1.2. Đánh giá công chức cấp xã
1.2.2. Mục đích, ý nghĩa của đánh giá công chức cấp xã
1.2.2.1. Mục đích
- Làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, hiệu quả công tác và triển vọng phát triển của công chức.
- Làm căn cứ để tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức.
- Phải bảo đảm tính khách quan, toàn diện, tính lịch sử - cụ thể; trên cơ sở thực hiện tự phê bình và phê bình; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; công khai đối với công chức được đánh giá.
- Phát huy đầy đủ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, lấy kết quả, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chủ yếu trong đánh giá công chức
* Có thể nói mục đích đánh giá công chức cấp xã hướng tới hai mục tiêu:
- Đối với cá nhân công chức cấp xã có nhận thức rõ về bản thân trong thực thi nhiệm vụ. Qua đánh giá, công chức có cơ hội nhìn lại bản thân đã làm được những gì, còn những gì chưa làm được, chưa hoàn thành...; từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân và có biện pháp khắc phục hạn chế, phát huy điểm mạnh, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Việc đánh giá, khen thương khách quan, vô tư, công bằng, đúng người, đúng việc sẽ khơi dậy lòng nhiệt tình, hăng say, gắn bó với công việc đối với mỗi cá nhân. Đồng thời cung cấp số liệu cụ thể cho việc khen thưởng, thăng tiến và kỷ luật.
- Đối với chính quyền cấp xã
Giúp người lãnh đạo chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu của công chức, tìm ra cách thức hữu hiệu để phát huy các lợi thế khác nhau của từng cá nhân, đặt họ vào những công việc phù hợp với sở trường và niềm yêu thích, đam mê. Thông qua đánh giá công chức, sẽ nhận thấy những khuyết điểm, hạn chế trong công tác tổ chức bộ máy, phân công công việc, trong kế hoạch hoạt động của cơ quan, những bất cập trong các quy định về công vụ, cán bộ, công chức; từ đó có những điều chỉnh hoặc kiến nghị bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn và sự vận động của xã hội. Đánh giá công chức cấp xã là cơ sở cho việc xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng công chức, nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu hụt trong kiến thức, kỹ năng thực thi công vụ hoặc phát triển tiềm năng của công chức. Từ công tác đánh giá cán bộ, công chức để có những đánh giá chung về toàn bộ tổ chức theo những tiêu chí khác nhau. “Kết quả đánh giá là căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào
tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức” [28].
1.2.2.2. Ý nghĩa của đánh giá
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” [21]. Đánh giá CC cấp xã có ý nghĩa rất quan trọng; có tác dụng rất tích cực đối với cả nền công vụ, cơ quan quản lý công chức và với cả công chức được đánh giá. Đánh giá CC cấp xã giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan cấp xã qua việc tạo ra môi trường cạnh tranh về chuyên môn, phát triển nhu cầu tự đào tạo. Từ đó các kết quả đạt được trong thực thi công vụ sẽ tạo ra các tác động tích cực đối với xã hội, tăng niềm tin đối với nhân dân. Thông qua đánh giá, công chức biết được ưu điểm, nhược điểm của mình để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, có động lực phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao; nhìn lại bản thân một cách khách quan và mỗi công chức sẽ có biện pháp để rèn luyện, khắc phục kịp thời những hạn chế đã được chỉ ra. Kết quả đánh giá nếu phản ánh chính xác kết quả của công chức thì họ sẽ có động lực, luôn tin tưởng vào tập thể, vào lãnh đạo. Qua đánh giá, người lãnh đạo nắm được chất lượng của từng công chức trong quá trình thực thi công vụ, làm cơ sở cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, bố trí để phát huy được tiềm năng đội ngũ cán bộ, công chức; là cơ sở để thực hiện đúng chính sách cán bộ, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức. Việc đánh giá này có ý nghĩa rất quan trọng. Do vậy việc đánh giá công chức cần phải công tâm, khách quan, toàn diện và tránh được những nhận xét - đánh giá có phần chủ quan, định kiến, cảm tính… khi đánh giá công chức; cần phải có sự kết hợp linh hoạt, sáng tạo các phương pháp đó để đạt hiệu quả trong đánh giá.