Các yếu tố thuộc về con người

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tạo động lực làm việc cho công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện cần giờ, thành phố hồ chí minh (Trang 41 - 44)

1.3.1.1. Đối với cá nhân

a. Động cơ, nhu cầu và lợi ích cá nhân

“Động cơ là sự phản ánh thế giới khách quan vào bộ óc con người, là những mục tiêu thúc đẩy hành động của con người nhằm thoả mãn nhu cầu và tình cảm của họ” [34]. Động cơ luôn gắn liền với nhu cầu của con người và hoạt động của mỗi cá nhân là thoả mãn những nhu cầu đòi hỏi của bản thân mỗi cá nhân đó.

Nguồn gốc động cơ hoạt động ở mỗi cá nhân được thấy rõ ở hệ thống nhu cầu của họ. Nhu cầu của con người tạo ra động cơ thôi thúc họ làm việc, thỏa mãn nhu cầu của mình đồng thời tạo ra giá trị cho tổ chức.

Trong quá trình quản lý người đứng đầu tổ chức cần phải nắm bắt được động cơ làm việc của người lao động để tìm biện pháp kích thích người lao động luôn có được động cơ làm việc tốt, phát huy hết khả năng, tăng năng suất lao động nhằm đạt được mục tiêu chung của tổ chức, đồng thời giúp từng cá nhân đạt được mục tiêu riêng của mình.

Nhu cầu là trạng thái cảm nhận được sự cần thiết của đối tượng đối với sự tồn tại và phát triển của mình và xuất hiện như là nguồn gốc tạo ra tính tích cực của hoạt động. Nhu cầu và sự thoả mãn nhu cầu chính là điều kiện nảy sinh động lực. Nhu cầu của mỗi cá nhân rất đa dạng và thay đổi liên tục theo thời gian, trong các nhu cầu đó nhu cầu nào đã chín muồi sẽ tạo động cơ mạnh nhất thúc đẩy con người hoạt động và cố gắng hoàn thành mục tiêu. Vai trò của nhà quản lý là phải nắm bắt được nhu cầu lớn nhất của nhân viên trong khoảng thời gian, không gian xác định, từ đó tìm các biện pháp thích hợp để vừa thỏa mãn nhu cầu vừa khuyến khích nhân viên nỗ lực làm việc.

42

Lợi ích là mức độ thỏa mãn nhu cầu của con người, nhu cầu và lợi ích có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, không có nhu cầu thì không có lợi ích hay lợi ích là hình thức biểu hiện của nhu cầu.

Tương ứng với nhu cầu vật chất và tinh thần có lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần. Giữa hai lợi ích này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó sự thỏa mãn lợi ích vật chất dễ hơn sự thỏa mãn lợi ích tinh thần.

Tương ứng với nhu cầu cá nhân và nhu cầu xã hội có lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp, mạnh mẽ nhất vì nó là biểu hiện cụ thể của sự đáp ứng nhu cầu cá nhân, là yếu tố tạo động lực làm việc và thông qua lợi ích cá nhân con người đạt được lợi ích tập thể. Mức độ thỏa mãn lợi ích càng lớn thì tạo ra động lực làm việc càng nhiều.

b. Mục tiêu cá nhân

Mục tiêu cá nhân là cái đích mà người lao động muốn đạt tới, nó định hướng nỗ lực, hành động và sự phấn đấu trong suốt cuộc đời của người lao động.

Mục tiêu nghề nghiệp là mục tiêu của cá nhân trên con đường sự nghiệp của họ, là một phần của mục tiêu cá nhân. Mục tiêu nghề nghiệp ảnh hưởng đến động lực của cá nhân ở các khía cạnh: mức độ rõ ràng của mục tiêu, độ khó của mục tiêu, sự xung đột về mục tiêu trong tổ chức.

Nếu hai mục tiêu này đồng thuận với nhau sẽ giúp viên chức có động lực làm việc, chủ động và có kế hoạch hoàn thành mục tiêu với hiệu quả cao nhất.

c.Năng lực của cá nhân

Năng lực cá nhân là yếu tố quan trọng nhất khẳng định vai trò, khả năng thực hiện mục tiêu của người lao động trong tổ chức và là cơ sở để các nhà quản lý bố trí công việc, sử dụng lao động một cách hợp lý và đạt hiệu quả cao nhất.

Yếu tố năng lực cá nhân tác động đến động lực làm việc theo hai hướng: nó có thể làm gia tăng hoặc làm giảm đi động lực làm việc của mỗi cá nhân trong tổ chức nếu năng lực của họ cao hơn hoặc thấp hơn sự đòi hỏi công việc mà họ nắm giữ. Vì vậy, việc đánh giá đúng năng lực và bố trí công việc hợp lý sẽ tạo được hiệu ứng tích cực đến quá trình thực hiện mục tiêu; giúp các nhà quản lý phát huy tối đa

43

động cơ làm việc của người lao động, tiết kiệm chi phí đào tạo, bồi dưỡng và đạt mục tiêu của tổ chức.

1.3.1.2. Yếu tố thuộc về người lãnh đạo

Hoạt động lãnh đạo quản lý vừa có tính khoa học vừa có tính nghệ thuật. Trong quá trình lãnh đạo quản lý cần có sự kết hợp giữa cái cũ và cái mới, người lãnh đạo cần phải kế thừa, học tập kinh nghiệm của người đi trước nhưng phải có tính sáng tạo, không rập khuôn, máy móc.

a. Phong cách điều hành của người lãnh đạo

Phong cách lãnh đạo là kiểu hoạt động đặc thù của người lãnh đạo được hình thành trên cơ sở kết hợp chặt chẽ và tác động qua lại biện chứng giữa yếu tố tâm lý chủ quan của người lãnh đạo và yếu tố môi trường xã hội trong hệ thống quản lý. Mỗi người lãnh đạo có một cá tính, một phong cách riêng với những môi trường khác nhau nên phong cách lãnh đạo rất đa dạng. Song về cơ bản có ba phong cách thường được sử dụng là: chuyên quyền, dân chủ và tự do. Mỗi phong cách đều có ưu, nhược điểm khác nhau và không có phong cách nào là tối ưu, vì vậy người lãnh đạo ngoài việc xây dựng cho mình một phong cách phù hợp với tổ chức cần phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều phong cách trong những hoàn cảnh khác nhau để phát huy cao nhất khả năng của bản thân trong thực tiễn điều hành tổ chức.

b. Nhân cách của người lãnh đạo

Nhân cách người lãnh đạo là sự thống nhất giữa đức và tài. Nói đến nhân cách của người lãnh đạo có một số vấn đề cần chú ý như năng lực tổ chức, phẩm chất nhân cách, phẩm chất đạo đức, phẩm chất tâm lý (sự năng động, sáng tạo, tính mạo hiểm, quyết đoán, khả năng thuyết phục và tập hợp con người…).

Trong giai đoạn hiện nay, người lãnh đạo muốn thành công và được xã hội thừa nhận phải đạt ba điều kiện, đó là: có tâm, có tài và có tầm. Người lãnh đạo có đủ cả ba yếu tố trên thường có phong cách làm việc dân chủ. Tập thể có được người lãnh đạo có Tâm - Tài - Tầm thường là tập thể đoàn kết, vững mạnh; người lao động trong tập thể sẽ tận tụy, trách nhiệm trong công việc được giao, có động lực to lớn để làm việc và cống hiến cho sự phát triển của tổ chức.

44

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tạo động lực làm việc cho công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện cần giờ, thành phố hồ chí minh (Trang 41 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)