Biện pháp 4: Quản lí hoạt động tự học và nghiên cứu khoa học của

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động đào tạo ở trường đại học tài nguyên và môi trường thành phố hồ chí minh (Trang 99 - 102)

viên

3.2.4.1. Mục đích của biện pháp

Đối với phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ này thì vấn đề tự học và NCKH của sinh viên được đặt ra và trở thành một trong những vấn đề then chốt, được coi là công việc tất yếu và thường xuyên. Hoạt động tự học và NCKH của sinh viên là chìa khoá cho sự thành công không chỉ cho chính bản thân sinh viên mà còn góp phần thực hiện thành công đổi mới phương thức đào tạo của nhà trường. Rèn luyện cho sinh viên khả năng tư duy sáng tạo, khả năng phê phán, bác bỏ hay chứng minh một cách khoa học những quan điểm, rèn luyện kỹ năng phân tích, tổng hợp kiến thức, tư duy lôgic, xây dựng tinh thần hợp tác. Trên cơ sở đó hoạt động tự học và NCKH sẽ tạo ra những bước đi ban đầu để sinh viên tiếp cận với những vấn đề mà khoa học và cuộc sống đang đặt ra, gắn lý luận với thực tiễn, củng cố tri thức đã học, phát triển khả năng độc lập tự nghiên cứu, tự học, nâng cao trình độ hiểu biết, phát triển óc tư duy khoa học, hình thành kĩ năng NCKH, rèn luyện các phẩm chất của nhà nghiên cứu, góp phần giáo dục toàn diện cho sinh viên.

3.2.4.2. Nội dung và cách thức thực hiện

Một là, nâng cao nhận thức, xây dựng động cơ và thái độ học tập đúng đắn cho sinh viên. Yếu tố này có ý nghĩa quyết định, bởi học tập phải xuất phát từ chính nhu cầu của người học, ý thức được bản thân mình cần gì, muốn đạt được gì. Chỉ khi xác định được mục đích, động cơ học tập đúng đắn, rõ ràng và với thái độ học tâp tốt thì người học mới có thể phát huy hết năng lực học tập, thu được kết quả cao. Nhà trường cần thực hiện: tìm hiểu nhu cầu học tập của sinh viên, giúp sinh viên xác định mục tiêu học tập; xây dựng kế hoạch; triển khai thực hiện thông qua các buổi sinh hoạt đầu khóa, qua việc giảng dạy các môn học, qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa…;

Hai là, thành lập bộ phận quản lí. Ngoài các phòng/khoa quản lí trực tiếp như phòng đào tạo, phòng công tác sinh viên, các khoa chuyên môn thì một bộ phận không thể thiếu là đội ngũ cố vấn học tập. Chức năng của CVHT là tư vấn, hỗ trợ sinh viên trong học tập, nghiên cứu khoa học, định hướng nghề nghiệp; tư vấn, hỗ trợ sinh viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và các hoạt động xã hội, đoàn thể; quản lí sinh viên trong quá trình học tập và rèn luyện tại trường. Nhà trường cần: xây dựng tiêu chuẩn và bố trí đội ngũ cố vấn học tập; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng công tác cố vấn học tập; bảo đảm điều kiện phục vụ công tác cố vấn học tập về tài liệu chuyên môn, CSVC, chế độ chính sách…

Ba là, chỉ đạo GV đổi mới PPDH, lấy người học làm trung tâm. Với triết lý ”Tôn trọng người học, xem người học là trung tâm của quá trình đào tạo”, đặc điểm này buộc người dạy phải sử dụng phương pháp giảng dạy sao cho phát huy được tính chủ động của người học, giúp người học biết cách học để tự học. Để có thể thực hiện được điều này đòi hỏi Nhà trường phải chỉ đạo GV: cải tiến phương pháp dạy học truyền thống và kết hợp đa dạng các phương pháp khác nhau; tăng cường sử dụng phương tiện dạy học và công nghệ thông tin hợp lý hỗ trợ dạy học; Sử dụng các kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực và sáng tạo; Chú trọng các phương pháp dạy học đặc thù bộ môn; Bồi dưỡng phương pháp học tập tích cực cho sinh viên. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hỗ trợ việc đổi mới công việc lựa chọn, thiết kế nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy và học.

Bốn là, xây dựng kế hoạch ngoài giờ lên lớp trong đó có hoạt động tự học, tự nghiên cứu khoa học. Hoạt động tự học tự nghiên cứu của sinh viên bao hàm cả 2 công việc: chuẩn bị cho các giờ lên lớp (lý thuyết, seminar, làm việc nhóm, thực hành...) và tự học có hướng dẫn (nghiên cứu, đọc tài liệu, hoàn thành các nhiệm vụ học tập, làm bài tập tuần, nhóm tháng, bài tập cuối kỳ...). Kế hoạch tự học, tự nghiên cứu đảm bảo cho hoạt động học tập và nghiên cứu của học sinh diễn ra theo trình tự đã sắp xếp, có tính khoa học, tránh hiện tượng bị động, không đạt kết quả. Xây dựng kế hoạch tự học, tự nghiên cứu là một công việc rất khó đối với sinh viên nên cần có sự hướng dẫn của GV. GV có thể hướng dẫn sinh viên xây dựng kế hoạch tự học, tự nghiên cứu như sau: GV nêu mục đích, tầm quan trọng và các bước tiến hành xây dựng một kế hoạch tự học, tự nghiên cứu; hướng dẫn học sinh lập kế hoạch theo từng bước; kiểm tra kế hoạch của học sinh, bổ sung và nhận xét; để học sinh tự sửa chữa, điều chỉnh kế hoạch của mình.

Năm là, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của sinh viên nhằm kích thích sinh viên tự học, tự nghiên cứu. Đánh giá là một yếu tố quan trọng, gắn liền với hoạt động dạy và học, có tác dụng điều chỉnh và nâng cao chất lượng dạy và học. Mặt khác, khi triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ - một học chế mà lấy người học làm trung tâm, tức là đào tạo theo nhu cầu của người học, lấy tự học làm chính thì hoạt động kiểm tra đánh giá cũng phải đáp ứng như vậy. Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá đòi hỏi phải đổi mới công tác ra đề thi, hình thức và phương pháp kiểm tra và phải chú trọng đánh giá các năng lực tư duy bậc cao như năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực suy ngẫm, tự quản lí phát triển bản thân. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng công tác của cố vấn học tập; Tổ chức tốt công tác thi đua, khen thưởng, tạo động lực cho người dạy, người học.

Sáu là, tổ chức các buổi giao lưu, học tập chuyên đề, các buổi thảo luận giữa sinh viên với GV, cựu sinh viên, doanh nghiệp. Nhà trường cần củng cố và mở rộng mối quan hệ với các cựu sinh viên, doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các buổi giao lưu, học tập và thảo luận. Tạo cơ hội để sinh viên được giao lưu gặp gỡ với những nhân vật thành đạt và nổi tiếng thuộc ngành học của mình. Thông qua hoạt động giao lưu, sinh viên sẽ hiểu rõ hơn về quá trình khởi nghiệp, đặc

thù của ngành học cũng như những kinh nghiệm quý báu của diễn giả. Đây thực sự là cầu nối giúp sinh viên tiếp cận với các doanh nghiệp, nắm bắt nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Từ đó, biết cách phát huy tối đa năng lực của bản thân, mang đến cơ hội việc làm ngay sau khi ra trường.

Bảy là, trang bị cho sinh viên một số kỹ năng cần thiết phục vụ cho hoạt động tự học và NCKH. Để nắm được thực trạng và nhu cầu trang bị các kỹ năng của sinh viên, Nhà trường cần tiến hành điều tra, khảo sát để từ đó lên kế hoạch, nội dung, hình thức và phương pháp nhằm trang bị những kỹ năng cần thiết cho sinh viên. Những kỹ năng phục vụ cho việc tự học cơ bản mà nhà trường cần trang bị cho sinh viên gồm: kỹ năng kế hoạch hóa và mục tiêu; kỹ năng đọc giáo trình, tài liệu tham khảo; kỹ năng nghe và ghi bài trên lớp; kỹ năng ôn tập; kỹ năng tự kiểm tra, đánh giá. Bên cạnh đó, những kỹ năng cần thiết cho hoạt động nghiên cứu khoa học: kỹ năng xây dựng đề tài nghiên cứu; kỹ năng thiết kế nghiên cứu; kỹ năng thu thập, phân tích dữ liệu và sử dụng công cụ phân tích; kỹ năng phê phán; kỹ năng lập luận; kỹ năng viết báo cáo khoa học. Đồng thời, sinh viên cũng cần được trang bị và thực hiện tốt các kỹ năng mềm như: kỹ năng quản lí thời gian, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giải quyết vấn đề…

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động đào tạo ở trường đại học tài nguyên và môi trường thành phố hồ chí minh (Trang 99 - 102)