ý kiến một cách thẳng thắn và cởi mở, mang tính xây dựng. Ngoài các đối thoại thông thường giữa nhân viên và người quản lí, công ty đã triển khai thành công hai chương trình được nhân viên hưởng ứng hết mình. Đó là chương trình khảo sát đối thoại thường niên (Dialogue Survey) dành cho 75.000 nhân viên Ericsson trên toàn cầu về mọi khía cạnh của công việc. Tiếp theo là chương trình đánh giá năng lực cá nhân diễn ra ít nhất 2 lần mỗi năm giữa cấp quản lý và nhân viên Ericsson ở từng quốc gia. Các tiêu chí đánh giá được cụ thể hóa và định lượng nhằm đảm bảo tính chính xác và khoa học, là cơ sở để công ty đưa ra những điều chỉnh kịp thời và phù hợp nhất. Các nhân viên xem đây là dịp để họ bày tỏ quan điểm một cách thẳng thắn và mang tính xây dựng nhất.
Hàng tháng, ban giám đốc công ty tổ chức bình chọn và khen thưởng những cá nhân xuất sắc nhất qua chương trình “Nhân viên của tháng”. Ngoài ra, mỗi khi nhân viên thực hiện thành công các dự án lớn, công ty đều tổ chức Lễ rung chuông vàng ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để chúc mừng và ghi nhận những thành tích xuất sắc của các cá nhân và toàn tập thể. (Đào Thị Phương, 2015)