áp dụng một số kinh nghiệm đánh giá công chức cấp xã với huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng
1.5.1. Kinh nghiệm của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Năm 2017, lần đầu huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) tổ chức lấy ý kiến quần chúng vào quá trình đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của đội ngũ cán bộ công chức (CBCC) cấp xã. Chủ trương này xuất phát từ yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng và phát huy trách nhiệm, vai trò của đội ngũ CBCC trong công tác
Quá trình trên được huyện tổ chức chặt chẽ. Tại từng xã, cấp ủy, chính quyền phối hợp MTTQ phổ biến tới các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội những quy định, nguyên tắc, yêu cầu, nội dung về đánh giá mức độ hoàn thành chức trách trong năm đối với từng CBCC của xã. Hội nghị lấy ý kiến đánh giá CBCC do đại diện lãnh đạo xã và MTTQ chủ trì với sự tham gia của đại diện các tổ chức đoàn thể, tổ chức quần chúng từ xã đến thôn, được truyền thanh trực tiếp. Các đại biểu đóng góp ý kiến, bỏ phiếu tín nhiệm đánh giá mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ với từng CBCC của xã. Kết quả của
hội nghị là căn cứ quan trọng để cấp thẩm quyền kết luận, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm của CBCC.
Thực tế quá trình này cho thấy, đã tiếp nhận được ý kiến đánh giá thẳng thắn, khách quan về trách nhiệm, trình độ, phẩm chất, lối sống với từng CBCC qua một năm công tác. Quần chúng cũng đóng góp cho lãnh đạo địa phương nhiều sáng kiến, nội dung trong đổi mới công tác.
Từ đây, lãnh đạo huyện Thạch Hà rút ra nhiều kinh nghiệm quý trong phát huy dân chủ, vai trò của quần chúng trong giám sát, đánh giá CBCC; góp phần khắc phục tình trạng cục bộ, bè phái, “ưu ái” dòng họ… ở nhiều xã; bảo đảm tính khách quan, toàn diện, sát thực. Kết quả đánh giá phân loại đội ngũ CBCC cấp xã năm 2017 trở nên thực chất hơn, số lượng CBCC xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm giảm; mức độ hoàn thành nhiệm vụ tăng… Theo đại diện lãnh đạo huyện Thạch Hà cho biết, năm 2018 sẽ áp dụng mở rộng hình thức này trong đánh giá đội ngũ cán bộ bán chuyên trách cấp xã toàn huyện.
1.5.2. Kinh nghiệm của huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng
Từ năm 2013, hơn 100 công chức cấp xã, với 5/7 chức danh công chức cấp xã (trừ công an và chỉ huy trưởng quân sự) của huyện Hòa Vang đã bắt đầu thực hiện mô hình quy trình đánh giá kết quả làm việc của công chức cấp xã theo phương pháp 360 độ, đó là: Công chức tự đánh giá - đồng nghiệp đánh giá - Chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp đánh giá - hội đồng đánh giá.
Kết quả cuối cùng do chủ tịch UBND xã xem xét quyết định và thông báo đến công công cấp xã. Kết quả này được sử dụng làm thước đo để bình xét thi đua khen thưởng; làm cơ sở để phân phối thu nhập cũng như phát triển năng lực công chức. Kết quả đánh giá theo mô hình 3600 được nhận định sẽ là toàn diện, công khai, dân chủ và chính xác về chất lượng công chức; bước đầu áp dụng cho thấy cách đánh giá này sẽ chính xác hơn cách làm cũ.
Huyện Hòa Vang sử dụng phần mềm trực tuyến để chấm điểm đánh giá công chức cấp xã. Công chức được chấm điểm dựa trên thang điểm 100 với ba tiêu chí: Kết quả hoàn thành công việc (60 điểm); thực hiện quy định, quy chế của cơ quan, chính sách, pháp luật của Nhà nước (15 điểm); thái độ, trách nhiệm đối với công việc, công dân, đồng nghiệp và cơ quan, đơn vị (25 điểm). Ngoài ra còn có điểm thưởng cho công chức có thành tích và điểm trừ cho công chức có vi phạm. Nếu đạt từ 85 điểm trở lên là công chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, từ 80 - 85 điểm là Hoàn thành tốt nhiệm vụ, từ 70 - dưới 80 điểm là hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và dưới 70 điểm nghĩa là công chức Chưa hoàn thành nhiệm vụ. Số điểm của của công chức là cơ sở để thực hiện nâng bậc lương, thuyên chuyển, điều động, thôi việc …
Việc chấm điểm công chức qua mạng góp phần đảm bảo tính công bằng giúp giảm bớt thủ tục hành chính, cuối năm công chức cấp xã không phải báo cáo bằng văn bản về Phòng Nội vụ mà tất cả được thể hiện trên phần mềm. Tất cả các công chức cấp xã đều có quyền xem điểm tự đánh giá, điểm thưởng và điểm trung bình cuối cùng của công chức khác trong đơn vị phần mềm này.
Hiện nay, thành phố Đà Nẵng còn tổ chức phát triển trang Website trực tuyến để người dân có thể góp ý công chức cấp xã nơi mình đăng ký hộ khẩu thường trú và đang trong quá trình thực hiện thí điểm việc đánh giá năng lực công chức bộ phận một cửa ở cấp xã trên địa bàn bằng việc phát phiếu điều tra cho người dân khi họ đến thực hiện các dịch vụ hành chính công.
1.5.3. Áp dụng một số kinh nghiệm đánh giá công chức cấp xã đối vớihuyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng
Từ việc nghiên cứu thực tiễn đánh giá công chức cấp xã ở một số địa phương trên có thể rút ra một số bài học trong công tác đánh giá công chức cấp xã hiện nay như sau:
Một là, cần thể chế hóa bộ tiêu chí đánh giá cho phù hợp với từng chức danh công chức cấp xã, tạo hành lang pháp lý để tiến hành thực hiện. Trên cơ sở những tiêu chí, quy định chung về đánh giá, phân loại công chức cấp xã đã được pháp luật quy định, cơ quan quản lý công chức cần căn cứ điều kiện, tình hình thực tế ở địa phương để vận dụng và xây dựng bộ tiêu chí đánh giá công chức cấp xã cho phù hợp, tập trung vào kết quả thực hiện công việc được giao. Đánh giá kết quả thực hiện công việc của công chức cần dựa trên hệ thống các tiêu chí đánh giá cụ thể, đảm bảo phù hợp với vị trí công việc do công chức đảm nhận. Việc quy định càng cụ thể càng giúp cho công tác đánh giá đạt hiệu quả cao.
Hai là, chú trọng đánh giá công chức theo kết quả, hiệu quả thực thi công vụ. Hiệu quả công việc được biểu hiện thông qua kết quả công việc mà công chức đã đạt được so với chi phí bỏ ra. Kết quả không những thể hiện ở tính kinh tế mà còn thể hiện ở tính xã hội của nó (mức độ ảnh hưởng, sự hài lòng của người dân, sự gia tăng niềm tin của người dân vào nền hành chính…). Hiệu quả công việc là thước đo thực tế thể hiện năng lực, trình độ chuyên môn - nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức cùng với quá trình cống hiến của công chức. Đánh giá kết quả thực hiện công việc của công chức cần dựa trên hệ thống các tiêu chí đánh giá cụ thể, đảm bảo phù hợp với vị trí công việc do công chức đảm nhận.
Ba là, cần đảm bảo tính công bằng, dân chủ, khách quan, khoa học trong đánh giá; tính công bằng, dân chủ phải được coi là một tiêu chí cơ bản để xây dựng nội quy quy chế đánh giá và thực hiện đánh giá công chức trên thực tế để đánh giá công chức thật sự trở thành động lực cho mỗi cá nhân phấn đấu.
Bốn là, áp dụng công nghệ thông tin và các kỹ thuật, phương tiện hiện đại để đánh giá, giảm thời gian và đơn giản thủ tục đánh giá.
Năm là, thực hiện công khai cho nhân dân biết kết quả đánh giá công chức đặc biệt người đứng đầu.
Sáu là, tăng cường trách nhiệm đánh giá cũng như trao quyền cho người đứng đầu. Họ là chủ thể trực tiếp đánh giá công chức bằng việc cùng công chức xác định mục tiêu, giám sát quá trình thực hiện mục tiêu cũng như là người chịu trách nhiệm cuối cùng về kết quả thực hiện công việc của tổ chức. Bảy là, phát huy vai trò của người dân, tổ chức tham gia vào quá trình đánh giá công chức. Xem đây là kênh thông tin quan trọng, chính thức làm cơ sở để đánh giá, xếp loại công chức. Vì trong nền hành chính người dân là người thụ hưởng sự phục vụ của công chức cấp xã.
Tiểu kết chương 1
Trong chương này luận văn đã cố gắng làm rõ những vấn đề lý luận chung về công chức cấp xã, đánh giá công chức cấp xã; khái niệm về công chức, công chức cấp xã ở nước ta và chỉ ra những đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của công chức cấp xã; đề cập đến mục đích, ý nghĩa, các nguyên tắc về đánh giá công chức cấp xã; hệ thống hóa các nội dung, tiêu chí, phương pháp, quy trình đánh giá thường được sử dụng; xem xét một số yếu tố có ảnh hưởng đến đánh giá công chức cấp xã. Đồng thời luận văn cũng đã tìm hiểu kinh nghiệm đánh giá công chức cấp xã ở một số huyện của một số địa phương trên cả nước, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để cho công tác đánh giá công chức cấp xã đạt hiệu quả.
Trên cơ sở nội dung chương 1 sẽ góp phần hình thành cơ sở cho việc phân tích đánh giá, thực trạng, giải đáp những vấn đề thực tiễn đặt ra trong công tác đánh giá công chức cấp xã ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Chương 2
THỰC TRẠNG ĐÁNH GIÁ CÔNG CHỨC CẤP XÃ CỦA HUYỆN TRÙNG KHÁNH, TỈNH CAO BẰNG