Trước tiên, đó là nhận thức về vị trí, vai trò của môn học. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhận thức rõ tầm quan trọng của các môn khoa học xã hội và nhân văn nói chung, môn Lịch sử nói riêng, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VIII (1997) khẳng định: “Coi trọng hơn nữa các môn khoa học xã hội và nhân văn, nhất là Tiếng Việt, Lịch sử dân tộc”(19, tr40). Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê còn khẳng định "riêng đối với Việt Nam, lịch sử càng giữ vai trò cực kỳ quan trọng gắn liền với sự tồn vong của quốc gia – dân tộc... Thế hệ trẻ lớn lên qua nền giáo dục phổ thông mà không yêu mến lịch sử dân tộc, không có một vốn hiểu biết cần thiết về lịch sử và văn hoá dân tộc và nhân loại, không có một niềm tự tin dân tộc, không kế thừa các truyền thống dân tộc, thì làm sao có thể hoàn chỉnh được phẩm chất của người công dân Việt Nam. Từ đặc điểm đó, môn Lịch sử càng phải đặt đúng vị thế và chức năng của nó trong hệ thống giáo dục phổ thông” (Phan Huy Lê, 1978).
Hiện tại, Lịch sử được coi là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông và có những ưu thế riêng trong đào tạo con người vì: Học Lịch sử, học sinh hiểu được quy luật phát triển của xã hội loài người, cũng như tính tất yếu lịch sử của sự nghiệp giải phóng và phát triển dân tộc. “Ôn cũ biết mới”, những hiểu biết về quá khứ sẽ giúp học sinh hiểu hiện tại hơn, có niềm tin và hành động đúng đắn hơn. Lịch sử góp phần giáo dục truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, một hành trang để thế hệ trẻ bước vào cuộc sống.
Như vậy, về đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước là yếu tố tác động tích cực đến hoạt động dạy học Lịch sử hiện nay. Tuy nhiên, nhận thức của học sinh về môn học và quan điểm của giáo viên dạy môn lịch sử là yếu tố tác động trực tiếp đến quá trình hoạt động dạy học Lịch sử hiện nay.
1.5.2. Nhận thức của học sinh về môn học lịch sử
Do đặc trưng môn Lịch sử khác với các môn học khác trong chương trình dạy học ở phổ thông đó là: học sinh không được trực tiếp chứng kiến sự kiện lịch sử đó trực tiếp vì lịch sửkhông lặp lại.Việc học tập môn lịch sử là quá trình nhận thức biến những kiến thức khoa học lịch sử tích luỹ từ nhiều thế hệ của nhân loại, được lựa chọn thành kiến thức của chính mình. Trong quá trình học tập phải lấy tự học làm gốc để chiếm lĩnh kiến thức, hoàn thành nhiệm vụ được giao, để nắm vững kiến thức lịch sử một cách chính xác. Tuy nhiên, dạy và học lịch sử ở các trường phổ thông hiện nay tồn tại những nhận thức của học sinh như sau:
- Quan niệm môn đây là môn phụ nên việc tự học Lịch sử hầu như không được chú trọng, các em chủ yếu học bài ở vở ghi và sách giáo khoa.
- Học chỉ để đối phó với thi cử và kiểm tra, cho nên ý thức học tự giải quyết vấn đề chưa trở thành động lực trong học tập, chưa chủ động học để làm phong phú thêm kiến thức Lịch sử cho bản thân.
- Học sinh rất ít khi trình bày ý kiến của mình vì cho rằng kiến thức của mình còn yếu kém, hoặc không tự tin để trình bày.
Những nhận thức trên của học sinh bắt nguồn từ do bản thân người học còn có điểm xuất phát là chưa có những cải tiến trong cách dạy nên người học còn có những tồn tại những hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học môn Lịch sử ở trường phổ thông.