Lịch sử là một môn khoa học xã hội. Lịch sử là những sự kiện hiện tượng đã xảy ra trong quá khứ xã hội của loài người, nó tồn tại độc lập, khách quan với ý muốn của con người. Do đặc trưng môn Lịch sử khác với các môn học khác trong chương trình dạy học ở phổ thông đó là
Thứ nhất, học tập lịch sử là quá trình nhận thức những điều đã diễn ra trong quá khứ của xã hội để hiểu về hiện tại và chuẩn bị cho tương lai. Khi nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên, người ta có thể trực tiếp quan sát chúng ở trong thiên nhiên hoặc ở trong phòng thí nghiệm. Khác với giới tự nhiên, lịch sử xã hội loài người không thể được trực tiếp quan sát và cũng không thể khôi phục lại diễn biến của nó trong phòng thí nghiệm. Đặc trưng nổi bật của nhận thức lịch sử là con người không thể tri giác trực tiếp những gì thuộc về quá khứ. Mặt khác, lịch sử là những sự việc đã diễn ra, là hiện thực trong quá khứ, là tồn tại khách quan, không thể "phán đoán", "suy luận"... để biết lịch sử. Vì vậy, nhiệm vụ đầu tiên, tất yếu của bộ môn lịch sử ở trường phổ thông là tái tạo lịch sử, tức là cho học sinh tiếp xúc với những chứng cứ vật chất, những dấu vết của quá khứ, tạo ra ở họ những hình ảnh cụ thể, sinh động, chính xác về các sự kiện, hiện tượng lịch sử, tạo ra ở học sinh những biểu tượng về con người và hoạt động của họ trong bối cảnh thời gian, không gian xác định, trong những điều kiện lịch sử cụ thể. Trong thực tế, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên này của bộ môn lịch sử thường không được thực hiện đúng theo yêu cầu của nó. Các sự
kiện, hiện tượng lịch sử thường được trình bày một cách trừu tượng, qua loa, chưa đạt tới mức độ có thể giúp học sinh hình dung về quá khứ. Trong hoạt động dạy học lịch sử, nhiều giáo viên bỏ qua khâu nay, chỉ nêu câu hỏi, học sinh nhìn qua loa vào sách giáo khoa và trả lời, khoảng 10 - 15 “pha” như thế là xong tiết học.
Vậy, tái tạo lịch sử bằng phương thức nào? Trước hết phải kể đến lời nói sinh động, giàu hình ảnh của giáo viên. Đó là tường thuật, miêu tả, kể chuyện, nêu đặc điểm của nhân vật lịch sử... Ở đây, sự am hiểu lịch sử, nghệ thuật trình bày, vốn sống, kinh nghiệm chuyên môn, tình cảm đối với lịch sử, sự hiểu biết và yêu mến học sinh của giáo viên đóng vai trò quyết định. Để tạo ra những hình ảnh lịch sử cụ thể, bên cạnh lời nói sinh động của giáo viên, người ta sử dụng các phương tiện trực quan. Căn cứ vào tài liệu học tập và mục tiêu lĩnh hội, người ta lựa chọn các phương tiện trực quan khác nhau:
-Tạo hình ảnh một sự vật cụ thể: dùng vật thật, tranh ảnh, phim đèn chiếu, video.
-Tạo biểu tượng về không gian, hoàn cảnh địa lý diễn ra các sự kiện lịch sử: dùng tranh ảnh, bản đồ, sa bàn.
-Trình bày diễn biến các sự kiện lịch sử: dùng tranh, ảnh, phim, đèn chiếu, phim xinê, video.
-Tạo biểu tượng về thời gian: dùng sơ đồ, bảng niên biểu,...
-Tạo biểu tượng về sự phát triển: dùng sơ đồ, tranh ảnh, bảng so sánh,... Ngày nay ở các nước phát triển, video là phương tiện kĩ thuật được sử dụng thường xuyên trong dạy học lịch sử. Trong tương lai gần, máy vi tính với các phần mềm dạy học, các thiết bị truyền thông đa phương tiện, việc truy cập thông tin từ các mạng nội bộ, từ internet. sẽ tạo ra những thay đổi quan trọng trong phương pháp dạy học lịch sử.
So với lời nói của giáo viên, các phương tiện trực quan có ưu thế hơn: tạo ra hình ảnh lịch sử cụ thể, sinh động, chính xác hơn, giúp học sinh thuận lợi hơn trong việc tạo biểu tượng lịch sử. Vì vậy cần quan tâm sử dụng các phương tiện trực quan
kết hợp với lời nói sinh động của giáo viên.
Trong dạy học lịch sử, nhà trường hiện đại rất quan tâm đến việc tổ chức học sinh làm việc với các nguồn sử liệu, học tập thao tác cơ bản nhất của các nhà sử học. Để tổ chức tốt các hoạt động này, việc chuẩn bị của giáo viên rất quan trọng, bao gồm các công việc sau:
-Chọn nguồn sử liệu phù hợp với: + Nội dung mà học sinh cần tìm hiểu +Trình độ hiểu biết và năng lực của họ -Phân tích sử liệu:
+Tài liệu ra đời lúc nào? Đặt thời điểm đó vào các mối quan hệ lịch đại. + Ai nói? Ai viết? (Tìm hiểu về người viết và tiểu sử của người đó). + Tài liệu đó được lưu giữ ở đâu? Được xuất bản vào lúc nào?.
+Tài liệu đó nhằm vào đối tượng nào? Ai là đối tượng nghe phát biểu hoặc nhận tài liệu này?.
+ Tài liệu đó nói về điều gì? Tài liệu được trình bày như thế nào? Cái gì ẩn dấu đằng sau những điều đã trình bày?.
+ Mục đích của người viết, người nói? Điều đó là chân lí trong tài liệu này?. -Kết quả và ý nghĩa của tài liệu này trong lịch sử. Đối với chúng ta, nó có ý nghĩa gì? Chúng ta học được gì quan tài liệu này?.
Lập kế hoạch tổ chức học sinh làm việc với các nguồn sử liệu. Học sinh cần được rèn luyện phương pháp làm việc với các nguồn sử liệu theo các bước sau đây:
-Nắm được xuất xứ, thời gian, bối cảnh của sử liệu.
-Hình thức của sử liệu: tác phẩm kinh điển, văn kiện của các tổ chức, cảm nhận của nhân chứng lịch sử, tranh đương thời, ảnh lịch sử, ý kiến của nhân vật lịch sử, các tác phẩm sử học gốc, ý kiện của nhà sử học...
-Nghiên cứu nội dung, trao đổi, kiểm tra việc hiểu nội dung.
quan nguồn sử liệu này.
-Đánh giá, bình luận nội dụng.
-Xét xem, tổng hợp, sắp xếp nội dung vừa phát hiện vào hệ thống nội dung đã học, hướng tới thực hiện mục tiêu dài hạn.
Thứ hai, học tập lịch sử để hình dung rõ ràng, giải thích đúng, có cơ sở khoa học về lịch sử. Các sự kiện, hiện tượng lịch sử, biến cố lịch sử... không phải xuất hiện một cách tuỳ ý, hoàn toàn ngẫu nhiên mà chính là sản phẩm của những điều kiện lịch sử nhất định, có những mối quan hệ nhân quả nhất định, tuân theo những quy luật nhất định. Bộ môn lịch sử có nhiệm vụ giúp học sinh nắm được bản chất các sự kiện lịch sử, hình thành các khái niệm lịch sử, phát hiện ra các mối quan hệ trong các quá trình lịch sử, rút ra các bài học lịch sử giúp cho học sinh suy nghĩ và hành động đúng. Để thực hiện nhiệm vụ này, không nên sử dụng nhiều phương pháp diễn giảng (giáo viên nói, học sinh nghe), không nên áp đặt những kết luận có sẵn. Cần khuyến khích phương thức làm việc mới: trên cơ sở sử liệu đã lĩnh hội, tổ chức hoạt động học tập tự lực, tự giác, sáng tạo của học sinh. Cần tổ chức bài học thành những vấn đề học tập, tạo điều kiện và tổ chức cho học sinh độc lập suy nghĩ, mạnh dạn trình bày ý kiến của riêng mình. Trong nhiều trường hợp, khi tổ chức cho học sinh phân tích, đánh giá các sự kiện lịch sử, có thể nêu ra nhiều ý kiến khác nhau, xuất phát từ những cơ sở khác nhau để học sinh lựa chọn hoặc nêu ra ý kiến riêng của mình. Tổ chức các cuộc hội thảo ở các nhóm học tập hoặc chung cả lớp để trình bày kết quả làm việc của mình với các tư liệu lịch sử, động viên học sinh mạnh dạn bày tỏ và bảo vệ ý kiến riêng, đồng thời lại biết nghe ý kiến người khác, hiểu biết, chia sẻ kết luận và cơ sở lập luận của bạn, biết cách hợp tác công việc với bạn.
Thứ ba, lịch sử đã qua nhưng không hoàn toàn biến mất mà còn để lại "dấu vết" của nó qua kí ức của nhân loại (văn học dân gian, phong tục tập quán, lễ hội,...), qua đó những thành tựu văn hoá vật chất (thành quách, nhà cửa, lâu đài, đình, chùa, nhà thờ, đến miếu, tượng đài...), qua các hiện tượng lịch sử, qua ghi
chép của người xưa, qua tên đất, tên làng, tên đường phố, qua tranh ảnh, báo chí đương thời... Chỉ có trên cơ sở những chứng cứ vật chất nói trên mới có sự nhận thức và trình bày về lịch sử. Ngày nay, người ta hết sức quan tâm đến các hình thức tổ chức dạy học lịch sử đa dạng, tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc với các nguồn sử liệu nói trên. Ngoài ra các tiết học thông thường, cần khuyến khích tổ chức:
- Cho học sinh nghe các nhân vật lịch sử hoặc các nhân chứng lịch sử kể lại.
- Tham quan ở các hiện trường, ở các bảo tàng. - Tham quan các di tích lịch sử, di tích văn hoá.
- Sưu tầm các sử liệu địa phương, những gì gần gũi với cuộc sống của người học.
Tóm lại: Vấn đề nhận thức lịch sử cũng khác so với nhận thức các môn khoa học khác: Nó có nhận thức chung của quy luật loài người từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng đến thực tiễn. Đồng thời nhận thức lịch sử cũng có sắc thái riêng đó là: Nhận thức các sự kiện lịch sử phải tuân theo lô gic sự kiện, sự thật khách quan chứ không phải tuỳ theo trí tưởng tượng của từng người.