3.1.2.1. Nguyên tắc đảm bảo tính khách quan
Hoạt động đào tạo là một hoạt động có tính khách quan, nó sinh ra do nhu cầu của xã hội và phản ánh đúng nhu cầu của xã hội. Điều đó có nghĩa là hoạt động đào tạo phải phản ánh đúng đắn năng lực của sinh viên so với yêu cầu của chương trình đào tạo, phản ánh những mặt đạt và chưa đạt so với mục tiêu đào tạo đặt ra. Tính khách quan của các biện pháp quản lí hoạt động đào tạo thể hiện ở những điểm sau: mục tiêu đào tạo phải đáp ứng được nhu cầu của người học và nhu cầu thực tiễn xã hội; nội dung chương trình đào tạo phải phù hợp với mục tiêu đào tạo và từng đối tượng sinh viên; đảm bảo kết quả đào tạo phản ánh đúng chất lượng lĩnh hội kiến thức, hình thành kỹ năng của sinh viên.
3.1.2.2. Nguyên tắc đảm bảo tính toàn diện và đồng bộ
Tính toàn diện và đồng bộ là một yêu cầu không thể thiếu được trong HĐĐT, đòi hỏi phải xác định nội dung và quy trình đào tạo cơ bản; tạo điều kiện cho sinh viên thể hiện sự cố gắng, nỗ lực không ngừng để tự hoàn thiện mình cả về đạo đức, tác phong và năng lực thực hành nghề nghiệp. Do đó các biện pháp phải được tổ chức thực hiện toàn diện và đồng bộ đối với tất cả các thành tố của hoạt động đào tạo nhằm tạo ra những thay đổi của hoạt động này. Ngoài ra còn cần sự phối hợp thống nhất và động bộ ở các cấp quản lí của Nhà trường để thực hiện các biện pháp có hiệu quả.
3.1.2.3. Nguyên tắc đảm bảo tính khả thi và hiệu quả
Nguyên tắc đảm bảo tính hiệu quả đòi hỏi các biện pháp đề ra phải đảm bảo khắc phục được những tồn tại, hạn chế đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lí hoạt động dạy học theo yêu cầu đổi mới giáo dục. Các biện pháp đưa ra đòi hỏi phải có sự đồng thuận trong tập thể sư phạm nhà Trường từ đó tạo động lực thúc đẩy để HĐĐT đạt hiệu quả cao hơn. Các biện pháp Quản lí HĐĐT ở trường ĐH TN&MT TP.HCM khi đề xuất phải đảm bảo thực hiện được trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nhà Trường; phản ảnh đúng bản chất, đặc điểm của từng thành tố cấu trúc của HĐĐT; đáp yêu cầu cơ bản của đào tạo đại học.