Tổng quan về chủ trương, chính sách có liên quan đến thương lái

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu hoạt động của thương lái trong chuỗi giá trị gạo xuất khẩu tại tỉnh đồng tháp (Trang 31 - 34)

Phần 1 Mở đầu

2.2. Cở sở thực tiễn

2.2.1. Tổng quan về chủ trương, chính sách có liên quan đến thương lái

Qua nghiên cứu cho thấy chưa có chủ trương, chính sách nào tác động trực tiếp tới đối tượng là thương lái. Hiện nay, có một số chính sách ảnh hưởng gián tiếp tới thương lái bao gồm:

- Liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trên cánh đồng mẫu lớn

Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện, mối liên kết “4 nhà” vẫn chưa thắt chặt như mong muốn, các mối liên kết dọc và ngang hình thành và phát triển khó khăn. Về tính pháp lý, hợp đồng bao

tiêu nông sản thể hiện tính pháp lý thấp, chưa ràng buộc rõ ràng giữa người bán và người mua. Trong khi đó, vai trò liên đới giữa “4 nhà” lại thiếu chặt chẽ và chưa mang tính đồng bộ. Nhà nước chưa có chế tài cụ thể nên khó xử lý khi xảy ra vi phạm hợp đồng giữa các bên. Vì thế, còn xảy ra tình trạng doanh nghiệp và người sản xuất phá vỡ hợp đồng khi có sự biến động về giá, thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, mặt hạn chế của chính sách là chú trọng thúc đẩy phát triển sản xuất hơn là tiếp cận thị trường; tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; thiếu vốn; tập quán canh tác lạc hậu; trình độ học vấn thấp nên tiếp cận khoa học còn nhiều hạn chế; thiếu kinh nghiệm sản xuất, đặc biệt là năng lực quản lý kinh tế hộ, kinh tế tập thể của người sản xuất, các tổ, nhóm, hợp tác xã cũng ảnh hưởng rất lớn đến các mô hình liên kết.

Để khắc phục hạn chế, bất cập của Quyết định 80, ngày 25/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn thay cho Quyết định số 80. Chính sách này có nhiều điểm mới, trong đó nhấn mạnh ưu tiên phát triển mô hình liên kết theo dạng cánh đồng mẫu lớn trong chiến lược phát triển các vùng nông sản chủ lực tập trung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL đã ký biên bản ghi nhớ về việc liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo trên cánh đồng mẫu lớn. Theo đó, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VFA và Cục Trồng trọt cùng phối hợp sản xuất và xuất khẩu gạo. VFA sẽ đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đảm trách cung ứng vật tư đầu vào, đặt hàng người sản xuất trồng lúa xuất khẩu, đồng thời cam kết tiêu thụ hết lúa hàng hóa trong vùng nguyên liệu theo giá thị trường, tổ chức hệ thống thương lái, làm thương hiệu cho gạo xuất khẩu. Cục Trồng trọt đảm nhận trách nhiệm kiểm tra các quy trình sản xuất, phối hợp với các bên xác định bộ giống lúa xuất khẩu cho từng vùng nguyên liệu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh lo quy hoạch vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất, giám sát thực hiện hợp đồng giữa người người sản xuất và doanh nghiệp, tổ chức liên kết người sản xuất, phát triển các hình thức hợp tác xã. Chính phủ chỉ đạo thành lập Quỹ hỗ trợ liên kết sản xuất và xuất khẩu gạo theo đề nghị của Hiệp hội lương thực Việt Nam, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp.

Tuy nhiên, đến nay thì Quyết định 62 vẫn chưa đi vào cuộc sống vì nguyên nhân chủ yếu do khó khăn trong việc xác định tiêu chí “cánh đồng lớn” và tiêu chí “hỗ trợ” do sự khác nhau về năng lực và cách thức sản xuất lúa gạo giữa các vùng, miền; nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ là rất hạn chế cũng như thủ tục triển khai phức tạp; sự bất ổn do chưa điều hòa được lợi ích của “4 nhà”. Mặt khác, các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vì: khả năng sinh lời thấp, thu hồi vốn chậm, rủi ro về thị trường, sản phẩm không đồng nhất, khó bảo quản và chế biến, thiên tai, dịch bệnh và “uy tín” của người sản xuất.

- Thu mua tạm trữ lúa gạo

Từ năm 2009 đến nay, Chính phủ thực hiện chính sách thu mua tạm trữ lương thực trong các thời điểm thu hoạch rộ lúa gạo tại ĐBSCL trong thời điểm giá lúa xuống thấp, không đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất. Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vay ngân hàng cho các doanh nghiệp trong diện được thu mua tạm trữ trong khoảng thời gian từ 3-6 tháng. Trong 6 năm thực hiện vừa qua, chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo đã có những mặt tích cực đến thị trường. Thương lái lúa gạo cũng được hưởng lợi gián tiếp từ chính sách này, thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo từ người sản xuất, nhu cầu từ các doanh nghiệp tăng lên trong một thời điểm nhất định sẽ giúp cho thương lái hoạt động tích cực, nâng cao hiệu quả tài chính.

- Liên kết thương lái với doanh nghiệp lương thực

Từ tháng 03/2010, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đã hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện thí điểm phương án liên kết với thương lái trên địa bàn nhằm quản lý, kiểm soát giá, bình ổn thị trường và bảo đảm lợi ích cho người sản xuất. Theo báo cáo tổng kết của VFA (2012), đến năm 2011, có 15 doanh nghiệp lương thực liên kết với gần 1.900 đầu mối, trong đó, hơn 1.400 thương lái. Từ vụ Đông Xuân 2009-2010 đến vụ Hè Thu năm 2011, gần 500 hàng xáo và cơ sở xay xát cung ứng cho doanh nghiệp gần 500.000 tấn gạo. Đã có tổng cộng 1.426 hàng xáo tham gia ký kết biên bản thỏa thuận mua bán lúa gạo cho doanh nghiệp. Mô hình tổ chức liên kết như thành lập Câu lạc bộ những nhà cung ứng lúa gạo, với các hội viên đăng ký và hoạt động theo điều lệ. Tổ chức hội nghị khách hàng, tập hợp lực lượng hàng xáo để phổ biến chủ trương liên kết và thiết lập mạng lưới vệ tinh thu mua lúa gạo gắn với hệ thống của doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu hoạt động của thương lái trong chuỗi giá trị gạo xuất khẩu tại tỉnh đồng tháp (Trang 31 - 34)