Sau gần 4 thập niên xây dựng và phát triển Đồng Tháp hôm nay là công sức đóng góp của biết bao người con trai con gái, người mẹ người cha; họ đã vượt lên gian khó để khẳng định chính bằng việc làm thiết thực. Các nhà thơ cũng vậy, bằng ngòi bút của mình tác giả vẽ lên nhiều khát vọng để nhân dân mơ ước vươn xa. Đồng Tháp hôm nay có bàn tay đóng góp của con người ở mọi lĩnh vực từ kinh tế văn hóa cho đến nông công nghiệp, từ ý thức dựng xây cho đến tư tưởng giáo dục. Những khu công nghiệp, những nông trường mới, các khu kinh tế kinh doanh… hay sự phát triển giao thông thủy lợi đều là thương hiệu cho sự phát triển tỉnh nhà.
Có lẽ Nguyễn Chơn Thuần là người hiểu sâu sắc nỗi cơ cực của người lính trên nông trường xây dựng tương lai, nông trường Giồng Găng làm nên tất cả với sự xanh tươi nơi cây lúa, mượt mà trong tình cảm: Những người lính vệ quốc năm xưa/ Đã nằm xuống/ Thành rừng xanh/ Trời xanh/ Những người lính trẻ hôm nay/ Đang kề vai nhau/ Gánh vác/ Làm giàu đẹp cả nông trường này
(Người lính trên nông trường mới - Nguyễn Chơn Thuần). Bóng dáng người xưa nơi chiến trường ẩn hiện để chiến trường xây dựng cuộc sống hôm nay có dịp vinh quang như cây bông súng trên đồng sống hết mình vì công việc, vì con người ở thời đại mới. Hoặc ở một tác phẩm khác, Nguyễn Chơn Thuần háo hức niềm vui ca ngợi sức căng tràn nhựa sống với đồng ruộng mênh mông, xóm thôn đổi mới, mức sống con người thay đổi từng ngày Bây giờ đồng ruộng thêm vườn/ Lúa tăng hai vụ cao lương xen mùa/ Chợ đông tấp nập bán mua/ Dưới thuyền trên biển bốn mùa xôn xao. Rồi cuộc sống vật chất cũng làm thay đổi niềm vui tinh thần với sự phát hiện ánh sáng điện làng thôn xóm, ăng ten ti vi, mái ngói đỏ xinh Thân tre vươn đến tần cao/ Ăng ten như lược chảy vào tóc mây/ Điện về thắp sáng cỏ cây/ Xóm thôn thịnh vượng thợ thầy an khang/ Bây giờ
mương lấp thành làng/ Hồng hào ngói mới rõ ràng xóm thôn/ Hoa càng tím ngát hoàng hôn/ Trái chiều mùa chín căng dồn sắc xuân [61, 54].
Đó còn là niềm tâm sự nâng lên tiếng reo ca khi mùa xuân về, Lý Thuận Khanh miêu tả mùa xuân bằng cảm nhận rất chân tình Đồng Tháp ơi/ Tôi yêu người say đắm/ Đời nông dân nay đã được đi giày/ Thuyền nông dân xuôi ngược khắp đông tây/ Về hội chợ chở đầy khoang hàng hóa. Tâm sự ấy được tác giả khắc họa tựa muôn vàn lời ca cho mùa xuân ấm áp giao hòa Mùa xuân đến reo vui giục giã/ Gió xuân về trải rộng lá cờ sao/ Xuân ta đó ngập tràn hạnh phúc
(Khi mùa xuân đến). Dẫu bằng mấy câu thơ ngắn ngủi nhưng giá trị cổ vũ rất lớn cho sự phát triển Đồng Tháp, khi mà sự thay da đổi thịt từng bước len lỏi khắp mọi nơi từ con người đến sự vật, từ nông thôn đến thành thị, từ nghề nông đến kinh tế quê nghèo. Từ thay đổi cuộc sống đến thay đổi con người trong tư tưởng giúp nhân dân lạc quan tin tưởng vượt qua trở ngại cuộc sống thường ngày, khó khăn trong miếng cơm manh áo lo cho con cái học hành… Cuộc sống đổi thay từ mái trường ngói đỏ, áo trắng học trò gợi bao điều trắc ẩn lòng ta
Giữa đồng Tràm Chim hương cỏ/ Ngôi trường vôi trắng mép thảm xanh/ Áo trắng đàn em lẫn trong hương thơm đó/ Ngẩn ngơ du khách đứng nhìn/ Chim nhảy chuyền cành lá khẽ rung rinh (Áo trắng - Rừng tràm, Hoàng Tiễn).
Nguyễn Giang San cũng ngợi ca vẻ đẹp con đường phối với sức sống mới, cảm nhân ấy có được khi buổi sớm mai thức dậy đi tản bộ trên đường phố thân yêu, lời thơ của tác giả là niềm vui say khi tả Sáng nay chạm tay vào phố/ Biết mùa đổi thịt thay da/ Nào ta cùng ta độc bộ/ Nghe lòng nở một nhành hoa
(Thành phố - Nguyễn Giang San). Có những nhà thơ đã tự bạch về nguyên quán của mình đầy ý nghĩa nhân sinh, bài thơ như nhắc nhở mọi người đừng bao giờ quên công ơn, đừng bao giờ quên những địa danh tên tuổi đã đi vào sử sách; Nhà thơ Khắc Chu ca ngợi thành phố trẻ hôm nay có bàn tay người đi trước xuất thân từ Mỹ Trà, Cao Lãnh. Tác phẩm như một bài ca hát cho mọi người nghe âm vị cuộc sống mới, niềm vui mới đầy hân hoan sức sống, Nguyên quán của tôi
được Khắc Chu tự họa với sắc màu cổ kính mà vẫn mang nét hiện đại vô cùng
Ba mươi mắt năm đổi đất thay trời/ Ý Đảng lòng dân chọn đường thẳng lối/ Chân nông nghiệp bước lên thềm hiện đại/ Đôi hài thần vượt trở ngại gian nan/ Dân nói Đảng nghe, Đảng xướng dân làm/ Mở cơ hội biến Cao Lãnh thành đô thị/ Xin cảm ơn/ Những tâm hồn sáng trong tuyệt mỹ/ Một đời gieo, một đời cấy tinh thần, hoặc còn đó những câu thơ đẹp Khói công nghiệp bốc cao/ Cụm Trần Quốc Toản/ Tấp nập đường vui/ Khu du lịch Mỹ Trà/ Vượt cửa lòng điện sáng dãy cồn xa/ Ơi đẹp quá bản đồ quy hoạch mở…
Bài thơ trên công viên là một cảm nhận khác khi nhìn trẻ nô đùa mà lòng chẳng muốn đi, Lại Trí Huệ yêu con người thành phố hôm nay, ca ngợi thị xã văn minh đẹp đẽ tươi màu Đã ngót mấy năm mới về thị xã/ Đường mở rộng thêm lộ tráng phẳng lì/ Nhà trẻ công viên xanh màu trời đẹp/ Nhìn trẻ nô đùa chân chẳng muốn đi, tâm sự tác giả là chung của cả một lớp người nơi đô thị, nơi mà đã từng vươn dậy trong cằn cõi đất khô bom đạn mịt mù. Tất cả đã thay cho sự đổi mới để rồi không ít tác giả có cảm nhận sâu sắc về nghĩa tình Đồng Tháp. Lê Minh Hùng miêu tả trong Du lịch miệt vườn có những vần thơ thanh đạm bởi giọng lịm ngọt dừa Thắp nén nhang thơm nhớ thầy Phó Bảng/ Cao Lãnh, Hòa An cao phố, rộng đường/ Du lịch miệt vườn nhớ em đất Tháp/ Tha thiết yêu giọng lịm ngọt dừa. Một số tác phẩm mang vẻ đẹp ngợi ca rõ nét như Cầu treo Tam Nông, Những cánh sao ngày xưa hay bài thơ Tuổi trẻ,Cánh đồng đêm… tất cả làm nên nội dung thơ Đồng Tháp cổ động xây dựng cuộc sống mới xinh xắn, tấp nập phố phường, làng xóm yên vui.