lực của sinh viên
Những CTĐT hiện nay của các Khoa tuy đã có nhiều thay đổi so với những năm đầu mới thành lập nhưng vẫn cần có một sự thay đổi nhiều hơn nữa theo hướng hiện đại hóa nội dung và chú trọng đào tạo, rèn luyện năng lực hoạt động thực tiễn cho sinh viên. Quản lí việc xây dựng và phát triển CTĐT theo hướng phát triển năng lực của người học nhằm tạo ra những CTĐT mới, được cập nhật, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và giúp sinh viên sau khi ra trường có thể hòa nhập với môi trường làm việc một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Biện pháp “Phát triển chương trình đào tạo theo hướng phát triển năng lực của sinh viên” nhằm bảo đảm mục tiêu đào tạo được xây dựng khoa học, hợp lý trên cơ sở mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể của giáo dục đại học; chương trình đào tạo được thiết kế bảo đảm: mục tiêu, chuẩn đầu ra (chuẩn kiến thức, kỹ năng, thái độ) của người học sau khi tốt nghiệp, gắn với nhu cầu nhân lực và tốc độ phát triển KT-XH.
3.2.1.2. Nội dung và cách thức thực hiện
Một là, khảo sát, đánh giá thực tiễn xã hội hiện tại và trong tương lai có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên – môi trường nhằm xây dựng kế hoạch và chiến lược phát triển phù hợp. Quá trình này đòi hỏi phải điều tra, phân tích và xử lý thông tin từ nhiều phía như: nhà tuyển dụng, doanh nghiệp; các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục; đội ngũ giảng viên; sinh viên tốt nghiệp… Bên cạnh đó phải nghiên cứu và nắm được định hướng, chiến lược phát triển giáo dục đại học hiện hành và tương lai; thể chế chính trị; trình độ phát triển kinh tế – xã hội, khoa học – công nghệ; nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động…
Hai là, xác định mục tiêu đào tạo theo hướng phát triển năng lực, mô tả được “chân dung” người tốt nghiệp (phẩm chất, năng lực). Xác định mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể, tức là cái đích hướng tới của quá trình đào tạo nhằm hình thành và phát triển nhân cách con người, những đức tính nghề nghiệp…
Ba là, dựa vào hồ sơ năng lực của sinh viên sau khi tốt nghiệp, mục tiêu chung của ngành học, xác định chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo. Nhu cầu của xã hội liên quan đến ngành nghề đào tạo sẽ định hướng việc xây dựng chuẩn đào tạo hoặc năng lực cần có đối với từng ngành đào tạo. Chuẩn đầu ra chính là những yêu cầu đối với sinh viên để có thể được cấp bằng cho từng chuyên ngành cụ thể.
Bốn là, phát triển chương trình đào tạo mới trên nền tảng chương trình đào tạo hiện hành. Một chương trình đào tạo phải bao gồm: chương trình khung, kế hoạch đào tạo, các yêu cầu và điều kiện đảm bảo nhằm thực hiện chương trình. Ở bước này, phải rà soát lại các chương trình đào tạo hiện hành, đối với mỗi học phần cần trả lời được câu hỏi: Học phần này hình thành năng lực gì cho sinh viên? (đối chiếu nội dung trong từng chương so với chuẩn đầu ra của chương trình). Tất cả đề cương học phần cần đem ra xem xét để lựa chọn hoặc điều chỉnh, bổ sung, kết hợp với nhau để tạo thành các học phần mới đáp ứng được chuẩn đầu ra. Thiết kế chương trình đào tạo theo hướng phát triển năng lực cho người học nghĩa là phải thiết kế chương trình theo hướng tích hợp vì chỉ có chương trình như vậy mới có thể hình thành các năng lực cho người học như: có nền tảng học vấn tổng quát, năng lực vận dụng lý thuyết vào thực tế giải quyết vấn đề… Sau khi hoàn thiện chương trình đào tạo cần được đưa vào thực nghiệm và đánh giá trước khi ban hành chính thức. Việc đánh giá chương trình đào tạo thông qua việc lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục, đội ngũ giảng viên, sinh viên, người sử dụng lao động...
Năm là, cân đối giữa kiến thức chung và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Chương trình đào tạo được xây dựng cần có sự kết hợp cân đối, hài hòa giữa các khối kiến thức chung, kiến thức chuyên ngành với khối kiến thức rèn luyện nghiệp vụ phù hợp với từng ngành đào tạo của trường. Thời lượng đề xuất dành cho khối kiến thức đào tạo năng lực và thực tập, thực tế chuyên môn là khoảng 50% trong tổng số các học phần của chương trình đào tạo. Điều này giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có được những kiến thức và kinh nghiệm thực tế về chuyên môn, nghiệp vụ có thể đảm nhận tốt các công việc.
Sáu là, tăng cường các môn học chuyên ngành có giá trị thực tiễn cao. Để tăng khả năng ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế thì cần đổi mới chương trình đào tạo của Trường theo hướng tăng tính ứng dụng và sát với đòi hỏi của thực tiễn nhiều hơn. Để tăng tri thức ứng dụng, trong phân bổ nội dung, chương trình cần bố trí thời lượng thích đáng cho các môn học chuyên ngành có giá trị thực tiễn cao. Muốn như vậy trước hết phải tăng cường sự gắn kết với thực tiễn xã hội nghề nghiệp, tăng nội dung
thực hành rèn luyện kỹ năng, gắn kết với các doanh nghiệp để đảm bảo hình thành kỹ năng cho người học.
Bảy là, tăng cường kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng xã hội, bản lĩnh chính trị. Trong thực tế công việc hiện nay, ngoài các kỹ năng như: kỹ năng tư duy, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ… còn cần bổ sung các kỹ năng khác: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng đàm phán, kỹ năng làm việc độc lập,