15 Phương pháp nghiên cứu khoa học
3.2.5. Biện pháp 5: Kiểm tra, đánh giá hoạt động bồi dưỡng giáo viên
Mục đích
- Kiểm tra, đánh giá những kết quả bồi dưỡng đã đạt được, so với mục tiêu đề ra trong kế hoạch đầu năm để tìm ra những điểm yếu cần khắc phục.
- Giúp CBQL quản lý chặt chẽ hoạt động bồi dưỡng GV, phát hiện, điều chỉnh, khuyến khích và cổ vũ hoạt động theo đúng kế hoạch.
- Khuyến khích và tạo động lực cho GV tham gia bồi dưỡng nghiêm túc.
Nội dung và cách tổ chức thực hiện
- Có hệ thống biện pháp, chỉ tiêu kiểm tra đánh giá cho từng khóa bồi dưỡng
+ Kết quả kiểm tra chỉ thực sự có ý nghĩa khi người kiểm tra (Giảng viên) đánh giá được đối tượng kiểm tra ( GV) và người học tự đánh giá được bản thân. Nghĩa là ý nghĩa của kiểm tra chỉ có được khi cả giảng viên và giáo viên đánh giá được sau kiểm tra . Nếu chỉ dừng lại ở mục đích cho điểm, lấy điểm thì kiểm tra, đánh giá chưa đổi mới bởi không có tác dụng thúc đẩy việc điều chỉnh động cơ, thái độ, cách học của GV.
+ Xây dựng, đổi mới tiêu chí đánh giá các hoạt động bồi dưỡng GV, tiêu chuẩn GV đạt loại giỏi khóa bồi dưỡng. Khắc phục tình trạng kiểm tra thiên về ghi nhớ máy móc kiến thức, tăng cường ra đề mở để kiểm tra mức độ thông hiểu kiến thức, vận dụng, tổng hợp tri thức, kỹ năng, giải quyết vấn đề trong thực tế có thể đặt ra.
+ Đổi mới cách ra đề kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên theo hướng đánh giá được thực chất năng lực, khả năng vận dụng kiến thức vào công việc của người học; nội dung đề kiểm tra vừa bao quát nội dung chương trình, đảm bảo mức độ theo yêu cầu cần đạt được về chuẩn kiến thức, kỹ năng vừa có nội dung vận dụng, sáng tạo, vừa có tác dụng phân hoá để đánh giá đúng thực chất năng lực học tập của học viên và có kế hoạch bồi dưỡng các đối tượng học viên chưa đạt yêu cầu.
- Xây dựng nhiều hình thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập của giáo viên sau khóa bồi dưỡng
+ Đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá GV nhằm đánh giá một cách toàn diện, thực chất trong suốt quá trình học tập của GV. Hình thức kiểm tra, đánh giá cũng cần được đổi mới, phong phú hơn, có thể thay thế hình thức làm kiểm tra viết, trắc nghiệm của ghi nhớ máy móc bằng hình thức viết bài thu hoạch cá nhân với tài liệu mở, nhằm sử dụng vốn hiểu biết và kinh nghiệm GV. Các trường nên phát động phong trào và chỉ đạo các tổ bộ môn tổ chức cho cán bộ, GV viết sáng kiến kinh nghiệm, tự làm đồ dùng dạy học, đồng thời với việc khai thác sử dụng có hiệu quả thiết bị dạy học đã được trang bị; xây dựng đĩa CD dữ liệu phục vụ quản lý và dạy học; tích cực huy động và khai thác các nguồn kinh phí hỗ trợ để tổ chức các cuộc thi sản phẩm có được từ phong trào này.
- Có các biện pháp hành chính kết hợp với lợi ích kinh tế làm đòn bẩy cho hoạt động bồi dưỡng
+ Người CBQL cần thực hiện chính sách, chế độ thưởng, phạt đối với kết quả bồi dưỡng của mỗi GV một cách dân chủ, hợp lý trên cơ sở đánh giá công bằng, khách quan theo các tiêu chuẩn cụ thể, công khai. Xây dựng các chế độ khen thưởng phù hợp vừa tôn vinh vừa bù đắp thỏa đáng cho GV có kết quả bồi dưỡng tốt, ứng dụng hiệu quả nội dung bồi dưỡng vào quá trình dạy học, hay có những sáng kiến kinh nghiệm hữu ích phục vụ cho sự phát triển của nhà trường.
+ Xử lý kịp thời các GV không tham gia vào quá trình bồi dưỡng hay có thái độ học tập không nghiêm túc như không bố trí giảng dạy, trừ điểm thi đua hay phê bình trước tập thể. Thu hồi học phí của những GV được hưởng các chi phí đào tạo, bồi dưỡng nhưng không chấp hành sự phân công.
- Kết hợp giữa kết quả kiểm tra đánh giá hoạt động bồi dưỡng với đánh giá giáo viên cuối năm
+ Việc bồi dưỡng GV có quan hệ mật thiết với nhiệm vụ chính của GV, đó là nâng cao chất lượng giảng dạy. Vì thế, Ban Giám Hiệu các trường nên sử dụng kết quả bồi dưỡng như là một trong những tiêu chí đánh giá GV có hoàn thành nhiệm vụ hay không, từ đó giúp cho GV xác định động cơ học tập đúng đắn.
+ Đưa vấn đề hoàn thành việc bồi dưỡng thành tiêu chí để đánh giá thi đua, xếp loại GV trong từng học kì, từng năm học.