Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.4. Giải pháp sản xuất cung cấp rau đáp ứng nhu cầu tiêu dùng rau an toàn
TIÊU DÙNG RAU AN TOÀN
4.4.1 Mở rộng quy mô vùng sản xuất rau an toàn cung cấp cho thành phố
Hiện nay, nguồn cung cấp rau an toàn cho người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn thiếu và chưa thực sự được người tiêu dùng tin tưởng. Chính bởi vậy, thành phố cần quy hoạch và xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn tại các huyện ngoại thành của Hà Nội. Để thực hiện mục tiêu trên thành phố cần hỗ trợ:
(1) Lập quy hoạch các vùng sản xuất RAT để những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của thành phố tập trung hơn.
(2) Cần vận động khuyến khích người dân chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả sang trồng rau an toàn, mở rộng quy mô diện tích trồng rau an toàn.
(3) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thủy lợi, nạo vét kênh mương trên các cánh đồng để người dân có đủ nước tưới, thuận lợi cho sản xuất rau an toàn.
(4) Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất RAT cho người dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm sản xuất RAT.
(5) Hỗ trợ phát triển thương hiệu RAT, đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm RAT của các vùng sản xuất.
4.4.2. Xây dựng hệ thống phân phối rau an toàn trên địa bàn thành phố
Xây dựng chuỗi gắn kết từ nhà sản xuất tới các siêu thị, các cửa hàng bán RAT trên địa bàn toàn thành phố.
Trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội hiện nay ngoài những điểm bán RAT tại các ở siêu thị đã có các cửa hàng bán rau an toàn tại các chợ và các khu
dân cư. Tuy nhiên số lượng các điểm bán RAT còn chưa nhiều, bố trí chưa hợp lý do vậy chính quyền địa phương cần phải xây dựng thêm các cửa hàng rau an toàn trên địa bàn các quận với nhiều chủng loại rau an toàn được cung cấp hơn. Và, các cửa hàng rau an toàn nên được phân phối đồng đều giữa các phường, các khu dân cư trong nội thành. Tiến hành bố trí các điểm bán RAT tại tất cả các chợ dân sinh trên địa bàn các phường.
Ngoài ra, chính quyền cũng có thể kêu gọi các cá nhân xây dựng các quầy hàng bán rau an toàn trong chợ với điều kiện các quầy hàng, cửa hàng bán rau an toàn phải có giấy chứng nhận rau an toàn của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Nếu chính quyền có thể tiến hành xây dựng được hệ thống rau an toàn như vậy thì sẽ rất thuận tiện cho người tiêu dùng muốn sử dụng rau an toàn. Họ không phải đi quá xa, thực hiện các hình thức thanh toán phức tạp mà vẫn có thể mua được rau an toàn và các sản phẩm khác.
4.4.3. Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về rau an toàn
Thực tế cho thấy rằng, sự hiểu biết của người tiêu dùng về rau an toàn được nâng cao thì họ sẽ có khả năng tự tìm đến những sản phẩm rau an toàn được đảm bảo về chất lượng và không bị các nhà kinh doanh rau an toàn lừa dối. Nhưng nhận thức về rau an toàn của người tiêu dùng nội thành Hà Nội vẫn còn kém. Do đó, cần phải có những biện pháp nhằm cung cấp đầy đủ những kiến thức và hiểu biết về rau an toàn đến với tất cả người tiêu dung trong và ngoài thành phố.
Trước hết chính quyền địa phương cần phải cử những cán bộ có hiểu biết về rau an toàn tập huấn cho những người đại diện của mỗi phường được cử đi tham dự lớp học. Sau đó, những người đại diện của phường có thể về địa phương mình tổ chức các hình thức tuyên truyền khác nhau. Một là, trong các buổi họp tổ dân phố, các cán bộ có thể thuyết trình những hiểu biết của mình cho người dân. Hai là, chính quyền địa phương cũng có thể làm những tờ rơi về rau an toàn và gửi đến cho người dân.
Thứ hai: với vai trò của mình nhà nước, các cơ quan chức năng có thể mở các trang thông tin chính thống về rau an toàn, công bố rộng rãi cho người dân để họ có thể vào trang web và tìm được những thông tin cần thiết về rau an toàn như quy trình sản xuất, các tiêu chuẩn đánh giá rau an toàn, hệ thống phân phối rau an toàn giúp người tiêu dùng có thể tìm mua một cách dễ dàng. Ngoài ra, tăng cường thêm các chương trình trên ti vi nói về rau an toàn và được chiếu vào khung giờ hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận được với thông tin.
Thứ ba: đối với các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp rau an toàn cần phải tiến hành xây dựng thương hiệu cho nhãn hiệu rau an toàn của tổ chức, doanh nghiệp mình. Từ đó, tổ chức, doanh nghiệp có những biện pháp để tuyên truyền, quảng bá nhãn hiệu của mình đến với người tiêu dùng. Như vậy, người tiêu dùng cũng sẽ tiếp cận được với một lượng thông tin, kiến thức về rau an toàn nhất định.
Thứ tư: đối với bản thân người tiêu dùng rau an toàn phải tự có ý thức tìm hiểu về rau an toàn để có thể phân biệt được rau thường và rau an toàn, tránh mua nhầm rau thường và cũng là để họ có thể bảo vệ chính mình và gia đình của họ.
4.4.4. Xây dựng lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm rau an toàn
Để xây dựng được lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm rau an địa phương cần phải xây dựng một số giải pháp:
Một là, xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn có quy mô lớn nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường về rau an toàn và giúp người dân có thể trực tiếp thăm các mô hình sản xuất, qua đó xây dựng được lòng tin với người tiêu dùng về sản phẩm rau an toàn.
Hai là, chính quyền địa phương phải xây dựng được đội ngũ cán bộ kiểm tra chất lượng rau an toàn đáng tin cậy, và làm việc công tâm ở các khu chợ. Rau an toàn phải được kiểm tra chất lượng trước khi đem bán vào mỗi buổi sáng. Các siêu thị, cửa hàng bán rau an toàn phải có giấy chứng nhận rau an toàn và các thủ tục hành chính đúng theo pháp luật.
Ba là, các doanh nghiệp, tổ chức cung ứng rau an toàn trên thị trường thì nên xây dựng cho sản phẩm rau an toàn của doanh nghiệp, tổ chức mình một thương hiệu. Thương hiệu như một bảo chứng cho sản phẩm rau an toàn của doanh nghiệp, tổ chức. Đồng thời, thương hiệu cũng là một yếu tố làm tăng lòng tin của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp, tổ chức cung ứng rau an toàn.
Ngoài ra, sự hiểu biết của người tiêu dùng đối với rau an toàn cũng đóng góp một phần không nhỏ vào việc xây dựng lòng tin của họ đối với sản phẩm rau an toàn. Người tiêu dùng am hiểu về rau an toàn có thể ít nhiều phân biệt được rau an toàn với các loại rau khác. Như vậy, với những cửa hàng, siêu thị bán rau an toàn đảm bảo đúng chất lượng cũng sẽ lấy được niềm tin từ phía người tiêu dùng. Trái lại, những cửa hàng, siêu thị buôn bán lừa đảo, tráo đổi rau an toàn và rau thường thì người tiêu dùng cũng có thể dễ dàng nhận được ra.