Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện gia lâm, hà nội (Trang 32 - 34)

Phần 1 Phần mở đầu

2.1. Cơ sở lý luận về quản lý nhà nước đối với chất thải rắn sinh hoạt

2.1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt

2.1.4.1. Chính sách của Nhà nước

Chính sách của Nhà nước có vai trò quan trọng đến việc quản lý nhà nước đối với chất thải rắn sinh hoạt. Chính sách của Nhà nước có vai trò định hướng, là điều kiện cơ sở đầu tiên trong việc quản lý chất thải nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng. Các chính sách này được thể hiện qua các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, chương trình cụ thể liên quan đến các công tác như quy hoạch, bộ máy quản lý, thu gom, xử lý,… chất thải rắn sinh hoạt. Tất cả các công tác này cần đảm bảo được thực hiện theo hệ thống thống nhất.

2.1.4.2. Ý thức, nhận thức của người dân, cộng đồng

Yếu tố thứ hai tác động trực tiếp tới việc quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt là ý thức, nhận thức của người dân, cộng đồng. Công tác thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt chỉ có thể được giải quyết khi có sự tham gia chủ động, tích cực của mỗi người dân, của cả cộng đồng. Sự tham gia thể hiện ngay từ khi xác định các vấn đề, các biện pháp, cách thức cụ thể giải quyết các vấn đề môi trường

quyền làm chủ và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo cho họ quyền được sống trong một môi trường trong lành, sạch, đẹp, được hưởng những lợi ích do môi trường đem lại. Để làm được việc này, cần vận động, tuyên truyền và thậm chí cưỡng chế người dân tiến hành phân loại rác tại nguồn, bỏ rác đúng nơi quy định, nộp phí VSMT.

2.1.4.3. Cơ sở hạ tầng

Điều kiện cơ sở hạ tầng có tác động lớn đến việc quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt. Nếu điều kiện hạ tầng phát triển, hệ thống đường sá, giao thông thuận tiện sẽ giúp công tác thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả hơn. Ngược lại, nếu cơ sở hạ tầng thấp kém như đường giao thông nhỏ thì sẽ gây khó khăn cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải đến địa điểm tập kết và xử lý.

2.1.4.4. Đặc điểm địa hình và phân bố dân cư

Bên cạnh đó, sự phân bố dân cư và đặc điểm địa hình của từng địa phương cũng tác động không nhỏ tới quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt. Dân cư phân bố không tập trung, địa hình phức tạp sẽ làm tăng chi phí thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

2.1.4.5. Trình độ khoa học kỹ thuật công nghệ

Một yếu tố khác tác động đến quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt chính là trình độ khoa học kỹ thuật công nghệ, bao gồm công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hệ thống công nghệ thông tin quản lý,… Đây là một yếu tố quan trọng vì nếu các công tác trước xử lý như: quy hoạch, phân loại, thu gom,… dù có làm tốt đến đâu như không được xử lý đúng cách thì việc quản lý về chất thải rắn sinh hoạt cũng không được coi là đạt hiệu quả. Công nghệ xử lý rác thải nói chung và CTRSH nói riêng hiện đại sẽ giúp bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí, thậm chí tạo ra được những lợi ích kinh tế với các công nghệ tái chế, ủ rác thải tạo phân bón....

Ngoài các yếu tố trên, trình độ của cán bộ quản lý cũng có ảnh hưởng đến việc quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt. Tất cả các công tác của QLNN về CRTSH đều cần được quản lý, giám sát thực hiện một cách chặt chẽ. Các cán bộ có trình độ giỏi sẽ đưa ra những phương án quy hoạch hợp lý; những ý tưởng, kế hoạch thực hiện công việc phù hợp; kiểm soát, tạo động lực cho nhân viên, người dân thực hiện trách nhiệm của mình, từ đó tạo hiệu quả trong quản lý CTRSH.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện gia lâm, hà nội (Trang 32 - 34)