Phần 1 Mở đầu
2.2. Cơ sở thực tiễn về công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông
2.2.3. Các nghiên cứu có liên quan đến đề tài
Ở Việt Nam, Giáo dục hướng nghiệp tuy được xếp ngang tầm quan trọng với các mặt giáo dục khác như đức dục, trí dục, thể dục, mỹ dục nhưng bản thân nó lại rất non trẻ, mới mẻ cả về nhận thức, lý luận và thực tiễn, rất thiếu về lực lượng, không mang tính chuyên nghiệp... Vì vậy, việc thực hiện không mang lại nhiều hiệu quả. Vấn đề hướng nghiệp chỉ thực sự nóng lên và được xã hội quan tâm khi nền kinh tế đất nước bước sang cơ chế thị trường với sự đa dạng của các ngành nghề và nhu cầu rất lớn về chất lượng nguồn nhân lực cũng như khi đến kỳ thi đại học, cao đẳng trên cả nước. Nhìn chung, công tác hướng nghiệp nói chung và quản lý hoạt động hướng nghiệp ở nhà trường phổ thông nói riêng còn khá mới mẻ cả về mặt lý luận lẫn hoạt động thực tiễn. Phải đến những năm 1970, 1980 thì khoa học hướng nghiệp ở Việt Nam mới có những bước phát triển mạnh mẽ với những nghiên cứu chủ yếu về công tác hướng nghiệp. Đặc biệt phải kể tới sự đóng góp của các tác giả như: Phạm Tất Dong, Đặng Danh Ánh, Nguyễn Minh Đường, Nguyễn Văn Hộ ...
Đặc biệt, GS. Phạm Tất Dong là người có những đóng góp rất lớn cho GDHN Việt Nam, ông đã dày công nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn cho GDHN như xác định mục đích, ý nghĩa, vai trò của hướng nghiệp; hứng thú, nhu cầu và động cơ nghề nghiệp; hệ thống các quan điểm, nguyên tắc hướng nghiệp, các nội dung, phương pháp, biện pháp GDHN... góp phần điều chỉnh việc chọn nghề của thanh niên theo hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Bởi vì theo tác giả, đất nước đang trong giai đoạn đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH, trong quá trình CNH-HĐH, cơ cấu kinh tế sẽ chuyển theo hướng giảm tỉ trọng nông nghiệp, tăng tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ. Xu hướng chọn nghề của thanh niên phù hợp với xu hướng chuyển cơ cấu kinh tế là một yêu cầu của công nghiệp hóa.
GS. Nguyễn Văn Hộ cũng là một trong những người rất tâm đắc và nghiên cứu chuyên sâu về GDHN. Tác giả đã xây dựng được luận chứng cho hệ thống GDHN trong điều kiện phát triển KT-XH của đất nước. Tác phẩm “Hoạt động GDHN và giảng dạy kỹ thuật trong trường THPT” của tác giả và Nguyễn Thị Thanh Huyền năm 2006 đã hệ thống hóa các cơ sở lý luận nền tảng về hướng nghiệp và GDHN, xây dựng hệ thống nguyên tắc, phương pháp và những hình thức GD kỹ thuật trong trường THPT.
Công trình nghiên cứu “GDHN ở trường phổ thông trong giai đoạn hiện nay” năm 2008 của tác giả Nguyễn Phúc Chỉnh đã đi sâu nghiên cứu về việc cần thiết phải đổi mới GDHN trong trường phổ thông và đã đưa ra các định hướng đổi mới như đổi mới mục tiêu GDHN, đổi mới phương thức GDHN, đổi mới nội dung GDHN trong đó nhấn mạnh GDHN là quá trình dạy học có chủ đích, phục vụ mục tiêu làm thay đổi một cách lâu bền vị thế của người học để họ có thể hoàn thành các yêu cầu nghề nghiệp. Do đó, trong đào tạo nghề hay trong dạy học các môn học ở trường phổ thông, GV đều có nhiệm vụ phải thực hiện chủ đích này.
Trước nhu cầu đổi mới CTHN trong nhà trường phổ thông phục vụ mục đích phát triển KT-XH tại các địa phương. Nhiều nghiên cứu về công tác QL HĐHN đồng thời cũng là luận án Tiến sĩ hoặc luận văn Thạc sĩ GD học, QLGD đã được thực hiện. Chẳng hạn như các đề tài luận văn Thạc sĩ “Biện pháp quản lý hoạt động GDHN của Hiệu trưởng các trườngTHPT tỉnh Quảng Ngãi” của tác giả Hồ Tấn Yên ở Đại học Đà nẵng, đề tài “Thực trạng và một số biện pháp quản lý hoạt động GDHN ở các trường THCS tại quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh” của tác giả Phạm Ngọc Trân (2012), công trình “Biện pháp tổ chức hoạt động GDHN cho HS THPT miền núi Tây Bắc” của tác giả Nguyễn Thị Nhung ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (2009); công trình “Quản lý GDHN THPT tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020” của tác giả Hồ Văn Thống ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Đặc biệt, cuối năm 2012, Tổ chức Hợp tác phát triển và Hỗ trợ kĩ thuật vùng Flamăng - Vương quốc Bỉ (VVOB) đã xuất bản tài liệu “QLHN ở cấp trung học”, tài liệu được biên soạn trong khuôn khổ Chương trình HN mà tổ chức VVOB Việt Nam và hai tỉnh Quảng Nam và Nghệ An đang hợp tác thực hiện nhằm góp phần nâng cao kiến thức, kĩ năng về HN và QLHN cho đội ngũ cán bộ QLHN của hai tỉnh. Ngoài việc cung cấp những kiến thức và kĩ năng cần thiết
trong CTHN, tài liệu lần đầu tiên đã trình bày một cách hệ thống lý luận về những kiến thức, kĩ năng cần thiết về lãnh đạo và QLHN ở cấp trung học.
Bên cạnh đó, đầu năm 2013, tổ chức VVOB Việt Nam cũng cho ra đời “Tài liệu bổ sung sách GV hoạt động GDHN lớp 10, 11, 12”. Tài liệu nhằm cập nhật, bổ sung các thông tin liên quan tới HĐHN và có hướng dẫn cụ thể nhằm giúp cho các GV không được đào tạo chuyên môn về hướng nghiệp có thể thực hiện tốt các giờ HĐHN theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT đồng thời thực hiện được các mục tiêu trong “Tầm nhìn hướng nghiệp” của hai tỉnh đã xây dựng trong dự án. Các tài liệu trên cùng với toàn bộ dự án Chương trình HN mà tổ chức VVOB - Việt Nam và hai tỉnh Quảng Nam và Nghệ An thực sự đã có tác động tốt đến tư duy và phương pháp tổ chức, QL HĐHN hiện nay của các địa phương. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu đã góp phần khái quát được thực trạng CTHN nói chung và công tác QL HĐHN nói riêng của các địa phương, vùng miền khác nhau, góp phần tích cực trong việc cải tiến HĐHN của các địa phương trong bối cảnh công tác GDHN của cả nước nói chung còn nhiều yếu kém và chậm đổi mới.