Biện pháp 3: Phát triển năng lực nghề nghiệp của đội ngũ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động đào tạo ở trường đại học tài nguyên và môi trường thành phố hồ chí minh (Trang 97 - 99)

3.2.3.1. Mục đích của biện pháp

Giảng viên là người trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn và tổ chức cho sinh viên lĩnh hội kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo. Chất lượng đội ngũ giảng viên là một trong những nhân tố quan trọng quyết định trực tiếp chất lượng đào tạo.

Phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên là nhiệm vụ hết sức cấp bách, đặc biệt quan trọng hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục đại học, góp phần thực hiện thành công công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

3.2.3.2. Nội dung và cách thức thực hiện

Một là, quán triệt, xây dựng lập trường, tư tưởng chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức nhà giáo và tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ giảng viên. Muốn xây dựng được đội ngũ mạnh về tổ chức, vững về lập trường chính trị, đoàn kết, có tinh thần trách nhiệm cao, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao thì cần thực hiện: lập kế hoạch chi tiết và dự kiến nhân sự; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp; kiểm tra, giám sát việc thực hiện và có kế hoạch điều chỉnh kịp thời.

Hai là, khảo sát nhu cầu bồi dưỡng năng lực của GV để xây dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng. Để xác định nhu cầu bồi dưỡng của đội ngũ giảng viên Nhà trường cần tổ chức điều tra, khảo sát thực trạng về năng lực và nhu cầu nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Qua đó, Nhà trường có thể đưa ra được kế hoạch, nội dung, phương pháp, hình thức bồi dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu của giảng viên và nâng cao chất lượng của hoạt động giảng dạy.

Ba là, tổ chức các hoạt động bồi dưỡng thường xuyên và định kỳ. Công tác bồi dưỡng thường xuyên được thực hiện bằng nhiều cách như: Tự học, tự bồi dưỡng trong thực tiễn giáo dục, tham gia các buổi hội thảo, tham gia các khóa bồi dưỡng ngắn hạn. Công tác bồi dưỡng định kỳ được tổ chức theo từng đợt nhằm bồi dưỡng một cách có hệ thống để nâng cao năng lực cho đội ngũ GV. Căn cứ nhu cầu thực tế cần bồi dưỡng của GV, căn cứ kế hoạch chiến lược, kế hoạch năm học của nhà trường, căn cứ khả năng tài chính cho phép, Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng hàng năm, bao gồm: Mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương thức bồi dưỡng, thời gian, kinh phí, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan làm cơ sở cho việc thực hiện công tác bồi dưỡng. Cần xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng chuyên đề, từng đối tượng GV khác nhau.

Bốn là, tạo điều kiện cho GV đi học nâng cao trình độ. Dựa trên kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đã được phê duyệt, phòng Đào tạo thực hiện tốt công tác theo dõi quá trình đào tạo bồi dưỡng của từng giảng viên được cử đi học. Đây là biện pháp quan trọng nhằm đánh giá trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên trên các mặt trong quá trình đào tạo bồi dưỡng. Trong công tác quản lí của phòng Tổ chức cán bộ cần đặc biệt chú ý và quan tâm đến việc quản lí giảng viên sau khi được đào tạo bồi dưỡng để có những nhận xét, đánh giá trình độ năng lực thực tế được thể hiện có đạt yêu cầu đề ra hay không. Các Khoa, các Bộ môn có giảng viên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng cần thực hiện tốt công tác quản lí giảng viên của Khoa, Bộ môn. Yêu cầu giảng viên được cử đi học phải thực hiện việc báo cáo kết quả học tập của giảng viên thường xuyên, định kỳ để có biện pháp động viên kịp thời và đưa kết quả học tập vào việc đánh giá, xếp loại thi đua năm học. Tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt vật chất và tinh thần, sắp xếp công việc chuyên môn sao cho phù hợp với loại hình và chương trình đào tạo của từng người để đội ngũ này yên tâm học tập.

Năm là, tạo môi trường, điều kiện và khuyến khích GV tham gia NCKH nhằm tự nâng cao năng lực.Cùng với hoạt động bồi dưỡng năng lực, hoạt động tự học tập nâng cao trình độ của giảng viên thì hoạt động NCKH là một trong những hoạt động giúp nâng cao trình độ, năng lực giảng dạy cho giảng viên. Để thực hiện tốt nội dung này Nhà trường cần tổ chức và hướng dẫn GV đăng ký thực hiện các đề tài NCKH

các cấp; tổ chức các buổi hội thảo khoa học với nhiều chuyên đề khác nhau có sự tham gia của các trường, các đơn vị và các nhà khoa học; tăng cường đầu tư mọi mặt về cơ sở vật chất, thiết bị nghiên cứu và các phòng thiết bị chuyên dùng; đưa hoạt động NCKH vào tiêu chí đánh giá, xét thi đua hàng năm; xây dựng quy chế khen thưởng, có chính sách đãi ngộ xứng đáng cho hoạt động này.

Sáu là, xây dựng các mối quan hệ doanh nghiệp và quan hệ quốc tế nhằm tạo môi trường cho GV học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức. Hoạt động này giúp tạo cơ hội cho GV tiếp cận, trau dồi nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, cá nhân, đối tác trong và ngoài nước. Nhà trường cần liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện các đề tài NCKH có tính ứng dụng cao theo đơn đặt hàng của họ; hợp tác với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới trong việc đào tạo GV; tạo điều kiện cho GV tham quan, khảo sát thực tế từ các doanh nghiệp hoặc các trường đại học nước ngoài…

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động đào tạo ở trường đại học tài nguyên và môi trường thành phố hồ chí minh (Trang 97 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)