Tổ chức, chỉ đạo hoạt động bồi dưỡng giáo viên

Một phần của tài liệu thực trạng quản lý hoạt động bồi dưỡng giáo viên ở các trường trung học phổ thông thành phố hồ chí minh (Trang 31 - 32)

Tổ chức, chỉ đạo hoạt động bồi dưỡng năng lực sư phạm của GV gắn liền với việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục THPT. Luật Giáo dục, điều 29 quy định Chương trình Giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở cơ sở giáo dục phổ thông, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng Quốc gia. Yêu cầu thực hiện Chương trình GD THPT là phải đảm bảo đầy đủ, chính xác, có chất lượng về nội dung và phương pháp. Do đó, ngoài việc tổ chức, tạo điều kiện thực hiện đổi mới chương trình, hoạt động quản lý phải đảm bảo bồi dưỡng trình độ năng lực sư phạm của GV ngang tầm với nhiệm vụ mới. Một trong những định hướng lớn của hoạt động bồi dưỡng GV phổ thông trong giai đoạn hiện nay là tiếp tục thực hiện chương trình bồi dưỡng thường xuyên gắn liền với bồi dưỡng GV phục vụ yêu cầu đổi mới chương trình và SGK phổ thông. Tổ chức, chỉ đạo hoạt động bồi dưỡng GV bao gồm các nội dung:

- Tổ chức, chỉ đạo cho các tổ chuyên môn thực hiện thao giảng, dự giờ, hội thảo chuyên đề, hội thi GV giỏi về năng lực sư phạm, viết sáng kiến kinh nghiệm… Hướng dẫn, tạo điều kiện cho đội ngũ GV học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Đây vừa là yêu cầu nhiệm vụ vừa là nhu cầu học hỏi thực tiễn để nâng cao năng lực sư phạm cho GV.

- Tổ chức, chỉ đạo các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực sư phạm do các chuyên viên ĐHSP giảng dạy theo thỉnh giảng của nhà trường dựa vào nhu cầu học tập thực tiễn của GV. Dựa theo khảo sát nhu cầu và thông qua tổng kết, đánh giá về GV, người quản lý sẽ biết được các năng lực sư phạm nào cần bồi dưỡng cho GV trường mình, từ đó sẽ có kế hoạch cụ thể, thỉnh giảng các chuyên gia có kinh nghiệm về trường giảng dạy.

- Tổ chức, chỉ đạo cho GV tự học để tự bồi dưỡng năng lực sư phạm. Nhu cầu tự bồi dưỡng của GV rất cao và họ cũng có khả năng tự nghiên cứu nhằm thỏa mãn nguyện vọng được mở rộng kiến thức, nâng cao năng lực sư phạm phục vụ giảng dạy. Các trường THPT thường tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tài liệu, trang thiết bị, kỹ thuật để GV tự học. Tuy

vậy, việc chuẩn bị đầy đủ đến mức độ nào là phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi trường.

- Tổ chức, chỉ đạo cho GV tham gia bồi dưỡng năng lực sư phạm theo kế hoạch của Sở Giáo dục, địa phương. Tạo điều kiện cho GV tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ năng lực sư phạm do Sở Giáo dục tổ chức vào dịp hè như các lớp tập huấn đổi mới SGK, phương pháp giảng dạy, phân ban, các lớp học chuyên đề, các lớp bồi dưỡng thường xuyên,… Là hoạt động trọng tâm của trường vào dịp hè nên Ban Giám Hiệu các trường thường tổ chức cho GV được tham gia tập huấn đầy đủ, thực hiện chế độ học tập, sắp xếp thời gian tập huấn để GV được học tập, nghiên cứu nội dung tập huấn.

- Tạo điều kiện cho GV học tập đủ chuẩn, vượt chuẩn đào tạo. Hoàn thiện đội ngũ GV, trong đó có việc nâng chuẩn cho GV để đạt và vượt chuẩn yêu cầu. Theo Luật giáo dục, GV giảng dạy ở các trường THPT phải có bằng cử nhân sư phạm do các trường ĐHSP cấp. Ngoài ra theo Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020, GV THPT phấn đấu đạt 10% trình độ thạc sĩ.

- Tổ chức, chỉ đạo thực hiện đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ cho việc bồi dưỡng, tự bồi dưỡng của GV. Bồi dưỡng năng lực sư phạm cho GV phải đi đôi với việc tăng cường chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật giảng dạy ở nhà trường đủ chuẩn và đồng bộ.

- Tổ chức, chỉ đạo việc tạo điều kiện về tinh thần, vật chất, tài chính cho GV khi tham gia bồi dưỡng và tự bồi dưỡng. Điều 80, Luật GD có nêu: “Nhà nước có chính sách bồi dưỡng nhà giáo về chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao trình độ và chuẩn hóa nhà giáo. Nhà giáo được cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của Chính phủ” [30]. Việc thực hiện đầy đủ chế độ tài chính cho GV trong việc bồi dưỡng năng lực sư phạm là trách nhiệm của người quản lý, đặc biệt là của Hiệu trưởng.

Một phần của tài liệu thực trạng quản lý hoạt động bồi dưỡng giáo viên ở các trường trung học phổ thông thành phố hồ chí minh (Trang 31 - 32)